Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-02 đến ngày 03-03-2013

Đức Toàn tổng hợp
22:10, ngày 04-03-2013
TCCSĐT - Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 367/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Hội đồng Tư vấn gồm 26 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, các thành viên còn lại là đại diện các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội...

Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Hội đồng được huy động chuyên gia trong và ngoài nước, các nguồn lực hợp pháp của cơ quan thành viên Hội đồng để thực hiện trách nhiệm được giao.

Thước đo từ nhân dân

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, 10 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước và Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước đã cắt giảm khoảng 3.000 thủ tục. Các cơ quan quản lý ước tính, nếu tiếp tục đơn giản khoảng 5.000 thủ tục theo lộ trình sẽ có thể giúp tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm. 30.000 tỷ là con số rất rất lớn và con số tuyệt đối đó có thể còn gây tranh cãi, nhưng có một thực tế rằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện hình ảnh của cơ quan công quyền, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Nhưng cải cách hành chính không phải là cắt giảm, sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi là những sửa đổi phải đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thước đo trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi cố gắng cải cách hành chính là sự hài lòng của người dân. Cái cách mà TP. Hồ Chí Minh đang lựa chọn để đi tiếp con đường cải cách thủ tục (lấy sự hài lòng của dân làm trọng) đang tạo ra những thay đổi mang tính căn bản của cải cách hành chính. Nhưng việc phục vụ tại chỗ đối với những đối tượng đặc biệt hoặc điện tử hóa việc cung cấp các dịch vụ hành chính chỉ là một phần con đường cải cách hành chính vốn dài và gian khó. Xác lập được chế độ trách nhiệm tốt hơn đối với các công chức hành chính mới giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Bởi lẽ, suy cho cùng cải cách hành chính chính là cải cách con người.

Tiếc rằng, hiện nay việc đo đếm mức độ hài lòng của người dân đối với các hoạt động của cơ quan công quyền còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có. Chẳng hạn như, ngoài việc khiếu nại và tố cáo, người dân có rất ít cơ hội để tác động lên việc đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá công lao của các công chức. Và điều này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng công chức sách nhiễu dân.

Ở một số nước, để khắc phục tình trạng này, nhiều chức vụ mang tính hành chính công đều do dân bầu. Nó bảo đảm thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh của công chức trước các yêu cầu của dân. Còn ở ta, có một cách làm dễ hơn, đó là phải xây dựng các tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở hài lòng của dân. Chẳng hạn, để tuyên dương hoặc khen thưởng một công chức phải dựa trên phiếu thăm dò về sự hài lòng của dân. Nếu tỷ lệ hài lòng của dân năm sau thấp hơn năm trước thì việc khen thưởng không nên đặt ra. Làm được như vậy thì việc thay đổi lề lối làm việc của các cơ quan công quyền sẽ trở thành nhu cầu tự thân, mà không phải là điều gì quá đặc biệt, như hiệu ứng mà một số quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh vừa tạo ra.

Tiếp tục phát triển chính phủ điện tử để cải cách hành chính

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về kết quả 5 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tại văn bản này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai Nghị định để phát triển chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính trong tình hình mới. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng văn bản pháp lý chuyên sâu trong từng lĩnh vực để khắc phục khó khăn, vướng mắc thì cần bảo đảm kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin và quy định về quy trình xử lý trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.

Theo báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng 90% cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trên 60% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được trang bị máy tính phục vụ công việc.

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có trang/cổng thông tin điện tử và cơ bản đã cung cấp thông tin theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được thực hiện trên trang/cổng thông tin điện tử.

Công khai hơn 106.000 thủ tục hành chính

Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh”, đã có 106.229 hồ sơ thủ tục hành chính được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Chiều 26-02, Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ bàn giao kết quả việc thực hiện Dự án trên.

Dự án góp phần hỗ trợ việc xây dựng công cụ đánh giá tác động và tính chi phí thực hiện với 3.209 thủ tục hành chính quy định tại 777 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần phát hiện, kịp thời chỉnh sửa nhiều bất cập về thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách, quản trị và nâng cấp Cơ sở dữ liệu; hỗ trợ chuyên gia tham gia nghiên cứu, rà soát chuyên sâu một số nhóm thủ tục hành chính trọng tâm và xây dựng định hướng cải cách hành chính dài hạn; tổ chức thực hiện truyền thông về cải cách thủ tục hành chính…

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) đánh giá những hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án đã được triển khai đúng tiến độ, cam kết của nhà tài trợ và quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực.

Những kết quả đạt được góp phần nâng cao năng lực thực hiện chức năng kiểm soát thủ tục hành chính, cũng như tăng cường năng lực tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về chiến lược cải cách thủ tục hành chính cho giai đoạn tiếp theo.

Ông Todd Hamner, Giám đốc Văn phòng phát triển kinh tế (USAID), đánh giá những năm qua, Việt Nam có nhiều điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc tạo ra các thủ tục hành chính rõ ràng cho doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

Chính phủ quyết tâm cải cách hành chính

Tại lễ bàn giao kết quả Dự án hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cải cách hành chính cho Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) nêu trên, ông Scott Jazynka, Giám đốc Dự án phát biểu, rất mong vai trò của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ được quy định rõ ràng. Mới đây nhất, việc Cục được điều chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp đã đặt ra câu hỏi cho cộng đồng doanh nghiệp và những người quan tâm về lựa chọn ưu tiên của Chính phủ với cải cách hành chính.

Đáp lại mối băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định, việc chuyển Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sang Bộ Tư pháp vẫn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Theo ông Sơn, kiểm soát thủ tục phải được làm ngay từ khâu soạn thảo và ban hành chính sách. Do đó, việc chuyển cơ quan này sang Bộ Tư pháp cũng để hoạt động kiểm soát đi vào thực chất và chiều sâu hơn.

"Bộ Tư pháp cũng cam kết sẽ duy trì các kết quả đã đạt được trước đó. Còn tất nhiên, cải cách thủ tục hành chính là công việc khó khăn, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người", ông Sơn cho hay.

Phát biểu trước đó, ông Scott Jazynka cũng lưu ý, công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam vừa qua đạt một số thành công chủ yếu nhờ có sự ủng hộ về mặt chính trị từ cấp cao nhất, đó là từ Thủ tướng và những người đứng đầu các bộ, ngành. Tuy nhiên, công cuộc này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Tỷ lệ thủ tục không cần thiết cần phải cắt giảm vẫn còn nhiều.

Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính vẫn không có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không cần thiết. Nhiều thủ tục vẫn chưa được đăng tải lên cơ sở dữ liệu quốc gia để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Ông Scott Jazynka đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới như phải tiếp tục tập trung cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính, đầu tư mạnh mẽ hơn cho tham vấn công chúng và truyền thông.

Từ 01-03, thành phố Cần Thơ bắt đầu thực hiện ký chữ ký số

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có văn bản chỉ đạo: Bắt đầu từ ngày 01-03- 2013, thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện ký chữ ký số (tập con của chữ ký điện tử) thay chữ ký văn bản giấy trên toàn địa bàn thành phố nhằm góp phần hoàn thiện mục tiêu điện tử hóa nền hành chính thành phố.

Chữ ký số sẽ thực hiện trên hầu hết các loại tài liệu, văn bản hành chính như: Công văn (trừ văn bản mật) ; báo cáo; giấy mời; lịch làm việc… đã được xác thực bằng chữ ký số và gửi qua mạng, không phải gửi thêm văn bản giấy. Ngoài ra, tùy theo tính chất của từng loại văn bản, cơ quan, đơn vị tự quyết định việc ký chữ ký số trên một số văn bản khác.

Hiện nay, trên địa bàn Cần Thơ thiết bị chữ ký số chỉ mới cấp cho cơ quan, đơn vị để sử dụng chung như một con dấu điện tử của cơ quan, nên việc giao nhận người quản lý thiết bị chữ ký số cần phải có biên bản bàn giao cụ thể và quy định trách nhiệm của người quản lý thiết bị chữ ký số một cách cụ thể, rõ ràng.

UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thiết lập hệ thống thư mục một cách khoa học để lưu văn bản điện tử theo từng loại văn bản, theo từng năm để thuận lợi cho việc tra cứu và tìm kiếm, phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong tương lai . Đối với những đơn vị chưa sử dụng phần mềm quản lý văn bản, thực hiện quản lý văn bản theo tình hình hiện tại của đơn vị, nếu có sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc thì khi kèm tệp sẽ kèm tệp đã được ký số.

Việc cài đặt phần mềm ký chữ ký số phải được thực hiện trên nhiều máy tính của cơ quan, đơn vị để thuận tiện cho việc nhận và kiểm tra nguồn gốc của văn bản điện tử từ các nơi gửi đến. Về kỹ thuật, công nghệ của chữ ký số là dựa trên hạ tầng mã hóa công khai, công nghệ này bảo đảm chữ ký số khi được một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó tạo ra là duy nhất, không thể giả mạo được và chỉ có người sở hữu khóa bí mật mới có thể tạo ra được chữ ký số đó nên tính bảo mật chữ ký số rất cao.

Kỷ cương hành chính phải bắt đầu từ những việc cụ thể

Là một trong những đơn vị triển khai sớm và nghiêm túc "Năm kỷ cương hành chính", huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội coi các nội dung của kế hoạch chính là giải pháp đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ - đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã có cuộc trao đổi báo chí về những vấn đề này:

Kỷ cương hành chính cần cho bất kỳ chủ thể hành chính nào. Nếu một huyện chưa phát triển nhanh, mạnh như Phúc Thọ mà có kỷ cương hành chính tốt chắc chắn sẽ là động lực để đưa huyện phát triển, mặt khác sẽ xây dựng được môi trường và thói quen hành chính tốt cho tương lai. Tại những nước phát triển, kỷ cương hành chính được xác định là rường cột, là đòn bẩy để thúc đẩy sự vận động đi lên của xã hội. Không có nước nào phát triển mà kỷ cương lại kém. Chúng ta đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do đó, sản xuất nông nghiệp cũng phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và muốn như vậy thì việc đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có tác phong công nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao và kỷ luật nghiêm.

Có thể thấy, chủ thể trong việc thực hiện kỷ cương hành chính chính là con người, là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những vấn đề trong triển khai kế hoạch “Năm kỷ cương hành chính” chính là xây dựng tác phong, lề lối làm việc; là tư duy, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, thực hiện kỷ cương hành chính có sự gắn bó chặt chẽ với xây dựng tác phong công nghiệp.

Trong năm nay, huyện chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cả 5 nội dung của cải cách hành chính sẽ được triển khai thực hiện đồng bộ. Cùng với siết lại kỷ cương, kỷ luật làm việc tại các phòng, ban, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục những tồn tại trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” từ năm 2012. Đặc biệt, huyện chỉ đạo 15 xã, thị trấn sử dụng hiệu quả phần mềm giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” đã được trang bị; đồng thời trang bị phần mềm giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của 8 xã còn lại. Huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đề cao sự gương mẫu của lãnh đạo tất cả các cơ quan, mà trước hết là người đứng đầu.

Theo tôi, xây dựng kỷ cương hành chính phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, thậm chí là những việc rất nhỏ. Ví dụ như có nơi triệu tập một hội nghị chẳng hạn, giấy mời đề rõ 8 giờ, nhưng đúng giờ mới chỉ có khoảng nửa số đại biểu triệu tập, người đến muộn, người vắng mặt, người về sớm cũng không xin phép, báo cáo ai… Hay Chỉ thị 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã ghi rõ không mời cưới trong giờ làm việc, nhưng vẫn có cán bộ khi cưới con vẫn mời trong giờ làm việc và vẫn có những công chức đi dự đám cưới trong giờ làm việc. Đó không phải là kỷ cương hành chính. Tôi cho rằng, kỷ cương hành chính có nghĩa nói đi đôi với làm, lấy sự gương mẫu của cán bộ để tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân. Kỷ cương phải thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi.

Thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo rất cụ thể, từ việc hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình làm việc cho tới cách thức tổ chức hội họp (giảm số lượng các cuộc họp, lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc họp có cùng thành phần dự họp; nội dung và thành phần dự họp phải thông báo trước 5 ngày, tài liệu phục vụ cuộc họp phải gửi trước ít nhất 3 ngày cho các đại biểu…), rồi phân công trách nhiệm cho từng phòng, ban, bộ phận; từng cán bộ, công chức, viên chức…

Điều đó là rất cần thiết. Trong triển khai, chúng tôi đã thống nhất tập trung chỉ đạo việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như ở trụ sở cán bộ phải đeo thẻ công chức; các xã, thị trấn, phòng, ngành siết lại kỷ luật làm việc về thời gian, chế độ báo cáo; thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân, quy trình tiếp dân… Không thể để tồn tại những cách làm việc tùy tiện, luộm thuộm./.