Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với trên 60 vị chức sắc, nhà tu hành tham dự, góp nhiều ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tôn giáo để Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chặt chẽ hơn, bao hàm đầy đủ ý nghĩa hơn.

Hầu hết các ý kiến của các vị chức sắc, các nhà tu hành cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết và đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ. Các đại biểu có nhiều đóng góp liên quan đến các Chương, các Điều về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong Điều 19, các vị chức sắc nêu vấn đề “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” có những người nhập quốc tịch nước ngoài, vậy họ có còn là bộ phận không thể tách rời, được Nhà nước Việt Nam bảo hộ không. Ở Điều 8, đề nghị thêm cụm từ “có quyền được mưu cầu hạnh phúc” vào sau từ “được sống”.

Nhiều ý kiến của các vị chức sắc đóng góp về các nội dung có liên quan đến lĩnh vực tôn giáo. Trong đó, nhiều vị chức sắc, nhà tu hành đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi nên quy định rõ hơn ở Điều 25. Cụ thể, trong khoản 1, Điều 25 nên thêm “không ai có quyền bắt buộc theo hay không theo một tôn giáo nào" vào trước cụm từ “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Theo Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Phó Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, ở khoản 1, Điều 25, trong đoạn “theo hoặc không theo một tôn giáo nào” thì bỏ từ “theo”, thay vào đó là từ “tín ngưỡng”. Ở Khoản 2, Điều 25 nên thêm từ “những” vào trước cụm từ “nơi thờ tự”, thêm từ “công nhận” vào trước từ “bảo hộ”; thêm đoạn “không ai có quyền xúc phạm đến niềm tin, lý tưởng, giáo lý của các tôn giáo đang sinh hoạt hợp pháp”...

Ở Điều 25 này, Dự thảo nên thêm nội dung: Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được Nhà nước cho phép theo luật định; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện; các tổ chức tôn giáo là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

** "Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có vị trí rất quan trọng, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân". Đây là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại các hội nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, bố cục và kết cấu chặt chẽ, ngắn gọn thể hiện được ý chí của nhân dân. Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, được đề cao tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tuy nhiên, trong khoản 3 lại chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dễ tạo ra cơ chế "xin cho". Do vậy, cần được quy định rõ và nên bổ sung như sau: "Nhà nước đảm bảo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả vào tạo điều kiện để các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động có hiệu quả".

Đề cập đến các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đề nghị Chương II của Bản dự thảo cần sắp xếp lại bố cục, chia làm 2 chương là quyền con người và quyền công dân, vì các điều, khoản của chương này lẫn lộn, đan xen gây nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền công dân. Ở điều 63, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm khoản 4 với nội dung "Nhà nước nghiêm cấm tổ chức và cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại sức khỏe của nhân dân"; đồng thời, nên giữ lại điều 41 của Hiến pháp năm 1992 vì trong Dự thảo sửa đổi đã bỏ 2 điều này là không phù hợp.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp ý kiến xung quanh việc khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị xã hội; việc bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ dân bầu; mỗi quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc; chế tài xử lý, khung hình phạt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng./.