Việt Nam: Tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống bạo lực gia đình

Trần Khải Minh (Theo: Hồ sơ - sự kiện)
22:04, ngày 03-03-2013
Được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII ngày 21-11-2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Chung tay cùng với Việt Nam trong việc thực hiện, từng bước đưa Luật PCBLGĐ vào cuộc sống đã có nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội của Việt Nam triển khai nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về PCBLGĐ.

Tích cực hợp tác

 

Với mục đích tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo tốt hơn về Luật Bình đẳng giới và Luật PCBLGĐ, chương trình chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về bình đẳng giới đã được triển khai thực hiện từ tháng 3-2009 đến tháng 3-2012. Chương trình này được Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG-F).

 

Sau ba năm thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực mang tính chiến lược, phối hợp xây dựng được một số tài liệu hữu ích cho tập huấn, nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách, các mạng lưới và dữ liệu liên quan đến giới để hỗ trợ việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật PCBLGĐ. Chương trình cũng đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm và gương điển hình nhằm phục vụ cho Sáng kiến Thống nhất hành động thông qua phương thức hoạt động của chương trình. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ chương trình này, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam. Đây được xem là nghiên cứu quy mô nhất, số liệu đầu vào quan trọng cho công tác PCBLGĐ ở Việt Nam.

 

Sự hợp tác quốc tế của Việt Nam trong PCBLGĐ còn được thể hiện ở Dự án truyền thông nhằm thúc đẩy việc thực hiện Luật PCBLGĐ, do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tài trợ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2012 với kinh phí 490.200 euro. Đây là dự án truyền thông có nhiều đối tác thực hiện, qua nhiều kênh thông tin khác nhau như xây dựng chương trình truyền hình “Vì mái ấm gia đình” do Truyền hình Thông tấn xã thực hiện; tổ chức chiến dịch truyền thông hướng tới đối tượng là nam thanh niên tại trường học; tổ chức tập huấn cho hội viên Hội nông dân cấp cơ sở một số tỉnh, thành phố và tổ chức tập huấn cho đội ngũ đạo diễn, diễn viên một số đội thông tin - tuyên truyền lưu động về lồng ghép nội dung PCBLGĐ. Thông qua chương tình tập huấn này, các đạo diễn, diễn viên có thể lồng ghép, xây dựng kịch bản, vở diễn có nội dung PCBLGĐ để chuyển tải tới từng hộ gia đình.

 

Trong chu kỳ hợp tác 2012 - 2016 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với UNFPA, hai bên nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ Dự án quốc gia “Xây dựng ứng phó quốc gia đối với BLGĐ” và đã được phê duyệt. Dự án này hướng tới tăng cường năng lực quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện ứng phó quốc gia đối với BLGĐ phù hợp với các chính sách, pháp luật liên quan nhằm góp phần giảm BLGĐ và bạo lực trên cơ sở giới.

 

Chia sẻ kinh nghiệm

 

Còn nhiều tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam đang xây dựng các chương trình, dự án với những hoạt động đa dạng, phong phú nhằm chuyển tải nội dung của Luật PCBLGĐ tới từng người dân. Các hoạt động từ phòng ngừa, can thiệp sớm cho tới hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân BLGĐ; lồng ghép nội dung sinh hoạt của hội viên các câu lạc bộ của hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... với công tác PCBLGĐ được chú ý. Đặc biệt, công tác PCBLGĐ đã được xã hội hóa, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội trong nước, nâng cao nhận thức của xã hội về nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ tới sự ổn định và phát triển của gia đình Việt Nam.

 

Sự hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực PCBLGĐ giúp nhận thức chung của toàn xã hội về PCBLGĐ không ngừng được nâng cao. Kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, trên cơ sở phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, công bố năm 2010 cho thấy, 63% số phụ nữ từng bị bạo lực về thể xác hoặc tinh thần do chồng gây ra có biết về Luật PCBLGĐ. Đây là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng theo kết quả nghiên cứu trên, có tới 87% số phụ nữ bị bạo lực chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc những người có thẩm quyền. Do vậy, công tác PCBLGĐ cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

 

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc thông qua truyền thông thay đổi hành vi thì phải có đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PCBLGĐ. Đây là điều hết sức thiết thực, bảo đảm sự thành công trong PCBLGĐ. Vì vậy, sự hợp tác và tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế cần tập trung vào việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tiến tới hình thành một đội ngũ cán bộ công tác xã hội có trình độ và chuyên môn sâu tư vấn cho nạn nhân BLGĐ.

 

Là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong vấn đề bảo đảm quyền con người, bảo vệ lợi ích tốt nhất của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1980, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989 và ký kết một số hiệp ước, công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bạo lực giới, cũng như các cam kết quốc tế khác. Việc tích cực hợp tác quốc tế, tham gia và đóng góp, chia sẻ nhiều hơn với bạn bè quốc tế những kinh nghiệm, bài học hay về công tác PCBLGĐ ở Việt Nam là hết sức cần thiết trong việc bảo vệ quyền con người, xây dựng mỗi gia đình ở Việt Nam ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.