Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
“Thừa Thiên - Huế cần rà soát lợi thế, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh, cùng những tỉnh, thành tăng trưởng khá trợ giúp những địa phương khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu trong năm giữa nhiệm kỳ”. Đây là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên- Huế ngày 3-3-2013.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo kết quả 4 năm thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị, tình hình hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông Tây và cải cách tư pháp trên địa bàn.
Những năm qua, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển bền vững và giữ được mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện. Bộ mặt các đô thị và nông thôn ngày càng khang trang sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên do tình hình khó khăn chung của trong nước, nhiều đề án trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt chưa bố trí được nguồn lực, dẫn đến khó khăn trong triển khai. Một số dự án giao thông của Trung ương do thiếu nguồn lực nên triển khai chậm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh phát huy vai trò vị trí, lợi thế chiến lược của tỉnh nằm trong vùng duyên hải miền Trung; tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2020, tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây, phấn đấu mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh chung kinh tế của cả nước giảm, Huế vẫn có bước phát triển tốt về nông nghiệp, du lịch, giữ nhịp độ tăng trưởng khả quan, thu ngân sách đạt tốp đầu các tỉnh miền Trung, hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, Thừa Thiên - Huế cần rà soát lại những lĩnh vực có lợi thế để tập trung đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng, đóng góp chung cho cả nước. Quan tâm đến những thế mạnh du lịch của Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch gợi mở, nếu khu vực Đại nội thuộc quần thể di tích cố đô Huế được quan tâm giữ gìn bảo tồn, cùng với nâng cấp cảng hàng không, đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch, lượng khách du lịch đến Huế chắc chắn tăng gấp nhiều lần. Khi các nước trong khu vực có những phát triển đột biến về du lịch, Huế nói riêng, cả nước nói chung phải tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, du lịch.
Về hành lang kinh tế Đông - Tây, Chủ tịch nước cho rằng, Thừa Thiên - Huế có vị trí địa lý và vai trò quan trọng trên trục giao thương quốc tế. Nhìn lại 5 năm qua, những dự án phát triển dọc hành lang này đã có chuyển biến quan trọng. Trong bối cảnh thời điểm tự do hóa thương mại giữa Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc đã rất cận kề, lãnh đạo tỉnh cần bàn với các Bộ, ngành, Trung ương tiếp tục hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm đường bộ, đường biển để thông thương hàng hóa, theo dõi sát hướng dịch chuyển của của dòng vốn FDI nhằm thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch đề nghị tỉnh quan tâm đến những giá trị nội hàm của thành phố, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi một số nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh phải chú ý thêm các nguồn khác nguồn lực từ doanh nghiệp, để bù đắp vào các khoản thiếu hụt, chú trọng các ngành nghề tạo được việc làm cho lao động nông thôn.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tổ chức tại Bệnh viện Trung ương Huế, trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Giáo sư Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.
Là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hạng đặc biệt được thành lập năm 1894 theo sắc lệnh của vua Thành Thái năm thứ 6, trải qua hơn 119 năm tồn tại phát triển, Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng quy trình kỹ thuật y khoa hiện đại, thực hiện tốt các chính sách xã hội trong cơ chế thị trường. Đội ngũ cán bộ bác sĩ của Bệnh viện gồm 2500 người, hoạt động trong 43 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 10 phòng chức năng, đã triển khai được 3.140 loại kỹ thuật y học thực hiện tại bệnh viện và chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh.
Cùng với sự đóng góp chung của tập thể, thành công của Bệnh viện có phần đóng góp lớn về lao động sáng tạo của Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú. Đỉnh cao của những nỗ lực cống hiến ấy là ca ghép tim thành công của Giáo sư Tiến sĩ Bùi Đức Phú và đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 2-3-2011, góp phần tạo nên một bước đột phá lớn trong lịch sử y học Việt Nam. Đây là ca ghép tim thứ 2 tại Việt Nam và là ca đầu tiên hoàn toàn do các bác sĩ trong nước của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện.
Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ các thầy thuốc đã góp phần đưa nền y học Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh. Chủ tịch nước nêu rõ, sức khỏe là vốn quý của con người, nền tảng để con người làm việc, cống hiến, có cuộc sống hạnh phúc. Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc ta mới trường tồn; Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Đại hội XI của Đảng đề ra nhiệm vụ “Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” với nhiều nội dung cụ thể. Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, đội ngũ các thầy thuốc có vinh dự to lớn, trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vẻ vang. Ngành y tế cần tiếp tục quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, trên cơ sở Nhà nước tăng cường đầu tư, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa, phát triển nhanh hệ thống y tế công lập và ngoài công lập; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Chủ tịch nước đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tận tụy phục vụ nhân dân, quan tâm chăm sóc, chia sẻ với người bệnh như lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.
Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đi thăm Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, nghe giới thiệu về dự án khu du lịch Laguna Lăng Cô, thăm và kiểm tra tình hình hoạt động tại cảng Chân Mây. Sau 6 năm thành lập Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã thu hút 32 dự án đầu tư, trong đó 12 dự án đi vào hoạt động. Ngoài việc thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đầu tư 1.733 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và hạ tầng xã hội. Khu du lịch Laguna Lăng Cô là một trong những dự án có vốn đầu tư và diện tích sử dụng mặt bằng lớn tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô./
Quy trách nhiệm và xử lý đối với các ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2013  (03/03/2013)
Khánh thành nhà lưu niệm nhà báo liệt sỹ đầu tiên của Việt Nam  (03/03/2013)
Xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc  (03/03/2013)
Ngày hội lớn của những tấm lòng nhân ái  (03/03/2013)
Tổng thống Nga, Mỹ nhất trí hợp tác chặt chẽ về Xy-ri  (03/03/2013)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên