Góp ý về điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Trung tướng Hồng Cư
21:04, ngày 27-02-2013
TCCSĐT - Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay, đã có 4 bản Hiến pháp gồm Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Các bản Hiến pháp này đã góp phần quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, Đảng và Nhà nước nhận thấy cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với yêu cầu cao về tính dân chủ và thực chất, việc sửa đổi Hiến pháp thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc làm thể hiện sự thấm nhuần và thực hiện bài học sâu sắc nêu trên và thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân; để nhân dân trở thành chủ thể tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật và thực hiện Hiến pháp, pháp luật. Với niềm tin tưởng vào những ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được trân trọng, được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu để báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi xin được đóng góp một số ý kiến về Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

1. Điều 4 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền tức là Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, giành được độc lập thống nhất của Tổ quốc và đang tiếp tục lãnh đạo xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Cùng với phương thức vận động quần chúng vốn là phương thức lãnh đạo công tác cơ bản của Đảng, Đảng có thêm phương thức lãnh đạo, quản lý xã hội thông qua bộ máy Nhà nước. Vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải là nội dung chính của việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

2. Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp nêu lên 3 điểm:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Thứ hai, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Thứ ba, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Tôi đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc là “Đảng cầm quyền, dân là chủ. Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh).

Bởi đây là điều khác biệt giữa Đảng Cộng sản và các đảng tư sản trong cầm quyền. Đảng lãnh đạo chính quyền là để củng cố quyền làm chủ của dân, mọi quyền lực phải thuộc về dân. Trái với nguyên tắc này, Đảng sẽ thoái hóa, biến chất, trở thành đối lập với dân, đứng trên dân, trên pháp luật, còn đảng viên thì trở thành “quan cách mạng” vinh thân, phì gia. Điều này, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ.

Hiến pháp phải tiếp tục xây dựng cơ chế “Đảng cầm quyền với cốt lõi là quan hệ giữa Đảng với nhân dân, với nhà nước”. Hiến pháp phải thể chế hóa việc Dân làm chủ, mọi quyền hành, mọi lực lượng là ở dân, nhân dân phải thực sự tham gia quản lý nhà nước.

3. Khẳng định vai trò Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam là rất cần thiết trong tình hình có những ý kiến muốn xây dựng chế độ chính trị theo mô hình đa đảng. Trách nhiệm đảng duy nhất cầm quyền không phải là sự xếp đặt chủ quan của một giai cấp, một lực lượng chính trị nào mà trước hết vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam và của toàn thể nhân dân lao động Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự phát triển cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Nhân dân Việt Nam tự hào về những thành tựu đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân cũng băn khoăn lo lắng trước những sai lầm, thiếu sót của Đảng và mong muốn Đảng thực sự tăng cường xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng (theo Nghị quyết Trung ương 4). Đảng phải được nhân dân tin cậy thừa nhận là Đảng vững mạnh trong sạch và có năng lực lãnh đạo tương xứng với nhiệm vụ. Có như vậy thì địa vị duy nhất lãnh đạo của Đảng mới được củng cố./.