TCCSĐT - Ngày 15-11-2012, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị giao ban công tác thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Hội nghị này nhằm đánh giá sơ bộ 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; phân tích, làm rõ những hiệu quả và những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất những giải pháp, kiến nghị làm cơ sở để báo cáo Chính phủ bổ sung, điều chỉnh những quy định đối với quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng và phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới. 

Theo Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cơ bản của việc Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng xác định là:

Phát triển cấu trúc không gian toàn vùng theo mô hình đa cực tập trung, với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân kết hợp với các trục hành lang kinh tế đô thị sông Tiền, sông Hậu, quốc lộ 1A - đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế đô thị; phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù từng khu vực.

Phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa; hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phát triển nhanh và bền vững; phát triển các vùng du lịch, các du lịch trung tâm tầm quốc tế, quốc gia gắn với đặc trưng văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên của vùng ĐBSCL.

Hình thành hệ thống hạ tầng xã hội đa dạng và linh hoạt trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn kết với hệ thống dân cư, đô thị trên toàn vùng, kiểm soát môi trường chặt chẽ, có các đầu mối xử lý chất thải, nghĩa trang, nguồn nước sạch, năng lượng, kết hợp kiểm soát lũ tại vùng với các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng do thay đổi bất thường của thiên nhiên đối với các đô thị ven biển, ven sông…

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương thống nhất xác lập định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển hạ tầng xã hội và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL theo dự báo dân số toàn vùng đến năm 2020 khoảng 20-21 triệu người, đến năm 2050 khoảng 30-32 triệu người và diện tích tự nhiên hơn 40.600km2.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay công tác Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể là:

Đã triển khai, hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch ngành và lĩnh vực liên quan. Các tỉnh, thành đã triển khai công tác rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cho phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng đã được phê duyệt. Đến nay, tất cả 13 tỉnh, thành trong vùng đã và đang triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; thành phố Cần Thơ đang hoàn thiện đồ án điều chỉnh chung quy hoạch thành phố. Các dự án hạ tầng kỹ thuật khung cấp vùng đã được lập và phê duyệt. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đến nay đạt khoảng 30%, phù hợp với dự báo và định hướng của đồ án quy hoạch. Bộ mặt đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL thay đổi đáng kể.

Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu cùng thống nhất nhận định: Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc.

Đó là:

Cấu trúc phát triển không gian vùng chưa hình thành theo đúng định hướng trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, nhiều vùng, khu vực chưa được tập trung đầu tư đúng mức. 

ĐBSCL là vùng bị tác động lớn nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng quá trình xây dựng, phát triển thời gian qua chưa bảo đảm tính thích ứng với tình trạng này.

Mạng lưới đô thị bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị chung của vùng (đến nay toàn vùng có 158 đô thị) nhưng chất lượng từng đô thị chưa đáp ứng được thực tế và mục tiêu đồ án đặt ra.
Các dự án, công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến việc liên kết vùng chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra theo quy hoạch. Việc xây dựng các dự án hạn tầng kỹ thuật khung triển khai chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.

Một số nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc đã được xác định là do: Chưa phát huy được hết vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với các vùng kinh tế động lực của quốc gia và khu vực; thiếu chiến lược phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù trong đầu tư phát triển vùng ĐBSCL; nền kinh tế vùng phát triển còn chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững; khung kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các đầu mối hạ tầng quan trọng để kết nối với quốc tế, thiếu các trung tâm tiếp cận và khi vận của vùng; việc triển khai các quy hoạch chuyên ngành cấp độ Chính phủ, cấp tỉnh chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, mâu thuẫn về dự báo; chưa tạo được môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn; nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạn hẹp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao và lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển và khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng; việc liên kết vùng và kiểm soát không gian vùng còn yếu; thiếu đơn vị đầu mối cụ thể, có đủ điều kiện lập kế hoạch triển khai và phân công thực hiện đối với các tỉnh, thành trong vùng…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng ĐBSCL, Hội nghị đã thống nhất đề xuất:

- Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan sớm xem xét, rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tăng cường hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương cho công tác lập quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung. Cần có cơ chế hỗ trợ cho các tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp.

- Các bộ, ngành tăng cường giúp đỡ các địa phương tiếp cận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng, cấp tỉnh.

- Nghiên cứu, có cơ chế làm rõ chức năng, nhiệm vụ điều phối phát triển vùng của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tập trung chỉ đạo và giải quyết những vấn đề mang tính liên kết vùng từ lập công tác quy hoạch, lập kế hoạch và cơ chế chính sách triển khai các dự án cấp vùng.

- Tập trung nguồn lực lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh (giao thông, thủy lợi, cấp nước, cấp điện, ứng phó với biến đổi khí hậu). Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút đầu tư các công trình cấp vùng kết hợp với việc quản lý chuyên ngành và quản lý hành chính không giới hạn trong ranh giới các tỉnh, thành./.