TCCSĐT - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Và nhiệm vụ "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" được xác định là một trong ba khâu đột phá, trong đó, việc đầu tư mở rộng quốc lộ 1 là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò tiền đề và rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Do vậy, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước. Tuy nhiên, so với nhu cầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển. Trước tình hình đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và xác định: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong ba khâu đột phá.

Trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường bộ với các ưu thế của phương thức vận tải này vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đảm nhận khối lượng vận tải hàng hóa và hành khách lớn, trong đó tuyến trục dọc Bắc - Nam là quốc lộ 1 được xem là tuyến đường huyết mạch, xương sống trong hệ thống. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn trên quốc lộ 1 đã quá tải, mặt đường đã xuống cấp, ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, nhu cầu vận tải đường bộ Bắc - Nam ngày càng tăng cao, khả năng hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam cần nhiều thời gian và nguồn lực thì việc mở rộng ngay tuyến quốc lộ 1 trở nên rất cấp thiết. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết số 13) trong đó, xác định “… Về đường bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020…”.

Thực hiện Nghị quyết số 13 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án đầu tư mở rộng quốc lộ 1 với mục tiêu từ nay đến năm 2016 mở rộng toàn tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ, quy mô 4 làn xe cơ giới. Phương án đầu tư được xây dựng trên các nguyên tắc: (i) huy động tối đa nguồn lực tư nhân và nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế; (ii) quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải; (iii) đầu tư mở rộng quốc lộ 1 có xét đến tác động tương hỗ của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo phương án đầu tư được xây dựng, từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.887 km, đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh 554 km; đang mở rộng 73 km; chưa mở rộng khoảng 1.260 km. Phương án đầu tư cụ thể như sau:

- Đoạn Hà Nội - Ninh Bình, hiện nay đã hoàn thành mở rộng đoạn Hà Nội - Phủ Lý; đang triển khai đoạn Phủ Lý - Đoan Vỹ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012 và đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình, hoàn thành trong năm 2013.

- Đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh (Vũng Áng) đang triển khai mở rộng khoảng 60 km (đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hoá và đoạn Diễn Châu - Quán Hành), còn lại 210 km đã hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công nhưng chưa cân đối được nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức BOT đoạn Nam Bến Thuỷ - Hà Tĩnh với chiều dài 36 km và đã khởi công tháng 10-2012. Đối với các đoạn còn lại không thể chuyển đổi theo hình thức BOT, Bộ kiến nghị tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

- Đoạn Hà Tĩnh (Vũng Áng) - Cần Thơ dài khoảng 1.513 km, trong đó đã mở rộng và có tuyến tránh 463 km, còn lại 1.050 km chưa mở rộng. Trong các đoạn chưa mở rộng có khoảng 282 km chạy song hành với các tuyến đường bộ cao tốc đang triển khai hoặc đã thu xếp được nguồn vốn (các đoạn La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dầu Giây - Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây). Nếu đồng thời mở rộng quốc lộ 1 và đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ giảm tính hấp dẫn và khả thi về tài chính của cả các dự án đường bộ cao tốc và các dự án quốc lộ 1 do dư thừa năng lực thông hành. Vì vậy, chỉ thực hiện tăng cường nền mặt đường đối với các đoạn này. Còn 768 km cần phải mở rộng, hiện Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án đầu tư để xúc tiến kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư một dự án đoạn Ninh Thuận - Bình Thuận (52 km) và đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước 17 dự án (716 km). Trong số các dự án BOT, có hai dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư (Dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia và Dự án Hầm Đèo Cả).

Theo phương án xây dựng, tổng nhu cầu vốn để mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 từ Hà Nội - Cần Thơ là 92.652 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến có thể huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 34.509 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Để thực hiện thành công việc mở rộng quốc lộ 1, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện. Một số cơ chế và giải pháp chủ yếu như sau:

- Điều chỉnh mức thu phí đường bộ: Nghiên cứu điều chỉnh mức thu phí đường bộ phù hợp với giá cả và thu nhập đầu người hiện nay; đồng thời, có cơ chế điều chỉnh mức phí theo chỉ số trượt giá hằng năm nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính của các dự án, giảm vốn góp của Nhà nước, tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư.

- Có cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia: Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế đa dạng, linh hoạt và phù hợp để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đầu tư mở rộng quốc lộ 1, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm cao.

- Sử dụng nguồn vốn nhà nước tập trung, hiệu quả: Trong tổng nhu cầu vốn nhà nước, ngoài phần đã cân đối được, phần còn lại đề xuất phát hành trái phiếu cho riêng Dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1, tập trung đầu tư các đoạn cấp bách không thể đầu tư theo hình thức BOT và góp một phần vốn nhà nước trong các dự án BOT để đảm bảo các dự án khả thi về tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư.

- Tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành và địa phương: Việc thực hiện đầu tư mở rộng quốc lộ 1 là nhiệm vụ quan trọng với quy mô, khối lượng thực hiện rất lớn, đòi hỏi tiến độ thực hiện khẩn trương. Do vậy, để thực hiện thành công, Bộ Giao thông vận tải sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong các vấn đề trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, bố trí nguồn vốn và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, phát huy nguồn lực địa phương trong quá trình đầu tư.

Để thực hiện thành công chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 1, trục giao thông đường bộ huyết mạch trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành Giao thông vận tải mà còn cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc ban hành cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện; sự vào cuộc đồng bộ, chủ động, tích cực của các địa phương, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng là những điều kiện cần thiết để thực hiện thành công Nghị quyết số 13 nói riêng và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nói chung nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020./.