Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 5-11 đến ngày 11-11-2012)
18:28, ngày 15-11-2012
TCCSĐT - Chiều 8-11-2012, trong cuộc họp của Đại hội đồng Ô-lim-pic (Olympic) châu Á (OCA) vừa diễn ra tại Ma-cao (Trung Quốc), Hà Nội đã chính thức trở thành địa điểm đăng cai của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực châu Á.
1. Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào
Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), Lào |
Trong hai ngày 5 và 6-11-2012, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 đã diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), Lào. Ngay sau lễ đón chính thức, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ kết nạp ba thành viên mới của ASEM là Băng-la-đét, Thụy Sĩ và Na Uy. Tại phiên họp kín đầu tiên về “Các vấn đề kinh tế - tài chính”, các vị lãnh đạo đã thống nhất nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) ngày càng sâu sắc, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm sút. Trong bối cảnh đó, các vị lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, cân bằng và đồng đều, chú trọng hợp tác tài chính, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm, khôi phục lòng tin của thị trường, tăng cường minh bạch và cải cách hệ thống tài chính. Hội nghị bày tỏ ủng hộ các biện pháp của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Lốt Ca-bốt (Los Cabos), Mê-xi-cô về thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hội nghị nhất trí tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực cải cách quản trị kinh tế toàn cầu và các định chế tài chính quốc tế, nhất là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha (Doha).
2. Tổng thống B. Ô-ba-ma tái đắc cử nhiệm kỳ hai
Ngày 7-11-2012 theo giờ Mỹ, ông Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã chính thức tái đắc cử Tổng thống Mỹ, tiếp tục đứng đầu Nhà Trắng thêm bốn năm nữa. Ông B. Ô-ba-ma giành được 303 phiếu đại cử tri, giành chiến thắng áp đảo so với ông Mít Rôm-ni (Mitt Romney) trong khi theo thể lệ bầu cử thì mỗi ứng viên chỉ cần giành 270 phiếu là đủ để chiến thắng. Nếu tính tỷ lệ số phiếu phổ thông thì ông B. Ô-ba-ma cũng vẫn dẫn điểm. Với 98% số phiếu đã được kiểm trên toàn nước Mỹ, ông B. Ô-ba-ma giành được 49,85% ủng hộ so với 49,29% của đối thủ M. Rôm-ni. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống B. Ô-ba-ma có kế hoạch thực hiện chuyến thăm lịch sử nhằm khuyến khích tiến trình cải cách tại quốc gia Đông Nam Á Mi-an-ma, vốn được nhìn nhận là một dấu son trong nhiệm kỳ một của nhà lãnh đạo này. Tiếp đó, ông B. Ô-ba-ma sẽ tới thăm Thái Lan và Cam-pu-chia, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Theo các chuyên gia, chuyến thăm này cho thấy chủ ý của Tổng thống B. Ô-ba-ma đặt trọng tâm vào châu Á trong nhiệm kỳ hai.
3. Ấn Độ và ASEAN tăng cường hợp tác về năng lượng
Ngày 7-11-2012 tại thủ đô Niu Đê-li (New Delhi) đã diễn ra hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN - Ấn Độ về năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng mới và tái tạo Ấn Độ Pha-rúp Áp-đu-la (Farooq Abdullah) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong an ninh năng lượng của Ấn Độ. Bộ trưởng P. Áp-đu-la khẳng định Ấn Độ và các nước ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Hội nghị đã thăm dò những hướng đi mới và những cách thức mới nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời tìm giải pháp mới để khắc phục những thách thức hiện nay; Hội nghị nhất trí sẽ tăng cường đối thoại, chia sẻ công nghệ và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan cũng như giữa các tổ chức công nghiệp của các nước ASEAN và Ấn Độ. Hội nghị đã thảo luận về chính sách và khung quy chế nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại các nước ASEAN và Ấn Độ. Vấn đề tài chính, hợp tác nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo cũng được bàn thảo.
4. Hà Nội đã giành quyền đăng cai ASIAD 2019
Hà Nội sẽ đăng cai Asiad 2019 |
Chiều 8-11-2012, trong cuộc họp của Đại hội đồng Ô-lim-pic (Olympic) châu Á (OCA) vừa diễn ra tại Ma-cao (Trung Quốc), Hà Nội đã chính thức trở thành địa điểm đăng cai ASIAD 2019 - ngày hội thể thao lớn nhất khu vực châu Á. Theo đó, Hà Nội đã vượt qua đối thủ chính là thành phố lớn thứ hai của In-đô-nê-xi-a là Xu-ra-bay-a (Surabaya). Trong cuộc chạy đua này, Đu-bai của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã rút lui vào phút chót. Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 22, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009. Tới đây, Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 trước khi tổ chức ASIAD năm 2019. Chuẩn bị cho ASIAD 2019, Chính phủ Việt Nam sẽ phải đầu tư hoàn thiện Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; hoàn thiện và mở rộng Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từ 5ha lên 20ha; xây dựng làng vận động viên tại Thượng Thanh, quận Long Biên trên diện tích 39,5ha với sức chứa 11.000 vận động viên (làng vận động viên sẽ được bán sau khi đại hội kết thúc); xây mới khu liên hợp thể thao Xuân Trạch (Hà Nội) với năm nhà thi đấu: bóng chày (3.000 chỗ ngồi), khúc côn cầu (3.000 chỗ ngồi), quần vợt (3.000 - 5.000 chỗ ngồi), bóng bầu dục (2.000 chỗ ngồi),... Ngoài ra, 14 địa điểm tổ chức phụ của ASIAD 18 dự kiến gồm thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và Phú Thọ.
5. Diễn đàn Dân chủ Ba-li lần thứ năm
Trong hai ngày 8 và 9-11-2012, Diễn đàn Dân chủ Ba-li lần thứ năm (BDF-5) đã diễn ra tại hòn đảo du lịch Ba-li, In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ các nước trên thế giới. Với chủ đề “Thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trong bối cảnh toàn cầu”, BDF-5 được đồng chủ trì bởi Tổng thống nước chủ nhà Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-hô-y-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) cùng Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard) và Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak). Trong phát biểu khai mạc, Tổng thống In-đô-nê-xi-a X. Y-út-hô-y-ô-nô kêu gọi các tổ chức khu vực đóng một vai trò toàn cầu khi tham dự vào các vấn đề thế giới cùng quan tâm và thúc đẩy các giá trị của dân chủ. Theo ông, các tổ chức khu vực cần được trao vai trò lớn hơn trong tiến trình quyết sách toàn cầu. Tổng thống In-đô-nê-xi-a đánh giá các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ở một vị thế tốt hơn để hiểu và đánh giá những căn nguyên của các thách thức đa chiều. Với động lực cho phát triển chính trị khu vực dựa trên các nguyên tắc dân chủ, ASEAN sẽ có thể đóng góp vào việc tạo ra nhiều sự lãnh đạo dân chủ hơn trên thế giới.
6. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18
Từ ngày 8 đến ngày 14-11-2012, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 18 đã diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Người phát ngôn báo chí Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Danh Chiếu khẳng định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một kỳ đại hội đặc biệt quan trọng được triệu tập trong thời kỳ then chốt xây dựng toàn diện xã hội, đi sâu cải cách mở cửa, đẩy nhanh chuyển biến phương thức phát triển kinh tế. Chương trình nghị sự của Đại hội có bốn nội dung cơ bản là: Nghe và xem xét báo cáo do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 trình; Xem xét báo cáo công tác của Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI); Thảo luận và thông qua sửa đổi Điều lệ Đảng; Bầu Ủy ban trung ương và CCDI lần thứ 18. Tham dự Đại hội 18 có 2.268 đại biểu, đại diện cho hơn 82 triệu đảng viên, hơn bốn triệu tổ chức đảng cơ sở.
7. Hội đồng nghị viện NATO khai mạc khóa họp thứ 58
Sáng 9-11-2012, khóa họp thứ 58 Hội đồng nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại thủ đô Pra-ha (Prague) của Cộng hòa Séc. Tham dự khóa họp có hơn 700 đại biểu thuộc 28 nước thành viên cùng đại diện các nước đối tác và quan sát viên tổ chức này, trong đó có 4 nước ứng cử viên gồm Bốt-xni-a Héc-xê-gô-vi-na (Bosnia-Herzegovina), Mô-tê-nê-grô (Montenegro), Ma-xê-đô-ni-a (Macedonia) và Gru-di-a. Chương trình nghị sự trọng tâm tại khóa họp kéo dài đến ngày 12-11 là các phiên họp của năm ủy ban chuyên trách bàn về an ninh quốc tế và tương lai phát triển nội khối. Khóa họp thứ 58 Hội đồng nghị viện NATO được tiến hành tại Pra-ha sau 10 năm liên minh quân sự này họp thượng đỉnh tại đây và thông qua quyết định kết nạp bảy nước Đông-Trung Âu làm thành viên mới. Hội đồng họp định kỳ một năm hai lần nhằm góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên cũng như duy trì tiếp xúc giữa ban lãnh đạo NATO và lãnh đạo quốc hội các nước thành viên.
8. Giá các loại ngũ cốc chủ chốt trên toàn cầu trong năm 2012-2013 sẽ vẫn tăng cao
Ngày 11-11-2012, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo nguồn cung các loại ngũ cốc chủ chốt trên toàn cầu sẽ giảm mạnh trong niên vụ 2012-2013, dẫn tới giá lương thực vẫn duy trì ở mức cao. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng hạn hán tác động nặng nề đến những khu vực trồng trọt của các quốc gia sản xuất lương thực chủ chốt trên thế giới. Cũng theo FAO, chỉ số giá lương thực trên thế giới trong tháng 9 tăng 1,4%, hay tăng lên 216 điểm so với 213 điểm trong tháng 8. FAO chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tăng giá một phần do nhu cầu các sản phẩm sữa tăng, cộng với các khoản chi phí thức ăn tăng, từ đó tạo đà cho giá cả tăng trên thị trường thế giới. Giá ngũ cốc cũng tăng nhẹ 1%, do giá lúa mì và giá gạo tăng. Tuy nhiên, trong các dự báo mới nhất, FAO khẳng định sản lượng ngũ cốc trên toàn cầu năm 2012 sẽ giảm so với năm 2011. FAO dự kiến sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2012 đạt 2.286 triệu tấn, giảm đôi chút so với 2.295 triệu tấn năm 2011. Mức giảm 2,6% này sẽ dẫn đến giảm đáng kể việc dự trữ ngũ cốc trên thế giới khi kết thúc các vụ thu hoạch trong năm 2013. Mặc dù sản xuất ngũ cốc trên toàn cầu giảm, nhưng FAO ước tính sản lượng ngũ cốc sẽ tăng đáng kể tại các nước thiếu lương thực - thu nhập thấp (LIFDCs). FAO dự kiến toàn bộ sản lượng ngũ cốc của LIFDCs sẽ đạt mức kỷ lục 534 triệu tấn, tăng 1,7% so với vụ thu hoạch năm 2011. Giá lương thực cao hiện nay sẽ tăng thêm áp lực ngân sách cho các nước nhập khẩu lương thực.
9. Ecowas họp khẩn cấp về can thiệp quân sự vào Ma-li
Ngày 11-11-2012, tại thủ đô A-bu-gia (Abuja) của Ni-gê-ri-a (Nigeria), các nhà lãnh đạo 15 nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (Ecowas) đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về kế hoạch quân sự nhằm giúp Chính phủ Ma-li giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc từ tay lực lượng Hồi giáo cực đoan. Dự kiến, chiến lược này sau đó sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét trước khi triển khai. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Ni-gê-ri-a Gút-lắc Giô-na-than (Goodluck Jonathan) nhấn mạnh cần nhanh chóng triển khai một lực lượng phối hợp để tiễu trừ lực lượng nổi dậy Hồi giáo khỏi miền Bắc Ma-li cũng như để tránh một “hậu quả gây tổn thất lớn” không chỉ đối với Ma-li, mà còn đối với các nước ở châu lục Đen nói chung. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ecowas cũng nhấn mạnh đối thoại vẫn là giải pháp tối ưu để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia từng là một trong những nền dân chủ ổn định nhất Tây Phi này. Hiện khu vực miền Bắc Ma-li đang đặt dưới sự kiểm soát của các nhóm An-xa Đin và Phong trào vì thống nhất và Hồi giáo Gi-hát (Jihad) Tây Phi (MUJAO), được sự hậu thuẫn của nhóm khủng bố An Kê-đa tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM). Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), khoảng hơn 200.000 người dân Ma-li phải rời bỏ nhà cửa do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại miền Bắc nước này./.
Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ sang hợp tác, đầu tư  (15/11/2012)
Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2012  (15/11/2012)
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga  (14/11/2012)
Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  (14/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên