TCCSĐT - Kể từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ (ngày 28-11-1990) đến nay đã tròn 22 năm. Trải qua một chặng đường dài gần một phần tư thế kỷ, Việt Nam - EU đã kề vai sát cánh, vượt qua mọi thử thách, từng bước xây dựng quan hệ hợp tác từ thấp lên cao.
Việt Nam - EU: từ thiết lập quan hệ ngoại giao đến ký kết Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA)

Đầu tiên, hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác (Hiệp định khung) vào tháng 7-1995. Dấu mốc lịch sử đó đã đánh dấu quá trình bình thường hóa và nỗ lực thúc đẩy quá trình tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU và các đối tác quan trọng khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN…  EU luôn ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế: EU là đối tác quan trọng đầu tiên kết thúc đàm phán với Việt Nam về việc gia nhập WTO, EU cũng đã tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Sự ủng hộ của EU đã nâng cao vai trò, hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Do nhu cầu hợp tác và phát triển không ngừng cả về lượng và chất giữa hai bên, do tác động mạnh mẽ của bối cảnh quốc tế với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc, từ tháng 10-2007, EU đã chính thức đề nghị Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) nhằm thay thế cho bản Hiệp định Hợp tác (Hiệp định khung) mà hai bên đã ký kết và thực hiện từ 7-1995. “Mục tiêu của EU ký PCA là nhằm mở rộng vai trò của EU tại Việt Nam và tại khu vực ASEAN, tranh thủ sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm khai thác các lợi thế của mình trong quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam. Còn về phía Việt Nam, mục tiêu ký PCA là nhằm mở rộng và nâng cao quan hệ Việt Nam - EU thành quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài, trong đó ưu tiên cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khai thác hiệu quả lợi ích trong hợp tác, tận dụng tốt sự hỗ trợ của EU để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[1]. Nhưng quan trọng hơn là hai bên sẽ phải thay đổi tính chất và cơ chế của mối quan hệ hợp tác từ chỗ phía EU nghiêng về giúp đỡ, ủng hộ, tài trợ cho Việt Nam (Hiệp định khung), sang quan hệ hợp tác đối tác, ngang bằng, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên (Hiệp định PCA).

Trải qua 9 vòng đàm phán kéo dài tới hơn hai năm (từ tháng 6-2008 đến tháng 10-2010), hai bên đã thỏa thuận được toàn bộ nội dung Hiệp định. Ngày 4-10-2010 trưởng đoàn đàm phán hai bên đã ký tắt PCA với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Dô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso), và đến ngày 27-6-2012 tại Vương Quốc Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Ca-thơ-rin A-xtơn (Catherine Asthon) đã ký chính thức Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Bản Hiệp định có 8 chương, 65 điều và một bản phụ lục kèm theo gồm rất nhiều những nội dung hợp tác: hợp tác phát triển, hòa bình an ninh, thương mại đầu tư, pháp luật, trong phát triển kinh tế - xã hội như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, ngăn ngừa giảm thiểu thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công nghệ - thông tin, năng lượng, du lịch, văn hóa, quy hoạch đô thị... Sau khi được Quốc hội và lãnh đạo hai bên thông qua và tiến hành phê chuẩn, bản Hiệp định sẽ có hiệu lực và đi vào hoạt động trong thực tiễn. Vì vậy, PCA phải được phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện tại các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trên cả nước.

Những thuận lợi, khó khăn trong triển vọng thực hiện PCA

Những thuận lợi

- Thuận lợi lớn nhất là hiện nay cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện PCA trong bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi, chưa bao giờ thế giới lại có sự quyết tâm cao về đẩy mạnh hợp tác phát triển trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc như hiện nay.

- Thuận lợi thứ hai là khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang là khu vực năng động, đang tiến hành các hoạt động sôi nổi về hợp tác chính trị và phát triển kinh tế với rất nhiều các hiệp định, hiệp ước liên kết song phương, đa phương trong khu vực đã và đang được ký kết và đi vào hoạt động có hiệu quả như ASEM, APEC, ASEAN 1+3, các FTA, TPP…

- Thuận lợi thứ ba là châu Âu đã xây dựng và đang triển khai hiệu quả chiến lược “châu Á mới”, EU đã tham gia sâu sắc vào các hoạt động của ASEAN, đang tiến hành đàm phán FTA với từng quốc gia thành viên của ASEAN như Sing-ga-po, Ma-lay-xi-a, Việt Nam.

- EU là bạn hàng xuất khẩu nhập và là nhà đầu tư trực tiếp lớn vào hàng nhất, nhì của ASEAN. EU cũng là nhà viện trợ phát triển ODA, đặc biệt là viện trợ không hoàn lại đứng vào hàng đầu cho các nước ASEAN và Việt Nam.

 Hai bên Việt Nam - EU đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác tin cậy, thủy chung, lâu dài, bền vững. Lãnh đạo hai bên có quyết tâm cao, thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, đã ký kết các hiệp ước hợp tác có hiệu quả, đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác thiết thực. Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên được dựa trên cơ sở pháp lý vững vàng. Tất cả nhứng điều đó đã tạo ra một nền móng vững chắc cho việc thực hiện Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sau này. Cụ thể, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với từng quốc gia thành viên của EU 27 từ thập kỷ 50, 60 (với các nước Đông Âu), với các nước Tây Bắc Âu từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Sau khi Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao (11-1990) đến năm 1992, hai bên đã ký kết hiệp định dệt may, tháng 7-1995 ký hiệp định khung về hợp tác, năm 1999 ký thỏa thuận chống gian lận thương mại giày dép, năm 2004 ký thỏa thuận Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2005 ký hiệp định tiếp cận thị trường. Và đặc biệt tháng 6-2012 ký PCA[2]. Kim ngạch hai chiều nâng từ mức 1,5 tỷ USD (1995) lên 24,3 tỷ USD (2011) tăng hơn 16 lần, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Cơ cấu hàng hóa giữa hai bên luôn bổ sung cho nhau, không làm tổn hại đến sự cạnh tranh của nhau. Tính đến hết năm 2011, EU đã đầu tư vào Việt Nam 1.687 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 32,85 tỷ USD, trong đó tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ… Cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) của EU giành cho Việt Nam năm 2012 là 1 tỷ USD và EU luôn là nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn coi EU là đối tác hợp tác toàn diện, đáng tin cậy, cùng có lợi. Vì vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 đã ký Đề án tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015. EU là đối tác đầu tiên trong các khu vực trên thế giới được phía Việt Nam ưu tiên thông qua đề án tổng thể hợp tác này, điều đó cho thấy phía Việt Nam đánh giá rất cao vị trí, vai trò của EU trong hợp tác của mình.

Đặc biệt trong 9 vòng đàm phán PCA, phía EU và Việt Nam đã thảo luận, đàm phán rất nhiều nội dung hợp tác từ chính trị, an ninh, đối ngoại, kinh tế, phát triển đến văn hóa, xã hội, thể thao, du lịch, môi trường,… Đặc biệt PCA đã tạo tiền đề quan trọng để hai bên bước vào đàm phán hiệp định FTA và sẽ tạo nên một cơ sở nền tảng vững vàng, thiết thực, toàn diện cho sự phát triển hợp tác giữa hai bên trong tương lai.

Tóm lại, thuận lợi triển khai PCA là cơ bản, bởi hợp tác phát triển sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Việc triển khai PCA sẽ thuận lợi bởi mối quan hệ hai bên có truyền thống lịch sử, được thử thách qua thời gian gần một phần tư thế kỷ, được dựa trên nền tảng cơ sở pháp lý vững vàng, được lãnh đạo hai bên quyết tâm đề cao, nhân dân hai bên đồng tình ủng hộ, những nội dung hợp tác thiết thực đã đem lại lợi ích cho cả hai phía, và được diễn ra trong một bối cảnh quốc tế, khu vực rất thuận lợi.

Những khó khăn, thách thức

- Khó khăn lớn nhất trong việc thực thi PCA là trình độ phát triển của hai bên rất khác nhau (GDP của EU 27 năm 2011 vào khoảng 17,57 nghìn tỷ USD; GDP Việt Nam khoảng 135 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người của EU là 32.900 USD, ở Việt Nam khoảng 1.200 - 1.500 USD. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vào EU là khoảng 9,4 tỷ Euro chiếm 0,6% nhập khẩu của EU với thế giới, còn EU xuất khẩu vào Việt Nam là 4,7 tỷ Euro chiếm 0,3% xuất khẩu của EU ra thế giới).

- Khó khăn thứ hai là EU là tổ chức liên kết vừa duy trì thể chế kinh tế - chính trị của nhà nước siêu quốc gia, vừa duy trì vai trò độc lập của 27 quốc gia thành viên. Hiện nay, mô hình liên kết này đang vấp phải những khó khăn, vì vậy các cơ chế hợp tác giữa hai bên sẽ có những tác động làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện PCA giữa hai bên.

- Khó khăn thứ ba là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu từ năm 2009 đến nay đã tác động rất mạnh mẽ đến sự tồn tại, phát triển của đồng tiền chung châu Âu (Euro) và Khu vực Eurozone 17, thậm chí tác động đến mô hình phát triển, đến thể chế kinh tế, chính trị của EU, cụ thể là đang xảy ra những mâu thuẫn giữa vai trò của các thể chế chính trị siêu quốc gia với từng nước thành viên, mâu thuẫn khu vực Eurozone 17 với EU 27, giữa một số nước chống lại cứu trợ eurozone (một số nước theo chủ nghĩa biệt lập như Anh, Hung-ga-ri, Cộng hòa Séc …) với các nước Eurozone. Những bất cập sau 60 năm phát triển của EU như sự bất cập của nguyên tắc đóng - hưởng trong hệ thống an sinh xã hội “hào phóng”, đóng ít, hưởng nhiều, sự bất cập và mâu thuẫn trong chính sách già hóa dân số; sự bất cập giữa chính sách thắt lưng buộc bụng với chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sự mâu thuẫn giữa các nước không tham gia Eurozone, các nước phát triển, các nước Bắc Âu với các nước nợ công ở Nam Âu… Đây là những thách thức lớn nhất từ khi EU ra đời đến nay, những thách thức này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực thi PCA giữa Việt Nam và EU trong tương lai.

Về mặt kinh tế, sẽ có nguy cơ EU chú ý tập trung vào giải quyết các khó khăn trong nội khối, giảm hợp tác đầu tư thương mại với nước ngoài. Đồng thời, EU sẽ đưa ra những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế nhằm bảo hộ mậu dịch và điều đó sẽ gây khó khăn cho quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - EU, cho việc triển khai PCA.

- Khó khăn thứ tư là do hai bên EU và Việt Nam còn có những nhận thức không giống nhau về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng bất lợi cho việc thực thi PCA trong tương lai.

- Khó khăn thứ năm là từ phía Việt Nam, năm 2012 cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều đạt ở mức thấp, các vấn đề như: nợ xấu ngân hàng, sự khủng hoảng nghiêm trọng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, các khuyết tật của các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashine, Vinalines, điện lực, than khoáng sản, dầu khí,… đã bộc lộ ra ngày càng rõ nét, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giải tán, tất cả những điều đó đã và sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến việc thực hiện, triển khai PCA ở Việt Nam và EU trong tương lai.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên thế giới hiện nay, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) là một minh chứng cho sự sáng suốt, nhìn xa trông rộng của lãnh đạo và nhân dân hai bên. Với 8 chương, 65 điều và một bản phụ lục kèm theo, PCA đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản, xác định khuôn khổ hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, ngoại giao, tư pháp đến thương mại - đầu tư, văn hóa, xã hội, các vấn đề về phát triển bền vững… Thay thế cho Hiệp định Hợp tác song phương đã được ký kết cách đây 17 năm (7-1995), PCA kỳ vọng sẽ đưa quan hệ Việt Nam - EU với 27 nước thành viên bước vào một giai đoạn hợp tác mới với phạm vi sâu rộng hơn, trên tất cả các vấn đề quan trọng, trong đó trọng tâm là thương mại - đầu tư, với nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đối tác, cùng có lợi.

Thực hiện PCA sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn thị trường châu Âu thông qua việc mở rộng tham vấn về hiệu quả sử dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), mở đường cho đàm phán về mậu dịch tự do (FTA) giữa hai bên và EU sẽ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Còn EU cũng thông qua PCA để can dự sâu hơn vào Việt Nam, ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, phát huy vai trò cầu nối củaViệt Nam với khu vực.

Với khuôn khổ hợp tác mới mà PCA tạo ra, Việt Nam và EU sẽ khai thác triệt để vai trò tích cực của mỗi bên, nhằm tăng cường can dự trên cơ sở những nguyên tắc của luật quốc tế. Xuất phát từ lợi ích chung, Việt Nam và EU sẽ tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, khu vực và trên thế giới như vấn đề an ninh - an toàn hàng hải, Việt Nam và EU sẽ cùng phát huy vai trò tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại, giải quyết tranh chấp và đối phó với những thách thức như tại các diễn đàn an ninh khu vực (ARF)… Sự đan xen về lợi ích không chỉ giúp EU và Việt Nam xích lại gần nhau hơn, mà còn giúp EU mở rộng ảnh hưởng trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều những thách thức phi truyền thống…

Có thể khẳng định rằng PCA đã phản ánh rõ nét và toàn diện những lợi ích của Việt Nam và EU trong mối quan hệ song phương và hợp tác trên các diễn đàn đa phương vì hòa bình, an ninh toàn cầu. Để thực hiện hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU, cả hai phía đều phải triển khai xây dựng các chương trình hành động tại các bộ, ngành, địa phương trên mọi lĩnh vực đã ký kết. Để việc triển khai có hiệu quả, nhất thiết các bên phải nhận thức sâu sắc những thuận lợi và khó khăn mà hai phía sẽ gặp phải, từ đó sẽ có những giải pháp khả thi để phát huy những thuận lợi, vượt qua những thách thức khó khăn, nhằm thực hiện hiệu quả PCA trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu cung cấp cho báo chí về PCA Việt Nam - EU của Bộ Ngoại giao, Hà Nội 2012

2. Đề án tổng thể của chính phủ về quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu đến năm 2010 và định hướng 2015

3. Bùi Thanh Sơn, “Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam và EU (PCA)

4. Đinh Công Tuấn (2010), “Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU): đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài vì hòa bình và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 12(123).

5. Đinh Công Tuấn (2012), “Từ hiện trạng phát triển của mô hình hợp tác EU hiện nay, gợi mở một số vấn đề cho mô hình hợp tác ASEAN” - tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Việt Nam học” lần thứ IV, Tiểu ban 14 tháng 11-2012, tại Hà Nội.

6. Lê Phương “Việt Nam và EU” www.tgvn.com.vn


[1] Bùi Thanh Sơn, “Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam và EU (PCA)…. www. mofahcm.gov.vn

[2] Lê Phương “Việt Nam và EU” www.tgvn.com.vn