Tiếp cận Chiến lược kinh tế biển của Việt Nam

PGS. TS. Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
09:51, ngày 25-10-2012
TCCSĐT - Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới để tạo ra những đột phá trong tư duy chiến lược và hành động thực hiện khai thác, phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển phải chuyển nhanh sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển - lợi thế địa chiến lược) cộng với tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.

1 - Tiếp cận chiến lược kinh tế biển

Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng:

Một là, tiềm năng tự nhiên (lợi thế tĩnh) to lớn (bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các đại dương, có các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có: thủy sản, dầu khí và nhiều loại khoáng sản khác, nhiều bãi biển đẹp…).

Hai là, vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt. Biển Đông nằm trên các tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy vậy, lâu nay, khi bàn đến lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam, sự chú tâm thường được dành cho loại lợi thế thứ nhất, mặc dù loại lợi thế thứ hai đang ngày càng quan trọng bởi sự gia tăng nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa.

Trên thực tế, cách tư duy về lợi thế như vậy được phản ánh trong việc đầu tư cho nghiên cứu, cho việc phát triển năng lực và các lĩnh vực kinh tế biển cụ thể, tập trung cho các ngành khai thác tài nguyên biển: thủy sản, dầu khí, làm muối dưới dạng “thô”; khai thác hàng hải, du lịch và cảng biển chưa phát triển, ở trình độ nhìn chung còn thấp.

Sự thiên lệch đó là kết quả tự nhiên, tất yếu của sự tiếp nối tư duy phát triển truyền thống, coi khai thác tài nguyên thô, dựa vào trình độ kỹ thuật, công nghệ thấp và những năng lực hạn chế là cách thức chủ đạo của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Với đặc trưng như vậy, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay có hai thiếu sót lớn:

Một là, xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Đó là việc mang cách thức phát triển nông nghiệp cổ truyền, làm ruộng trên cạn ra khai thác biển, chinh phục đại dương - một đối tượng khác căn bản về tính chất, các điều kiện khai thác và mức độ rủi ro (phương thức, công cụ, gắn với những đòi hỏi về tri thức và công nghệ).

Hai là, thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ được tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ và với những công cụ và phương thức hiện đại chưa từng thấy.

Với những thiếu sót cơ bản đó của cách tiếp cận biển truyền thống, trong điều kiện của thế giới hiện đại, thật khó kỳ vọng đạt được những kết quả mang tính đột phá trong nỗ lực chinh phục biển thông qua việc triển khai chiến lược biển đầu tiên của Việt Nam, đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) năm 2007 (1).

Để phát triển kinh tế biển, một không gian phát triển mới, một động lực phát triển ở tầm chiến lược mạnh bậc nhất, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế “đất liền”  truyền thống (2).

Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược - như Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển xác định, trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời, là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy và tăng tốc của Việt Nam.

Với Chiến lược phát triển kinh tế biển đã được xây dựng, cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bối cảnh thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại toàn cầu hóa (tự do hóa) và công nghệ cao, khi phát triển kinh tế biển được mọi quốc gia coi là một trọng tâm chiến lược hàng đầu, chúng ta cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, trong đó, việc “nạp” kinh tế biển ở một tầm nhìn mới vào mô hình tăng trưởng mới là một nội dung quan trọng.

2 -  Hiện trạng kinh tế biển: nhận diện thực lực

Hiện nay, về nguyên tắc Việt Nam đã mở cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhưng, đánh giá một cách thực chất, trong một thời gian dài, chúng ta mới chỉ chú trọng mở hàng loạt cửa khẩu và phát triển khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền mà ít mở ra biển qua các cảng biển.

Gần đây, mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, đã xây dựng gần một trăm cảng biển. Song động lực “vươn ra biển lớn” của phong trào rầm rộ này, rầm rộ đến mức đã trở thành “hội chứng”, thật sự không rõ ràng, bị chi phối bởi tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa. Đó là bởi nền kinh tế vẫn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đất liền theo cách cũ, với công nghệ, kỹ thuật lạc hậu. Đến nay, mô hình đó đã “tận khai” năng lực “đất liền” của quốc gia.

Với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam hiện có khoảng 90 cảng biển lớn nhỏ, nghĩa là cứ khoảng 40 - 50 km, lại có một cảng biển. Mặc dù số tiền đầu tư phát triển cảng biển không nhỏ nhưng do manh mún, dàn trải và thiếu liên kết nên số cảng biển lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu bùng nổ ngoại thương và cạnh tranh quốc tế còn rất ít. Cho đến nay, hầu như Việt Nam chưa có cảng biển hiện đại nào, chưa có cảng trung chuyển quốc tế, cũng không có đô thị cảng đúng nghĩa nào. Hiện nay, tư duy biển, chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện, sự chinh phục, hợp tác quốc tế giải quyết tranh chấp…; các định hướng phát triển biển theo nguyên lý hiện đại, phát triển ngành đóng tàu và hàng hải viễn dương, du lịch biển, thăm dò, khai thác biển… đã bắt đầu định hình và được thực thi. Đó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển với các nội dung cụ thể, khả thi, hay đúng hơn, các chiến lược kinh tế biển cụ thể (3). Chỉ với các chiến lược cụ thể đó, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: Việt Nam sẽ vươn ra biển lớn như thế nào?

Nhưng đó chỉ mới là một mặt của vấn đề. Về khía cạnh thực lực, hai yếu tố nền tảng cơ bản của công cuộc chinh phục biển của Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp và tiềm lực khoa học công nghệ, vẫn còn rất yếu kém. Nếu đo đếm sức mạnh kinh tế biển ở những khía cạnh cụ thể khác, có thể đánh giá thực lực cơ bản, hãy còn non yếu, manh mún, tự phát và trình độ thấp của hệ thống cảng biển, của ngành logistics, hệ thống đường giao thông dọc biển và đường kết nối cảng, ngành du lịch biển, các khu kinh tế biển, năng lực đánh bắt và chế biến hải sản, nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển…

Có thể đưa ra một nhận xét tổng quát về sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam với tư cách là một kết cấu mang tính hệ thống rằng, mặc dù tiềm năng tự nhiên, điều kiện cần cho sự phát triển các ngành kinh tế biển là tốt, song, các điều kiện đủ để hiện thực hóa và thúc đẩy sự phát triển đó, bao gồm những yếu tố xác lập quỹ đạo phát triển hiện đại và cung cấp động lực phát triển kinh tế biển (như hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, logistics, các khu công nghiệp và khu kinh tế gắn với kinh tế biển, các ngành khoa học và các hoạt động nghiên cứu liên quan…) lại rất thiếu và yếu.

Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng kéo dài giữa các điều kiện cần và điều kiện đủ như vậy giải thích tại sao hầu như tất cả những nơi “rừng vàng, biển bạc” của nước ta cho đến nay đều vẫn còn nghèo, hầu như cơ bản vẫn chưa thoát khỏi vạch xuất phát đói nghèo (poverty line) và chịu nhiều rủi ro trong quá trình phát triển. Thực trạng đó minh chứng cho việc theo đuổi quá lâu một chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, theo kiểu “ăn sẵn”, “ăn xổi”, tận thu các cơ hội ngắn hạn mà ít chú trọng việc tạo lập các điều kiện thúc đẩy, cải cách, hiện đại hóa các hoạt động kinh tế biển, phát triển và phát huy các lợi thế “động” của các ngành kinh tế biển để đạt giá trị gia tăng cao.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, được dẫn dắt bởi công nghệ cao và bị chi phối bởi hai thuộc tính, tự do hóa với tốc độ cao, cộng thêm vào đó là xu hướng tranh chấp và xung đột trên biển (Biển Đông) có chiều hướng gia tăng. Những yếu tố trên hàm nghĩa những thách thức to lớn cũng như những cơ hội tiềm tàng mà Việt Nam phải đối mặt trong nỗ lực phát triển kinh tế biển với những mục tiêu chiến lược to lớn.

3 - Định hình chiến lược kinh tế biển

Mặc dù đến nay, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng trong việc thiết kế và thực thi chiến lược kinh tế biển, song, vẫn chưa định hình một tư duy phát triển mới, tổng thể về kinh tế biển.

Kinh nghiệm phát triển trên đất liền và theo tư duy “đất liền” nhiều năm của Việt Nam, cộng với thực tiễn phát triển kinh tế biển của nhiều nước đi trước cho thấy việc định hình chiến lược kinh tế biển cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện:

Một là khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển);

Hai là, khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển);

Ba là, phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa học - công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền,...).

Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào. Thiếu bất kỳ một khâu nào, các ngành kinh tế biển cũng đều sẽ bị mất cân đối, khó vươn lên thành ngành hiện đại, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Nhận diện thực trạng phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo cấu trúc tổng quát nói trên để khỏi sa lầy vào việc kiểm đếm các năng lực và thành tích cụ thể hiện có. Có thể thấy rằng, ở cả ba vùng không gian, ba loại hình phát triển, trình độ phát triển kinh tế biển của Việt Nam nhìn chung còn thấp, thấp đến mức nhiều chuyên gia nói Việt Nam cho đến nay cơ bản vẫn chỉ là một quốc gia ven biển hơn là một quốc gia biển, chưa nói đến “một cường quốc biển” như mong ước.

Thực trạng đó phản ánh rõ nét trong mức độ hiện diện trên biển, không chỉ ở vùng biển chủ quyền mà quan trọng không kém, thậm chí, với tầm quan trọng ngày càng tăng lên là sức mạnh của ngành hàng hải viễn dương, của năng lực và trình độ khai thác tài nguyên biển, cơ bản đang dừng lại ở trình độ thấp (khai thác bề mặt, công nghệ thấp và xuất khẩu tài nguyên thô), của việc phát triển du lịch biển, các khu kinh tế và đô thị biển. Chúng ta đã và đang hình thành bốn vùng kinh tế trọng điểm và hàng chục khu kinh tế dọc theo chiều dài đất nước. Tất cả đều hướng ra biển và có tiềm năng to lớn từ kinh tế biển. Chính vì vậy, cần có các chiến lược cụ thể và mang tính khả thi cao để phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển, kết nối, liên kết các vùng kinh tế đặc biệt này trong chiến lược phát triển chung của quốc gia.

Như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện nay được xem là đang hình thành rõ nét nhất và cũng chứng minh được tiềm năng to lớn khi có tính ảnh hưởng và liên kết mang tính liên vùng với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, nhất là sự bùng nổ về phát triển của một vùng rộng lớn ở Tây Nam Trung Quốc trong tương lai gần. Trong khi đó, cửa ngõ chính hướng ra biển của khu vực bùng nổ này chính là Hải Phòng và cụm cảng của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tiềm ẩn.

Rõ ràng, đây là những điều chúng ta phải có sự dự báo từ sớm để có kế hoạch chuẩn bị và đón đầu. Tuy vậy, thực tế đang diễn ra trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của chúng ta lại chưa cho thấy được điều này; các yếu tố về lợi thế, cơ cấu, thể chế điều phối và liên kết vẫn chưa rõ. Đây chính là các nút thắt trong số nhiều nút thắt làm trở ngại sự phát triển mà chúng ta vẫn nói nhiều đến lâu nay nhưng vẫn chưa được cải thiện đáng kể./.


(1) Kinh tế biển Việt Nam những năm đổi mới vừa qua đã tăng trưởng đáng kể về quy mô và thay đổi rõ rệt về ngành nghề, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.

(2) Xin lưu ý rằng tại thời điểm hiện nay, ngay cả hiện thân cụ thể, sống động của cách tư duy phát triển đất liền - mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động tiền lương thấp và năng suất thấp được áp dụng trong khoảng ¼ thế kỷ qua ở Việt Nam - cũng đang đối mặt với yêu cầu phải được cấp bách thay đổi bằng một mô hình tăng trưởng mới.

(3) Chiến lược kinh tế biển được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) là một chiến lược định hướng tổng thể. Nó xác định các mục tiêu lớn, phương hướng hành động chung nhưng chưa vạch ra được các chiến lược hành động cụ thể, khả thi để phát triển kinh tế biển.