TCCSĐT - Theo Thông cáo báo chí “Về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2012”, được đưa ra tại cuộc họp báo chiều ngày 5-9-2012, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu.

Những kết quả khả quan của nền kinh tế

Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm (-) trong 2 tháng gần đây đã có mức tăng 0,63% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng đầu năm. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,86% so với tháng 12-2011 và tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2011.

Về tiền tệ, tín dụng, tính đến ngày 20-8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so với tháng 12-2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,4% so với thời điểm cuối năm 2011. Tuy dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động hơn và linh hoạt hơn, các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh, với tổng mức giảm từ 4%-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng để sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9%-10%. Hiện nay, lãi suất cho vay trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 10%-13%/năm; cho vay sản xuất, kinh doanh khác 12%-15%/năm.

Trong tháng 8-2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 7; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 3,5%. Như vậy, trong tháng 8-2012, con số nhập siêu là 150 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 8 tháng đầu năm khoảng 62 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ đã dần phát huy tác dụng, sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng, bảo đảm cung ứng đủ điện và một số nguyên liệu, sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so với tháng 7 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chỉ số IIP 8 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm ước tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2011. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 6,5% so với tháng trước.

Công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được đảm bảo. Trong 8 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, đạt 64% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 54 nghìn người, đạt 59% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với tháng 7; nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp; khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng. Chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng đầu năm chỉ đạt 64,6% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011.

Một vụ việc nổi cộm trong thời gian qua là làm rõ những sai phạm tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Chủ trì phiên họp báo chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao việc thanh tra Vinalines, tiến hành điều tra, khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với Dương Chí Dũng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo làm rõ, liệu có hay không hành vi bao che, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trong suốt quá trình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước là, tất cả mọi người đều công bằng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào, không có “vùng cấm” nào.

Cần quyết liệt và đồng bộ thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: 

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức mua và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại. 

Điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng; chú trọng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu. 

Ngân hàng cần áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của đồng Việt Nam.

Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán./.