TCCSĐT - Ngày 4-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Ninh Bình, Bình Thuận,  đã tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

* Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy báo cáo kết quả quán triệt, triển khai Nghị quyết và công tác chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Đảng bộ thành phố theo 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Theo đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai và có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong việc thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, hết sức thẳng thắn đóng góp ý kiến đối với tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4.

Nghiêm túc tiếp thu, học tập cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu, của cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể đối với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Thường vụ và từng cá nhân đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ. Đến nay, đã có 107 cơ quan, đơn vị với hơn 830 lượt ý kiến góp ý về ưu điểm, khuyết điểm, những vấn đề nổi cộm Thành ủy cần tăng cường chỉ đạo, là cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Đánh giá cao thời gian qua, Đảng bộ Hà Nội đã chuẩn bị và triển khai Nghị quyết nghiêm túc, có nhiều cách làm sáng tạo, đồng thời có những ý kiến đóng góp chất lượng đối với các cơ quan của Trung ương trong quá trình kiểm điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ Hà Nội cần thấm nhuần sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng này, coi đây là việc làm hệ trọng, thiêng liêng. Nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội - một đảng bộ đông đảng viên, đội ngũ cán bộ có trình độ cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích và làm rõ bối cảnh thực tế hiện nay có không ít hiện tượng cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực làm việc do bị tác động của vật chất, đồng tiền chi phối… dẫn đến sa sút về năng lực công tác và sức chiến đấu. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là rất khó vì động chạm đến từng tổ chức, đảng viên, nhất là phải nhìn thấy khuyết điểm của mình, trong khi “chúng ta lại thường khen hào phóng, chê dè sẻn”. Nhấn mạnh tới 3 vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc kiểm điểm những vấn đề có liên quan tới thực trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống cần thể hiện rõ sự thẳng thắn, quyết liệt bởi đây là nội dung liên quan tới vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự tự giác và cầu thị, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc với bản thân, tổ chức mình sinh hoạt. Với tinh thần “Ai chê ta người đó là thày ta”, Tổng Bí thư chỉ rõ tầm quan trọng của việc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý từ nhiều chiều để quá trình kiểm điểm của tập thể, của cá nhân thể hiện đầy đủ, nghiêm túc, kết quả thực chất. Đề phòng tư tưởng làm qua loa, chiếu lệ, đồng chí Tổng Bí thư lưu ý phải khắc phục tư tưởng khó mà không làm. Cần phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng.

Trong điều kiện dư luận nhân dân đang hết sức ủng hộ, đồng tình, với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật để đấu tranh, tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư tin tưởng Hà Nội sẽ đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, triển khai thật tốt, thật mẫu mực. Đối với phương hướng sửa chữa khuyết điểm trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ Hà Nội thực hiện tốt tiêu chí: Không đóng cửa kiểm điểm rồi để đấy mà nói là làm, là hành động, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm.

Theo kế hoạch, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 4 đến 5-9, tiếp đến là kiểm điểm cá nhân từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

* Tại Ninh Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương đã về dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Ngọc Lâm ghi nhận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện các bước theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiến hành học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết bảo đảm nghiêm túc, có chất lượng, qua đó củng cố hơn nữa niềm tin của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong xã hội đối với quyết tâm chính trị của Ðảng. Đồng chí nhấn mạnh việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình phải thực hiện đúng phương châm cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau. Các đồng chí chủ trì làm trước, các đồng chí cấp dưới làm sau. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống phải được thực hiện trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, phát huy dân chủ, cần chú trọng phân tích, đánh giá khách quan, khoa học những ưu, khuyết điểm xoay quanh 3 nội dung theo hướng dẫn của Trung ương. Đây là thời cơ tốt để xem xét trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đó rút ra kinh nghiệm, bài học giúp sửa chữa khuyết điểm, đồng thời có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ khâu lấy ý kiến góp ý, tạo không khí dân chủ để tổ chức, cá nhân tham gia góp ý nói thẳng, nói thật, nói hết những tâm tư, suy nghĩ với tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức kiểm điểm, tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như cán bộ lãnh đạo các cấp đã nhận được sự quan tâm, theo dõi và tham gia góp ý phê bình một cách chân thành, thẳng thắn và trách nhiệm của cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt các cấp cũng như của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đã có 6/11 ý kiến của các cơ quan Trung ương; 57/61 ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; 60/102 ý kiến đóng góp của cấp ủy viên các cấp đã nghỉ hưu hoặc nghỉ công tác gửi đến bộ phận giúp việc trên tinh thần góp ý cụ thể, tâm huyết và xây dựng.

Theo kế hoạch, Tỉnh ủy Ninh Bình hoàn tất việc kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 9. Tiếp đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, bảo đảm hoàn thành xong trong tháng 11-2012.

* Sáng 4-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đồng chí Huỳnh Văn Tý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng nên việc tự phê bình và phê bình tập thể Ban Thường vụ không phải cốt lõi là tìm ra khuyết điểm để xử lý kỷ luật, mà tập trung chỉ rõ, chỉ trúng khuyết điểm, trúng trách nhiệm, trúng nguyên nhân chủ quan và đề ra biện pháp khắc phục cho trúng. Theo đó, kiểm điểm tự phê bình và phê bình đợt này từng đồng chí phải nêu cao tính tự giác, đấu tranh mạnh mẽ, thẳng thắn chân tình, cởi mở trên tinh thần thương yêu đồng chí, không nể nang, né tránh. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải thực sự nghiêm túc, cầu thị và có tính xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc kiểm điểm phải đi sâu phân tích khuyết điểm là chính, nhất là những vấn đề được nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng quan tâm, những yếu kém kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc triển khai thực hiện các Chỉ thị, hướng dẫn gợi ý của Bộ Chính trị; tổ chức lấy ý kiến góp ý ở các cấp theo đúng quy định của Trung ương. Có 6 ý kiến của các Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức, Ban Tuyên Giáo, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước… tham gia góp ý kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc và lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố theo quy định. Đã có 149 ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Trong đó, 70 ý kiến đóng góp của cán bộ nghỉ hưu nguyên là tỉnh ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; 17 ý kiến của các đồng chí ủy viên Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và đại diện nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản và 57 ý kiến của tập thể lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc… góp ý cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, có 9 tập thể và 27 cá nhân góp ý cho cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các ý kiến đóng góp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng, mong muốn có được một Ban Thường vụ Tỉnh ủy vững mạnh, đủ sức tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh không ngừng phát triển. Là cơ hội để củng cố, nâng niềm tin của cán bộ, đảng viên đối Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tất cả những ý kiến đóng góp đều được phân công làm rõ với tinh thần công phu, nghiêm túc, chu đáo, không làm đại khái, qua loa… và đã đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) một cách vui mừng, phấn khởi, trông chờ Chương trình hành động cụ thể của tập thể Ban Thường vụ và cá nhân từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Từ ngày 17 đến ngày 21-9, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ tiến hành kiểm điểm cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.