TCCSĐT - Chiều nay (22-5), sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu với cái nhìn tổng quan, đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng khi đọc tất cả các quy định trong luật này thì thấy rửa tiền chủ yếu thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi đó rửa tiền qua rất nhiều kênh, đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... do đó, dự thảo luật cần thiết kế lại rất nhiều nội dung.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cũng đồng tình với đại biểu Đỗ Văn Đương, cho rằng nhấn mạnh vào phòng, chống rửa tiền thông qua kênh ngân hàng thì rất tốt, nhưng nếu như cuộc đấu tranh phòng, chống rửa tiền là cuộc đấu tranh mang tính toàn cầu và nhiều cấp, nhiều ngành, cũng như nhiều cơ quan cùng vào thực hiện thì luật này có vẻ thiếu. Tức là rửa tiền, đây không chỉ là tiền mà còn là tài sản, ở đây không chỉ qua kênh ngân hàng mà còn qua nhiều kênh khác.

Bổ sung thêm ý kiến này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng cho rằng: tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, cần quy định và bổ sung thêm vào dự án Luật điều khoản về minh bạch tài sản, tránh việc lợi dụng chia tài sản cho con cái, người thân bằng tiền tham nhũng hoặc kiếm lợi bất chính. Hiện nay, người tham nhũng có thể đem chia tài sản cho con cái (cũng là một cách rửa tiền) nhưng luật không có cơ chế kiểm soát vấn đề này, đại biểu cho rằng nhiều con cái các quan chức thành lập các doanh nghiệp và giàu lên một cách nhanh chóng và đề nghị bổ sung cấm lợi dụng chức vụ quyền hạn cho người thân trong gia đình để thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nhất trí 3 nội dung, phải bổ sung khái niệm tài sản về rửa tiền, phải đưa các nội dung điều cấm vào luật và quy định về vợ con, chị em ruột của cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Ba điều này rất cần thiết, nó vừa phù hợp với thông lệ và công ước quốc tế, nó vừa phản ánh thực tế của đất nước chúng ta và đưa vào thì tính khả thi cao, giải quyết như thế này sẽ làm rõ và khi đưa ra rất dễ thực hiện. Riêng về phạm vi điều chỉnh, đại biểu nhất trí vì cam kết của chúng ta đối với quốc tế, tránh những rắc rối phiền hà, tác động trong giao dịch quốc tế về tiền tệ tài chính trong tình hình hiện nay. Về giá trị giao dịch phải báo cáo và báo cáo giao dịch đáng ngờ đại biểu tán thành hai điểm. Một là không ghi mức cụ thể vào đây và mức ấy sẽ được biểu hiện, được quy định cụ thể trong quá trình hay trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đại biểu tán thành 2 ngành quan trọng nhất và có vị trí trong việc rửa tiền và chống khủng bố là ngân hàng và công an, trong đó, vai trò của ngân hàng chủ yếu là vấn đề chống rửa tiền, vai trò của công an chủ yếu là chống tội phạm và tài trợ khủng bố. Không chỉ làm rõ trách nhiệm của hai ngành này mà phải có cơ chế phối hợp hai ngành hiệu quả.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị chỉnh sửa lại một số nội dung tại Điều 38, Điều 43 và Điều 44 về trách nhiệm của cơ quan công an, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân và trách nhiệm của Tòa án nhân dân để bảo đảm phù hợp với những quy định chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan này trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét lại, trong 7 hành vi quy định ở Điều 7 thì hành vi từ thứ 2 đến thứ 7 có thể xem là bị cấm, nhưng hành vi số 1 chính là yếu tố cấu thành tội rửa tiền. Tức là tổ chức tham gia và tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức.

Với trách nhiệm là một thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này cũng như là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các báo cáo giải trình, tiếp thu, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã trao đổi thêm một số vấn đề qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, đối với hành vi rửa tiền, trong Bộ Luật Hình sự đã xác định những hành vi rửa tiền và liệt kê những hành vi rất cụ thể. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước cung cấp thì các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền cũng đánh giá hành vi rửa tiền trong Bộ Luật Hình sự của chúng ta tuy đã được cập nhật nhưng vẫn còn thiếu một số hành vi và họ đề nghị chúng ta cũng nên cập nhật theo các công ước quốc tế. Đó là vấn đề trợ giúp tại Điểm a, Điều 1 và Điểm b là về chiếm hữu tài sản, như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội rửa tiền là tội phạm thì phải được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Trong luật về phòng, chống rửa tiền không được quy định về tội phạm, đấy là một quy định thành nguyên tắc rất lớn của pháp luật về hình sự của chúng ta. Nếu chúng ta muốn bổ sung những hành vi rửa tiền có tính chất tội phạm thì Quốc hội phải sửa đổi Bộ Luật Hình sự.

Đối với các nhóm biện pháp chống rửa tiền, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đưa ra kinh nghiệm hầu hết các nước có 5 nhóm biện pháp để xử lý tội phạm rửa tiền, trong đó có nhận dạng tội phạm và hoạt động kiểm tra, rà soát hoạt động tội phạm; cập nhật và xử lý thông tin về tội phạm rửa tiền; lưu trữ hồ sơ của khách hàng; báo cáo giao dịch theo sự nghi ngờ; lực lượng đặc trách. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới đề cập đến 4 nhóm giải pháp. Đặc biệt là lực lượng đặc trách về chống rửa tiền thì trong dự thảo luật này không có và chỉ giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tổ chức lực lượng này. Đại biểu cũng nhất trí với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Trần Du Lịch và đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chúng ta phải tính đến một kỹ thuật lập pháp hiện đại theo hướng quy định các quy định của một đạo luật phải bám vào 3 nguyên tắc, đó là đưa ra các tình huống, đặt ra các quy định và các biện pháp chế tài xử lý.

Kết thúc phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu tại hội trường. Đa số ý kiến tán thành với Báo cáo giải trình, tập trung vào một số vấn đề:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất đây là Luật Phòng, chống rửa tiền. Vì chúng ta có cam kết với các tổ chức quốc tế và thể hiện tính tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong vấn đề phòng chống những việc tài trợ khủng bố. Do đó, trong luật này phạm vi điều chỉnh là chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc đối với việc tài trợ khủng bố có liên quan tới hoạt động rửa tiền chứ không phải là quy định tài trợ khủng bố chung.

Thứ hai, về tính thống nhất của dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải bảo đảm tính thống nhất chặt chẽ các quy định của dự thảo luật này kể cả về từ ngữ, giới thiệu từ ngữ cũng như nội dung để bảo đảm không có xung đột với các luật khác trong hệ thống pháp luật của nước ta và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ ba là các hành vi bị cấm tại Điều 7, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại bỏ hành vi thứ nhất vì hành vi này đã cấu thành tội phạm rồi đồng thời đề nghị bổ sung thêm một vài hành vi bị cấm hợp lý.

Thứ tư, về vấn đề cá nhân ảnh hưởng chính trị. Ở đây có một loại ý kiến đề nghị quy định cá nhân cao cấp của Việt Nam, có vài ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Điều 13 này vì thấy nó không cần thiết. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu lại các công ước quốc tế và theo thông lệ quốc tế để tham khảo kinh nghiệm.

Thứ năm, về mức giá trị giao dịch đáng ngờ phải báo cáo, đa số đại biểu thống nhất cần thiết phải quy định mức này, nhưng không ghi cụ thể vào luật và cũng nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ sáu, về cơ quan Nhà nước phòng, chống rửa tiền, cần thiết phải quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an hay của các bộ, ngành liên quan tới vấn đề hoạt động phòng, chống rửa tiền để giúp cho Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước./.