Quảng Bình đầu tư phát triển huyện miền núi vùng cao Minh Hóa
20:48, ngày 22-05-2012
TCCS - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình (khóa XIV) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Minh Hóa đến năm 2015 cho thấy, chủ trương này thật sự đi vào cuộc sống, thể hiện ý Đảng hợp lòng dân, tạo động lực quan trọng thúc đẩy huyện miền núi vùng cao này phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần đưa Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững.
Minh Hóa là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Bình, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả tỉnh và cả nước; là một trong 62 huyện nghèo đang được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 1.410 km2, dân số 47.083 người; có tuyến biên giới với nước bạn Lào dài 89 km và có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Đây vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từng là chiến khu của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ, rạng ngời những địa danh như Cổng trời - Cha Lo, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh…; Đây cũng là một trong ít nơi còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống, như Lễ hội Rằm tháng ba, điệu Hò thuốc… Tuy nhiên, do phần lớn diện tích có địa hình núi cao, hiểm trở, trình độ dân trí thấp nên Minh Hóa gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao từ 70% - 75%, có xã có tới 90%.
Xác định vị trí, vai trò của Minh Hóa đối với quá trình phát triển của địa phương, những năm gần đây, nhất từ sau Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, Quảng Bình tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho huyện miền núi vùng cao này. Ngày 31-5-2007, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Minh Hóa đến năm 2015, với mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Minh Hóa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống xấp xỉ ngang mức bình quân của tỉnh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới. Chủ trương này, được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh quán triệt, đồng tình, hưởng ứng và triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Ngày 25-02-2008, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn. Các sở, ban, ngành liên quan đều xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, đồng thời triển khai thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Các cấp, các ngành, các đoàn thể ở huyện Minh Hóa cũng tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện theo sát mục tiêu, chỉ tiêu do Nghị quyết đề ra và tình hình thực tế của địa phương.
Với nỗ lực chung đó, đến nay, kinh tế, xã hội của huyện Minh Hóa có những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch được triển khai khá tích cực. Nhiều dự án quy hoạch quan trọng được hoàn thành như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010; Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 của huyện và của xã; Quy hoạch, giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân trồng rừng sản xuất, quản lý bảo vệ, khai thác rừng có hiệu quả… tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, khu trung tâm, các cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp, các khu chức năng, đồng thời làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xây dựng theo quy hoạch…
Kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 12,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 28,7%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 33,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 37,6% trong tổng giá trị sản xuất). Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định. Năm 2010, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 9,2% so với năm 2007. Thương mại, dịch vụ dần đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2010 tăng 132,3% so với năm 2007. Trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế Cha Lo hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành đầu mối quan trọng cho việc giao lưu hàng hóa với các nước Lào, Thái Lan. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi, như hệ thống giao thông, hệ thống lưới điện, thủy lợi, bưu chính - viễn thông, truyền thanh - truyền hình được đầu tư xây dựng khá nhiều, thông qua lồng ghép giữa thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy với các Chương trình 135, 134, Chương trình kiên cố hóa trường học, Nghị quyết 30a của Chính phủ...
Văn hóa - xã hội có bước phát triển. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Đến nay, Minh Hóa có 100% số xã có trường tiểu học, 70% số xã có trường trung học cơ sở; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, 93,7% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được chú trọng đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia có hiệu quả. Hiện có 75% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ngày càng phong phú và đa dạng; các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư xây dựng, dần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa phát triển rộng khắp và dần đi vào chiều sâu. Công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội đã được quan tâm, chăm lo. Tính đến cuối năm 2010, thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và lồng ghép các chương trình, dự án… đã giải quyết vốn vay giải quyết việc làm, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất và nhà ở đối với người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa với tổng kinh phí trên 50 tỉ đồng.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn ngày càng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp có nhiều tiến bộ. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 48 tổ chức cơ sở đảng với hơn 3.400 đảng viên, 100% số thôn, bản đều có đảng viên.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình đã và đang đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn, và quan trọng hơn, là Nghị quyết phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân toàn tỉnh nói chung và Minh Hóa nói riêng. Nghị quyết không những thể hiện sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Bình hướng về cơ sở, tập trung cao cho những việc khó, khâu yếu, địa bàn trọng điểm, mà còn mở ra cơ hội để cán bộ, đảng viên, nhân dân cả tỉnh thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình đối với nhân dân vùng rẻo cao Minh Hóa và nhân dân Minh Hóa có điều kiện để vươn lên theo kịp các huyện miền xuôi. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Kinh tế Minh Hóa tuy có tăng trưởng, nhưng quy mô còn nhỏ, giá trị thấp và thiếu vững chắc. Công tác quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch còn chậm. Chất lượng giáo dục - đào tạo nhiều mặt còn bất cập so với yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Huy động nội lực cho công tác xóa đói giảm nghèo còn yếu. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (65,44%). Trật tự xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở chưa đồng đều, nhiều nơi còn yếu. Công tác xây dựng Đảng nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu; hiện trên địa bàn vẫn còn 2 thôn, bản chưa có tổ chức đảng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trên một số lĩnh vực còn yếu.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/5/2007 của Tỉnh ủy và qua kinh nghiệm rút ra được từ Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, năm 2012 và những năm tiếp theo, cùng với lãnh đạo thực hiện toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1 - Gắn và lồng ghép các giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 03 - NQ/TU của Tỉnh ủy với việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ Minh Hóa, Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và các chương trình, dự án trên địa bàn.
2 - Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời, chú trọng thâm canh, tăng năng suất cây lúa. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, vận động nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, chọn giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt; tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện việc giao đất sản xuất với diện tích lớn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực sự có năng lực để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; vận động nhân dân chuyển dần sang hình thức chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp gắn với phát triển mạnh kinh tế hộ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ đáp ứng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
3 - Phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng gắn với lợi thế quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Tiếp tục củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; tăng cường các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt - Lào, quy hoạch phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
4 - Tập trung giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đặc biệt quan tâm xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tăng cường cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, y, bác sỹ. Khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, của đồng bào dân tộc thiểu số... Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
5 - Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp, cải cách hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; tăng cường khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
6 - Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực../.
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai - khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 8 tại Việt Nam  (22/05/2012)
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên  (22/05/2012)
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên  (22/05/2012)
Vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  (22/05/2012)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên