TCCSĐT - Ngày 22- 5, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội  về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tính đến ngày 16-3-2012 có 40 Đoàn đại biểu Quốc hội và 07 ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý kiến bằng văn bản về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá gửi tới Ủy ban về các vấn đề xã hội, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 5 chương, 35 điều (tăng 3 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội).

Về sự cần thiết ban hành Luật, đa số ý cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu ban hành Luật thì nên ban hành Luật cấm sử dụng, sản xuất và mua bán thuốc lá.

Về tính khả thi của dự án Luật, có ý kiến còn băn khoăn việc ban hành Luật làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá và ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người dân. Hơn nữa, một mặt Nhà nước muốn giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, nhưng mặt khác lại khuyến khích sản xuất thuốc lá vì thuế từ thuốc lá hằng năm đóng góp nhiều vào ngân sách. Do ý thức người dân nhìn chung chưa cao nên một số điều không có tính khả thi, như Điều 9: cấm hút thuốc ở nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhưng bố mẹ đưa đến chơi thường phải ở đó trông con, do vậy quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn đối với các địa điểm này là rất khó thực hiện. Điều 12, khoản 2: quy định “Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ” không mang tính khả thi vì hiện nay người chồng, bố, mẹ hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ diễn ra hằng ngày. Như vậy, ai là người đứng ra bảo vệ đứa trẻ hoặc người phụ nữ trong gia đình. Một trong những nguyên nhân được phân tích là vì thời gian hút thuốc lá ngắn, khi thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm thì đã không còn chứng cứ để xử phạt và đặc biệt vì không đủ lực lượng để xử lý.

Về mục đích giảm cung, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng thể hiện rõ mục đích giảm cung, không mở rộng quy mô sản xuất thuốc lá. Để đạt mục tiêu này, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể chính sách bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người nông dân trồng cây thuốc lá, những lao động làm việc trong công ty thuốc lá bởi khi ban hành Luật, có thể làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá. Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá phải bảo đảm để các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá.

Đại biểu Phạm Văn Cường - Lào Cai bày tỏ lo ngại của cử tri và nhân dân Lào Cai về vấn đề vùng nguyên liệu của Lào Cai. Theo quy hoạch, dự kiến từ 2000 - 5000 ha trong thời gian tới và hiện nay đang thu hoạch 3 huyện thuộc diện Chương trình 30a. Hiện, nếu trừ các chi phí đi ở đây theo phương án tính toán lợi nhuận cho một hộ dân lãi khoảng từ 30 triệu đồng/ha, một hộ dân bình quân trồng khoảng 0,5 - 0,75 ha thì thu nhập trong vòng 3 tháng sẽ có khoảng 20 triệu. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ Công thương với trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ quy hoạch cùng Bộ Nông để phát triển ổn định các vùng nguyên liệu.

Đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai thì đề nghị nên có lộ trình có thể từ 3 đến 5 năm để tạo cho người trồng nguyên liệu thuốc lá có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp. Hai nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có điều kiện thay đổi phương án sản xuất để thực hiện tái cơ cấu ngành, nghề của doanh nghiệp.

Về Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, dự thảo Luật quy định theo hướng, Quỹ do Bộ Y tế quản lý về hành chính, nhưng hoạt động của Quỹ do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo; không để Quỹ bị chi phối vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, có đại biểu tán thành với phương án 1 là: Hằng năm, ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2 phần trăm (%) tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.... vì cho rằng thể hiện tính thống nhất của hệ thống pháp luật, minh bạch, rõ ràng, dễ kiểm soát thu chi, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngược lại cũng có nhiều ý kiến lại ủng hộ phương án 2 là: Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ. Với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định) đã phát biểu về việc lập Quỹ, nguồn thu của Quỹ, trách nhiệm quản lý và điều hành Quỹ. Sau khi phân tích khá kỹ hai phương án, Bộ trưởng cho rằng với phương án thứ nhất, sử dụng ngân sách sẽ vừa tốn tiền mà hiệu quả không cao. Còn với phương án đóng góp bắt buộc, Bộ trưởng cho rằng có ưu điểm rất căn bản, vừa làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà không làm ảnh hưởng đến ngân sách.

Có ý kiến băn khoăn khi Luật có hiệu lực, tình trạng nhập lậu thuốc lá sẽ gia tăng dẫn đến hiệu quả của Luật không bảo đảm và ngành sản xuất thuốc lá trong nước càng thêm khó khăn. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; các hành vi bị nghiêm cấm.../.