Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện hiện nay
16:34, ngày 06-03-2012
TCCS - Để phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa nền kinh tế nước ta với các nước phát triển, tính chiến lược của vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được đồng thuận nhận thức và cùng hành động cụ thể từ mỗi cá nhân, từng tập thể đến toàn xã hội. Đó là căn nguyên, cội rễ làm nên thắng lợi đối với từng cá nhân, tập thể và cả dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tư tưởng về phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức xây dựng. Vì thế, cuộc chiến đấu giải phóng mà dân tộc ta phải đương đầu chống những tên đế quốc sừng sỏ nhất của thời đại trong thế kỷ XX là cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, đã làm nên những chiến thắng huyền thoại. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua 36 năm kể từ ngày toàn thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là hơn 25 năm đổi mới, sức mạnh to lớn của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân được Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh vĩ đại để sự nghiệp đổi mới giành được những thành tựu to lớn, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Những thành tựu đó một lần nữa khẳng định quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta là sự nghiệp của toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, chế độ mới mà Đảng và nhân dân ta đồng thuận xây dựng là chế độ mà nhân dân là chủ thể, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Nhân dân là ai? Từ phương diện cộng đồng, Hồ Chí Minh cho rằng: “mọi con dân nước Việt”, “mỗi một người con rồng cháu tiên”, không phân biệt dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt “già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện” đều là nhân dân Việt Nam. Dưới góc nhìn giai tầng xã hội, Người nêu rõ: “Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra chính phủ của mình”(1). Như vậy, dân, nhân dân vừa là một tập hợp đông đảo tuyệt đại đa số quần chúng, vừa được hiểu là mỗi người Việt Nam cụ thể, cả hai đều là chủ thể trong khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của nhân dân chính là sự cố kết, hợp lực của mỗi người trong từng tổ chức, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước để thực hành dân chủ chuyên chính. Nói một cách khác, sức mạnh của nhân dân được làm nên bởi khối đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân. Dân tộc, quốc gia chỉ có thể có được sức mạnh cả về vật chất và tinh thần trên cơ sở phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Và theo Hồ Chí Minh, sức mạnh đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam “là để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc... để xây dựng nước nhà”, và vì thế “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc có nội dung rộng lớn, sâu sắc và toàn diện được thực tế cách mạng Việt Nam hơn 81 năm qua dưới ngọn cờ của Đảng khẳng định là chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh.
Dưới ánh sáng Đại hội XI của Đảng, việc làm theo một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên nguồn động lực to lớn đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mau tới thắng lợi, đang là đòi hỏi nội thân khẩn thiết. Đất nước chỉ có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc tới mục tiêu trên một khi toàn Đảng, toàn dân, mỗi người, từng đơn vị dù hoạt động ở lĩnh vực nào, từng địa phương dù hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi hay khó khăn hãy đồng thuận cùng xây dựng, tổ chức, phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một hoàn cảnh có nhiều khó khăn do những đặc trưng bản chất của nền kinh tế thị trường chi phối. Để làm được điều đó, cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, toàn Đảng, toàn dân đồng thuận nhận thức sâu sắc về một di sản tinh thần truyền thống quý báu - phát huy sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc mà ông cha ta dày công xây dựng và sử dụng như một thần khí viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cần được nhân lên trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay. Phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc là di sản tinh thần truyền thống của ông cha ta, bởi nó được hình thành và ngày càng bền chặt từ nguyện vọng thiết thân, từ nhu cầu tình cảm giữa những con người trong cộng đồng ở từng cấp độ, từ nghĩa cử, đạo lý trong cuộc sống làm người... nó lại được tôi rèn từ hoàn cảnh địa lý, lịch sử của đất nước.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, sự đồng thuận nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân xác định xây dựng và phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân là vấn đề chiến lược được thể hiện trong chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý chí, phong trào cách mạng rộng lớn của quần chúng nhân dân. Khối đại đoàn kết đó bền vững trong lòng dân tộc bởi nó bao gồm “mọi con dân nước Việt”, không phân biệt “già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện”, dân tộc, tôn giáo, với mục tiêu chung là: dân tộc độc lập, nhân dân tự do, ấm no hạnh phúc.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã minh chứng và trở thành bài học kinh nghiệm quý báu là: lúc nào, nơi nào tư tưởng phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn dân đồng thuận nhận thức và hành động thì khi đó, nơi đó phong trào nhân dân rộng lớn, sức mạnh nhân dân không gì ngăn nổi, cách mạng phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi to lớn. Lúc nào, nơi nào xa rời tư tưởng đó thì khi đó, nơi đó cách mạng bị trở ngại và tổn thất. Như Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất: “Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”(2). Đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, Hồ Chí Minh cũng đã nói rõ: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay... đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(3).
Như vậy, phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân trong một mặt trận dân tộc thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã viết nên thiên lịch sử đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc sừng sỏ đại diện cho cả chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và chủ nghĩa thực dân kiểu mới, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc.
Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay với đặc trưng là nền kinh tế nhiều thành phần, ở đó mỗi người, mỗi doanh nghiệp trong từng thành phần đều phải hạch toán một cách căn cơ để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho mình. Đó là thuộc tính vốn có của nền kinh tế thị trường. Nếu không đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý chung của Nhà nước thì tình trạng biệt phái của mỗi thành phần, mỗi thực thể kinh tế là khó tránh khỏi. Trong những năm qua, không ít cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương xuất phát từ lợi ích cục bộ cá nhân, tập thể mình đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thua thiệt cho cả người sản xuất, người tiêu dùng, tập thể và Nhà nước. Các doanh nghiệp của ta so với các công ty đa quốc gia trên thế giới đều nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, lại đi sau khá xa trong nền kinh tế thị trường nghiệt ngã này. Vì thế Đảng, Nhà nước đã và đang thống nhất lãnh đạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong từng thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp quốc doanh, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh, vừa “khâu nối những chiếc mủng, thuyền con lâu nay chỉ bơi trong lạch, trong sông nhỏ, thành bè, mảng, tàu lớn để cùng vượt đại dương”. Từng doanh nghiệp, mỗi tập thể, cá nhân phải nhận thức sâu sắc rằng, hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới. Đoàn kết sẽ tạo thành sức mạnh để cạnh tranh với các đối tác trên mọi phương diện, chỉ như vậy các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam mới có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội, song cũng đầy thách thức. Lợi ích trực tiếp của mỗi người đặt trong từng doanh nghiệp, đơn vị riêng rẽ, song tất cả lại có cùng mẫu số chung là dân tộc, Tổ quốc và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng và nhân dân ta đang đồng thuận phấn đấu. Lợi ích riêng của mỗi người, từng doanh nghiệp chỉ có thể được bảo đảm một cách cao nhất và bền vững trên cơ sở đoàn kết cùng bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, các đơn vị bạn, các địa phương và cả nước, bởi mỗi người, mỗi đơn vị, địa phương đều là bộ phận cấu thành Tổ quốc, dân tộc.
Sự đồng thuận nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh nhân dân (mọi người, mỗi người), khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ là tiền đề, mà còn là tư tưởng chỉ đạo của hành động, một chiến lược làm nên sức mạnh dân tộc, mà còn nhằm khắc phục những yếu kém của biệt lập, tạo được lợi thế so sánh ngang tầm và vươn lên vượt trội so với các doanh nghiệp, các địa phương, các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.
Hai là, hơn lúc nào hết, mỗi cá nhân, tập thể, địa phương và cả cộng đồng dân tộc hãy cùng hành động trong thực tế nhằm phát huy sức mạnh nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong mỗi công việc, kế hoạch theo những quyết sách của Đảng, cùng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Hiện nay, nền kinh tế thị trường thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện: khoa học, công nghệ, tiềm lực, kinh nghiệm quản lý kinh tế,... Trong những năm hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã phải vượt qua nhiều lực cản, khó khăn, từng bước khắc phục những hạn chế nội tại, những tác động tiêu cực, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đó là thắng lợi đạt được trên nền tảng của sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời kỳ hội nhập quốc tế, để vươn lên, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn gấp bội. Hơn lúc nào hết, mỗi người, mỗi doanh nghiệp, đơn vị, địa phương cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từng cá nhân, tập thể dù thuộc tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, địa phương, thành phần kinh tế nào đều là những tế bào bình đẳng cùng cấu thành đất nước, Tổ quốc, đồng thuận, cùng hợp lực phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với phương châm là tăng trưởng kinh tế tới đâu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội tới đó. Đó chính là sự bảo đảm yếu tố xã hội chủ nghĩa trong từng bước đi của sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Để phát huy cao nhất sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân trong hành động thực tế cần đồng bộ triển khai những nội dung sau:
Thứ nhất, tự mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là tổ chức đảng các cấp, mỗi đơn vị, địa phương, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị được giao, từ chiến lược phát triển chủ động xây dựng chương trình hành động thiết thực xuất phát từ điều kiện cụ thể của cá nhân, đơn vị, địa phương mình để phát huy sức mạnh nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân. Chương trình đó phải được toàn dân thuộc địa hạt mình bàn thảo, xây dựng nên. Nó là trí tuệ của toàn dân, sản phẩm của dân chủ. Phương thức dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra phải được thực thi trong mọi công việc với tinh thần “nước của dân, việc của dân dân làm”. Đó là cơ sở để thống nhất hành động cách mạng toàn dân.
Thứ hai, đoàn kết và phát huy sức mạnh nhân dân thông qua các hình thức rất phong phú, đa dạng như tổ chức các hiệp hội những người cùng sản xuất một ngành hàng, những người cùng mua, bán, cùng chế biến một sản phẩm hàng hóa, những tổ chức cùng hoạt động trên một lĩnh vực... Đó là sự thống nhất, đoàn kết một cách có tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi thành viên trong hiệp hội, lợi ích của người sản xuất, lợi ích đất nước, đồng thời bảo vệ uy tín sản phẩm mà các thành viên trong hiệp hội cùng tạo ra trên thị trường trong cũng như ngoài nước. Các tổ chức này cần có sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo hành lang pháp lý của chính quyền các cấp và Chính phủ, đặc biệt là sự hưởng ứng cùng hành động của người lao động.
Thứ ba, từng bước xây dựng và thực thi những cơ chế tích cực, thích hợp để thu hẹp khoảng cách lợi ích, khoảng cách cơ hội việc làm và thăng tiến giữa các thành tố trong xã hội, nhưng vẫn tạo được động lực to lớn cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Chỉ đạt được đoàn kết đích thực một khi có sự tương đồng về lợi ích trên cơ sở năng lực và sự đóng góp các nguồn lực. Trong hơn 25 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được cũng có những hệ lụy. Tình trạng chênh lệch thu nhập, không tương đồng lợi ích giữa các nhóm trong xã hội ngày càng tăng. Sẽ khó có đoàn kết chân tình, thực sự giữa các bộ phận, giai cấp khi mà tình trạng lợi ích ngày càng khác biệt chưa có biện pháp tích cực để thu hẹp.
Thứ tư, theo từng cấp độ từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, từ trong nước đến quốc tế, trong mỗi công việc, chương trình hợp tác phải được tiến hành trên cơ sở dân chủ, tự nguyện, bảo đảm hài hòa lợi ích của từng thành viên, từng bộ phận, mỗi bên.
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ những quan điểm lý luận, Hồ Chí Minh đã tổ chức ba tầng Mặt trận: 1) Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; 2) Mặt trận đoàn kết Việt - Miên - Lào; 3) Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Sự đoàn kết rộng rãi này đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của nhân dân trong nước, nhân dân khu vực và toàn thể loài người tiến bộ, góp phần to lớn làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới của nhân dân ta.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế phức tạp, đan xen giữa lợi ích và cạnh tranh giữa hợp tác và đấu tranh, giữa các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, quốc gia với nhau, mấu chốt của vấn đề tương tác lực lượng, đoàn kết cùng nhau vẫn là thiện chí, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, bảo đảm lợi ích của các chủ thể trên tinh thần cùng có lợi trong quá trình hợp tác và phát triển./.
---------------------------------------------
---------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 217
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 604, 349
Hội thảo khoa học quốc gia: “An sinh xã hội ở nước ta - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”  (06/03/2012)
Cuộc bầu cử tổng thống chưa từng có ở Nga và trên thế giới  (06/03/2012)
Ngày Xuân nói về “Phúc, lộc, thọ”  (06/03/2012)
Thế à!  (06/03/2012)
Đổi thay trên quê hương Gia Viễn  (06/03/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm