Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng tại Syria

Dạ Lan Hương
20:04, ngày 26-01-2012

TCCSĐT- Tình hình Syria ngày một nóng lên vào tháng đầu năm 2012 và sẽ trở thành một trong những tâm điểm của nền chính trị thế giới bởi sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, dư luận còn cho rằng: “công thức Syria’ sẽ là “mô hình thay đổi thế giới” trong thế kỷ XXI.

Trong một bài viết của Alechsander Meziaev, thành viên của Ủy ban Xã hội Nga đoàn kết với nhân dân các nước Libya và Syria, Trưởng Bộ môn Luật quốc tế của Đại học Cazan (Nga) đăng trên trang web “Quỹ Chiến lược” của Nga” vào đầu tháng 12-2011 khi Nga giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện của Nga tuyên bố: trong chương trình nghị sự tháng 12-2011 của Hội đồng sẽ không có nội dung thảo luận về tình hình Syria. Thế nhưng, tình hình Syria vẫn là một trong những chủ đề nóng của các cuộc thảo luận không chính thức cũng như trong khuôn khổ chủ đề "Tình hình Trung Đông".

Có thể hiểu được động thái này một khi để ý tới tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi nói rằng, các cuộc “cách mạng Arab” là “mô hình thay đổi ở các quốc gia khác” trên thế giới. Vì thế, cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria sẽ trở thành một trong những chủ đề chính của nền chính trị thế giới trong năm 2012. Cũng chính bởi vậy mà việc Nga giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng cuối cùng của năm 2011 được đánh dấu bởi 2 dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Nga đề xuất. Dự thảo nghị quyết thứ nhất được chuyển cho các thành viên của Hội đồng Bảo an thảo luận vào ngày 15-12-2011, còn bản dự thảo thứ hai được trình ngày 24-12-2011. Dự thảo thứ nhất là kết quả phối hợp hành động giữa Nga và Trung Quốc, trong đó kêu gọi nhà cầm quyền Syria nhanh chóng tiến hành cải cách, ủng hộ nỗ lực của Liên đoàn các nước Arab nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có việc đưa các quan sát viên của Liên đoàn vào quốc gia này. Đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Churkin, nhận xét: nếu ai đó yêu cầu Nga loại bỏ bất kỳ câu chữ nào liên quan đến tình hình bạo lực từ phía các lực lượng cực đoan ở Syria thì điều đó là không thể. Ông Churkin cũng loại trừ khả năng áp dụng biện pháp cấm vận vũ khí đối với Syria. Dĩ nhiên, các thành viên phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ủng hộ đề xuất này của Nga.

Mặc dù đại diện các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định: “tình hình Syria khác với những gì đã diễn ra ở Libya” nhưng sự khác nhau duy nhất chỉ là những bất đồng ở trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và do đó, Tòa án hình sự quốc tế vẫn chưa thể vào cuộc như đối với Libya, còn lại cả 2 kịch bản là hoàn toàn giống nhau. Cỗ máy gây áp lực của cộng đồng quốc tế đã khởi động và một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn đã được triển khai nhằm chống lại Syria từ phía Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, Báo cáo đặc biệt về quyền con người ở Syria, Ủy ban điều tra quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người cũng đã được thành lập.

Tình hình Syria đã được thảo luận tại 3 cuộc hội nghị chuyên đề về Syria tại Hội đồng về quyền con người của Liên hợp quốc vào tháng 4, tháng 8 và tháng 12-2011. Trong cuộc hội thảo lần thứ 2 diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-8-2011, Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc đã quyết định thành lập Ủy ban điều tra quốc tế độc lập. Còn tại cuộc hội thảo lần thứ 3 về tình hình Syria ngày 2-12-2011, Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lên án Syria. Một chi tiết đáng chú ý là, chỉ có 47 quốc gia trong số gần 200 thành viên của Liên hợp quốc tham gia Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, trong số đó, 37 thành viên bỏ phiếu về nghị quyết lên án Syria và 33 quốc gia bỏ phiếu về việc thành lập Ủy ban điều tra độc lập về quốc gia này.

Phản ứng trước tình hình này, ông V.Loshinin, đại diện của Nga tại Liên hợp quốc đã tuyên bố rất cứng rắn rằng, Nga muốn ngăn chặn một sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Syria mang tính chất vi phạm pháp luật quốc tế ngay cả khi mượn cớ “bảo vệ dân thường” hoặc “bảo vệ quyền con người”. Đây là một tuyên bố quan trọng mà từ đó có thể rút ra hai kết luận. Một là, Nga coi nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc khủng hoảng ở Syria không xuất phát từ bên trong mà là từ bên ngoài. Hai là, việc “bảo vệ quyền con người” chỉ là cớ để bên ngoài can thiệp vào tình hình Syria.

Báo cáo của Ủy ban điều tra độc lập quốc tế về các sự kiện ở Syria đã được công bố vào ngày 23-11-2011, trong đó kết luận chủ yếu là “nhà cầm quyền Syria không thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền con người”. Ngoài ra, các kết luận của Ủy ban này còn nhấn mạnh rằng, Chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm trước mỗi hành động “vi phạm quyền con người” tại quốc gia này. Và mặc dù các thành viên của Ủy ban điều tra độc lập quốc tế tuy không đến Syria nhưng họ vẫn “phát hiện” ra tất cả những gì cần thiết để đưa ra kết luận về việc “Syria vi phạm quyền con người”. Cuối tháng 11-2011, Ủy ban của Liên hợp quốc về chống tra tấn đã nhập cuộc với việc đưa ra yêu cầu nhà cầm quyền Syria phải báo cáo về các “hành vi tra tấn ở trong nước”.

Theo khẳng định của bà Navanethem Pillay, Cao Ủy của Liên hợp quốc về quyền con người, nhà cầm quyền Syria đang “phạm tội ác chống lại chính nhân dân mình”, trong đó có “tội giết hại trẻ em”. Tuy nhiên, bà N. Pillay cũng xác nhận rằng, bà không có bằng chứng mà chỉ có trong tay các băng ghi hình trên đó “ghi lại nhiều xác chết trên đường phố”. Mặc dù vậy, bà N. Pillay vẫn khẳng định “tổng số người bị chết tại Syria có thể vượt quá 5.000 bao gồm dân thường và ít nhất là 300 trẻ em”. Cao ủy của Liên hợp quốc về quyền con người Navanethem Pillay cho biết, tuy không thể kiểm chứng được những thông tin này nhưng bà vẫn tin vào những nguồn thông tin đó.

Bắt đầu từ tháng 8-2011, bà N. Pillay yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chuyển việc xem xét tình hình Syria sang Tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, Syria chưa phải là quốc gia tham gia quy chế của tòa án hình sự quốc tế và do vậy thẩm phán của tòa án này không có quyền làm việc đó. Ngoài ra, vì Syria chưa tham gia quy chế của Tòa án hình sự quốc tế nên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng không thể chuyển hồ sơ sang tòa án này theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc mà Syria là một thành viên.

Ngày 19-12-2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về Syria, trong đó có 133 nước bỏ phiếu thuận, 11 nước bỏ phiếu trống, 43 nước bỏ phiếu trắng. Vấn đề chủ yếu trong Nghị quyết này là tính chất một phía, nghĩa là chỉ lên án nhà cầm quyền Syria. Đây là một sự lặp lại nguyên vẹn tình hình Libya khi khái niệm “dân thường cần được bảo vệ” chính là lực lượng nổi loạn có vũ trang, còn “dân thường đích thực cần được bảo vệ” chống lại hành động bạo lực của lực lượng nổi loạn lại bị loại bỏ ra khỏi quyền bảo vệ của Liên hợp quốc.

Cả Báo cáo của Ủy ban điều tra độc lập cũng như Nghị quyết của Hội đồng về quyền con người thuộc Liên hợp quốc đã bỏ qua một vài chi tiết về tình hình của Syria. Từ cuối tháng 6-2011, Chính quyền Syria đã thông báo với cao Ủy của Liên hợp quốc về quyền con người có 206 nhân viên an ninh và quân đội Syria bị giết hại trong các cuộc đụng độ vũ trang. Đến ngày 20-8-2011, số người thiệt mạng là lực lượng an ninh và quân đội của Syria đã lên tới 600 và khoảng 2 tháng sau đó con số đó đã lên tới 1.100. Tính đến cuối tháng 12-2011, nhà cầm quyền tại Syria lại thông báo, số người của chính quyền Syria thiệt mạng do mũi súng của các lực lượng nổi loạn đã lên tới hơn 2.000 nhưng Cao Ủy của Liên hợp quốc về quyền con người vẫn không công nhận thực tế này và cũng không tính đến tình hình ở Syria đang diễn ra các hoạt động khủng bố của các lực lượng hồi giáo cực đoan, thậm chỉ cả của Al-Qaeda. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng nạn nhân của những vụ giết hại này không có quyền con người và không xứng đáng được nhắc đến trong các bản báo cáo và tuyên bố của Cao Ủy Liên hợp quốc về quyền con người cũng như Ủy ban điều tra độc lập về Syria?

Ngày 19-12-2011, ở Cairo, thủ đô của Ai Cập, một thỏa thuận về quy chế quan sát viên của Hội đồng các nước Arab để theo dõi tình hình ở Syria đã được ký kết. Theo thỏa thuận này, một Ủy ban điều tra quốc tế mới để xác định tình hình thực tế về những sự kiện đang diễn ra ở Syria sẽ được thành lập nhằm theo dõi việc thực hiện các cam kết chấm dứt tất cả các hành động bạo lực và chuyển báo cáo cho lãnh đạo Liên đoàn các nước Arab. Theo đề nghị của Nga, Chính phủ Syria tuyên bố chấp nhận giải pháp đó. Tuy nhiên, tính đến quan điểm của Liên đoàn các nước Arab trong vấn đề Libya trước đây cũng như trong vấn đề Syria hiện nay thì khó có thể cho rằng, Ủy ban điều tra quốc tế mới sẽ làm việc khách quan, bởi Liên đoàn các nước Arab đã khai trừ Syria ra khỏi tổ chức này từ ngày 12-11-2011.

Trong điều kiện hiện nay, cơ sở cho giải pháp về cuộc khủng hoảng ở Syria vẫn là luật quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của nó, trước hết là nguyên tắc chủ quyền quốc gia và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải áp dụng một cách đúng đắn nguyên tắc này. Dự thảo nghị quyết của Nga về tình hình ở Syria, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng bạo lực đối với tất cả các bên xung đột là cơ hội duy nhất để giải quyết một cách hòa bình, có cơ sở pháp lý cho cuộc xung đột này. Việc thất bại trong việc giải quyết vấn đề này sẽ tạo ra nguy cơ không chỉ hủy hoại một quốc gia có chủ quyền là Syria mà còn tạo tiền đề cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình nội bộ của nhiều quốc gia khác./.