Ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ trong nông, lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng với diện tích 55.600 km2, đường biên giới tiếp giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia dài trên 590km, với 58 đơn vị hành chính cấp huyện, 691 đơn vị hành chính cấp xã, 6.900 nghìn thôn, buôn, bon, làng gồm nhiều dân tộc tụ cư đan xen. Vùng Tây Nguyên được đánh giá và xác định có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh. Tri thức bản địa trong vùng, trong từng dân tộc tiềm tàng rất đa dạng, phong phú và hữu dụng bởi mỗi dân tộc có đặc điểm riêng về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ phát triển, nếp nghĩ, cách làm trong một không gian sinh tồn của quá trình lịch sử tộc người. Vì vậy, việc ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH - CN phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp của Tây Nguyên được tiến hành trong một vùng đặc thù nhiều tiềm năng, nhưng cũng đầy khó khăn.
Một số kết quả ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH - CN
Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, Chương trình giống quốc gia đối với cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp giai đoạn 2000 - 2005 và 2006 - 2010 của Chính phủ đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều giống mới có năng suất cao với những đặc tính phù hợp với điều kiện ở Tây Nguyên được đưa vào sản xuất. Các công ty, trung tâm giống và vật tư nông nghiệp trên địa bàn đã tổ chức sản xuất giống lúa mới tại chỗ được xác nhận (như: IR-64; IR17494 (13/2); MTL 250; Hương thơm số 1, OMCS-94; Bắc thơm số 7; TNDB 100, KDML 39; DT 10, Khang dân...), sản xuất và giới thiệu các giống lúa lai F1 (như Nhị ưu 838, Bắc ưu 64, Bắc ưu 903, Nông ưu 28, Bồi tạp sơn thanh) và đưa vào cơ cấu giống lúa lai phục vụ nông dân, nhất là vùng III (vùng đặc biệt khó khăn) nhằm bảo đảm an ninh lương thực và xóa đói, giảm nghèo nhanh trên địa bàn. Hơn 20 loại giống ngô lai cũng được đưa vào gieo trồng trên địa bàn (SSC 586, SSC 2095, MX 10, MX6, VN 8960...). Chương trình phát triển cây ngô lai đã nâng sản lượng ngô hạt từ 59,9% sản lượng lương thực có hạt (năm 2000) lên 73,8% (năm 2007). Từ năm 2003 đến 2008, các tỉnh trong vùng đã ứng dụng được nhiều tiến bộ công nghệ cải tạo chất lượng và số lượng đàn gia súc, gia cầm hoặc đưa giống mới như các giống bò Zebu: Brahman, Shaiwall, Droughmaster, Charolais, Linusine... vào thay thế dần đàn gia súc năng suất thấp và trồng nhiều giống cỏ mới, tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc địa phương.
Về kỹ thuật canh tác, nhiều tiến bộ công nghệ được chuyển giao ứng dụng trong trồng lúa nước và mở rộng cho các loại cây trồng cạn, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng (ICM) đã giảm thiểu tác hại của sâu bệnh trên đồng ruộng và tác động xấu của thuốc hóa học đối với sức khỏe người nông dân và môi trường.
ứng dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc, chống xói mòn, bảo vệ đất; khôi phục hệ thống cây đai rừng chắn gió, cây che mát cho các vùng chuyên canh cà phê; hướng dẫn nông dân áp dụng chế độ đầu tư chăm sóc, thâm canh cà phê để rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của cây cà-phê từ 4 năm xuống còn 3 năm. Trên cây công nghiệp dài ngày, công nghệ ghép chồi cà phê, điều, đã giúp cho việc cải tạo, thay thế vườn cây, trẻ hóa vườn cây một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Về cơ cấu mùa vụ, đến nay nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất được 3 vụ/năm. Vụ thu đông đang trở thành một vụ sản xuất chính là bước tiến dài trong việc bố trí cơ cấu mùa vụ. Cây ngô lai là cây chủ lực của vụ thu đông sản xuất hàng hóa có thu nhập cao. Nhiều chân ruộng trước đây chỉ trồng một vụ lúa, nay đã tích trữ nước nên bảo đảm gieo trồng được 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa và 1 vụ màu.
Trong lâm nghiệp, khảo nghiệm và phục hồi, mở rộng diện tích các giống cây bản địa như trám hồng, gòn, mò cua, gáo vàng... góp phần bảo tồn giống cây lâm nghiệp bản địa phát triển tốt. Tiến bộ công nghệ cũng được ứng dụng vào trồng rừng công nghiệp tập trung theo hướng thâm canh, xử lý thực bì bằng thuốc diệt cỏ. Công đoạn làm đất trồng rừng, vệ sinh và khai thác rừng bằng cơ giới đã nâng cao sản lượng và chất lượng của sản phẩm rừng.
Khâu chế biến nông, lâm sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất vì nó tạo ra sản phẩm hàng hóa và tăng cao giá trị thu nhập của nghề nông. Nông phẩm hàng hóa của Tây Nguyên nổi trội là cà-phê, cao su và hạt điều. Toàn vùng có 120 doanh nghiệp chế biến cà-phê, trong đó chỉ có 10 doanh nghiệp thực sự làm chế biến được 2.550 tấn/năm cà-phê rang xay và 800 tấn/năm cà-phê hòa tan cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Các cơ sở còn lại chỉ thu mua, sơ chế và xuất sản phẩm thô.
Trong mấy năm gần đây, điều là cây trồng được phát triển mạnh. Đăk Lăk có diện tích trồng điều lớn nhất, chiếm 43,6% diện tích toàn vùng, có 5 doanh nghiệp chế biến hạt điều nhân xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 27.000 tấn/năm với các thiết bị chế biến đều tự thiết kế, chế tạo trong nước, sản xuất còn nặng về thủ công, tuy đạt tỷ lệ nhân nguyên 90% - 95% nhưng khối lượng không cao.
Cao su ở Tây Nguyên có tổng sản lượng khoảng gần 100.000 tấn mủ khô/ năm. Hầu hết sản phẩm được xuất bán ở dạng nguyên liệu. Toàn vùng có 63 cơ sở nhưng chỉ là cơ sở thu mua, sơ chế với tổng công suất 142.000 tấn/ năm. Riêng Đăk Lăk còn có 40 doanh nghiệp nhỏ sản xuất các sản phẩm từ cao su, plastic, tiêu thụ ít nguyên liệu nên phần lớn cao su Đăk Lăk chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều so với xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật Bản...
Hồ tiêu có diện tích trồng chiếm 2% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên, được trồng tập trung ở Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Hiện nay chỉ có 1 cơ sở chế biến ở Gia Lai. Sản phẩm hồ tiêu chủ yếu vẫn là dạng hạt khô phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhưng giá trị không cao, thiếu tính cạnh tranh.
Như vậy, việc chuyển giao các tiến bộ công nghệ ứng dụng trong nông, lâm nghiệp vùng Tây Nguyên tuy đạt một số thành tựu nhưng chưa thực sự tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị và tính cạnh tranh cao.
Những khó khăn và thách thức trong việc ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH - CN
- Sản xuất nông nghiệp bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tập quán sản xuất ở vùng sâu, vùng xa còn manh mún, lạc hậu, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, nông dân chưa được đào tạo kỹ năng. Vì vậy, việc thu hút đầu tư cũng như huy động vốn để thực hiện các dự án ứng dụng chuyển giao KH - CN có tính rủi ro cao hơn so với các lĩnh vực khác.
- Các dự án sản xuất thử nghiệm do Nhà nước đầu tư kinh phí, sau đó lại thu hồi tới 60% tổng kinh phí, nên cán bộ làm công tác chuyển giao gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên nhận chuyển giao là nông dân hoặc doanh nghiệp không hào hứng vì khi áp dụng KC - CN thời gian đầu phải đầu tư thêm công sức cho quản lý và điều hành nhưng chỉ nhận lại giá trị đầu tư 40%, không đáp ứng được so với công sức bỏ ra.
- Các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của các đơn vị nghiên cứu về sản phẩm KH - CN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp như giống, quy trình kỹ thuật (bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, chế biến...). Chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý tình trạng sản xuất một cách tràn lan giống cây trồng và các sản phẩm nông, lâm nghiệp không rõ nguồn gốc.
- Chiến lược, định hướng thu hút đầu tư cũng như huy động vốn vào lĩnh vực này chưa được xác định rõ ràng. Nhà nước mới chỉ đầu tư kinh phí thông qua các chương trình ứng dụng các tiến bộ KH - CN cho nông thôn miền núi, hoặc khuyến nông. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.
Một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH - CN phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp vùng Tây Nguyên
Về quan điểm, đầu tư cho đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao thành tựu KH - CN phải trở thành nhu cầu tự thân và sống còn của các doanh nghiệp, các nông trại, các hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp. Do vậy, việc kết hợp thực hiện nhiều nhóm cơ chế chính sách khác nhau phải vừa tạo động lực đầu tư, vừa sử dụng các công cụ chính sách hỗ trợ, khuyến khích cần thiết nhằm tác động tới các chủ thể có liên quan tới quá trình ứng dụng công nghệ; cần có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng; chính sách và giải pháp thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ gắn liền với việc đào tạo nâng cao năng lực tiếp thu, sử dụng các sản phẩm công nghệ của người dân. Hiện thực hóa các quan điểm trên đây, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để giúp cho người dân được tiếp cận và tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất. Các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KH - CN tham gia đào tạo cần điều tra nắm bắt được những yêu cầu cụ thể đang đặt ra về kỹ thuật, công nghệ và kỹ năng của người dân để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn các tỉnh Tây Nguyên. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông cần được đào tạo phương pháp tiếp cận với người dân, nhất là đồng bào dân tộc bản địa để giúp cho công tác chuyển giao thành tựu KH - CN đạt kết quả tốt nhất. Làm tốt công tác dự báo thị trường nông, lâm sản để định hướng cho người dân sản xuất cái thị trường cần, không nên sản xuất cái mình đang có. Giúp người dân tiếp cận sử dụng các loại máy móc, thiết bị trong bảo quản, sơ chế sản phẩm và chế biến nông sản sau thu hoạch. Giảm tối đa việc bán nguyên liệu thô và những sản phẩm không đạt chất lượng. Hằng năm cần có điều tra đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác có chương trình, đề tài, dự án liên quan đến Tây Nguyên nên ưu tiên giao hoặc chỉ định cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở Tây Nguyên thực hiện.
Hai là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các huyện và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành nông nghiệp, trước hết ưu tiên cho vùng đã quy hoạch hàng hóa nông sản tập trung. Theo đó, cần tập trung vào công tác quy hoạch; đẩy nhanh tốc độ điện khí hóa trong toàn vùng; phát triển hệ thống giao thông; đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ để chủ động tưới, tiêu cho vùng sản xuất nông sản hàng hóa; đầu tư xây dựng hệ thống chợ bao gồm chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ nông thôn để mở rộng thị trường trao đổi hàng hóa; phát triển hệ thống công nghệ thông tin giúp cho người dân nâng cao hiểu biết về tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới.
Ba là, Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH - CN. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng cơ chế gắn kết hoạt động nghiên cứu với triển khai và chuyển giao công nghệ để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Tạo lập thị trường cho hoạt động khoa học, gắn lợi ích hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất thử nghiệm với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ tuyệt đối và tạo điều kiện để các sản phẩm trí tuệ được trao đổi, chuyển nhượng, mua bán cho người có quyền sở hữu.
Nghiên cứu thị trường và thiết lập, mở rộng các quan hệ liên kết trong xuất khẩu nông, lâm sản, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm sản qua chế biến. Gắn kết chặt lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các áp lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế khác. Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia xây dựng, cải tiến và đổi mới mẫu mã, thương hiệu sản phẩm. Gắn việc quảng bá sản phẩm với hoạt động du lịch, dịch vụ.
Với nông dân, Nhà nước cần có khung chính sách đồng bộ tạo điều kiện cho họ tự nguyện tham gia làm chủ các hợp tác xã để phát huy được sức mạnh kinh tế tập thể. Có cơ chế khuyến khích, thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao vào làm việc ở các hợp tác xã; hỗ trợ, đào tạo chuyên môn về kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại và nông dân để họ nắm được các kỹ năng sản xuất đúng theo yêu cầu thị trường; hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các hợp tác xã; tạo điều kiện để nông phẩm của người sản xuất được tiêu thụ ổn định thông qua việc gắn kết với các cơ sở chế biến, các hợp tác xã và các doanh nghiệp...
Bốn là, huy động vốn và thu hút đầu tư vào các dự án ứng dụng chuyển giao KH - CN trong ngành nông, lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Các địa phương trong vùng cần tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lập danh mục các dự án và kêu gọi đầu tư. Hằng năm hoặc định kỳ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo căn cứ vào kết quả nghiên cứu và nhu cầu của thực tiễn xây dựng danh mục các dự án chuyển giao để kêu gọi đầu tư hoặc huy động vốn. Nguồn đầu tư có thể từ Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài nước. Vấn đề là dự án phải bảo đảm tính khả thi, có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm là, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến tri thức KH - CN thông qua việc tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan khoa học, cơ quan khuyến nông với các cơ quan truyền thông; cung cấp thông tin, in ấn tài liệu kỹ thuật cấp phát cho nông dân và đưa tin trên bảng tin là một công cụ có tác động rất lớn đến nhận thức của người dân; phát hành ấn phẩm sách kỹ thuật, tạp chí khuyến nông, băng hình, tờ rơi về kỹ thuật để hướng dẫn cho nông dân, tác động hằng ngày tới người dân để họ có thể đọc, nghe nhiều lần và nhớ lâu hơn.
Sáu là, đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước về KH - CN
Hiện nay, tổ chức quản lý KH - CN mới được thiết lập và hoạt động từ trung ương đến cấp huyện. ở tuyến xã, phường, thị trấn việc thành lập trung tâm học tập cộng đồng phần nào đã giúp cho công tác khuyến nông, khuyến công. Song, nhìn chung ở cơ sở việc ứng dụng chuyển giao KH - CN rất hạn chế, do vậy cần đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, trước hết là kiện toàn tổ chức quản lý KH - CN ở cấp cơ sở và huyện. ở các xã, phường cần có bộ phận giúp việc chuyển giao, ứng dụng KH - CN phục vụ sản xuất tại chỗ và tiếp tục củng cố các trung tâm học tập cộng đồng. Trao quyền tự chủ cho các tổ chức KH - CN và phát huy vai trò của Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật ở tỉnh trong việc phổ biến, ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học vào thực tiễn
Bảy là, đổi mới phương thức chuyển giao thành tựu KH - CN phù hợp với đặc thù kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên bằng cách gắn hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với nhiệm vụ đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực tại chỗ. Chỉ có nhân lực địa phương mới gắn bó lâu dài và có điều kiện tốt nhất để triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Khi giao kinh phí cho các đề tài, dự án phải có thêm mục chi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đề nghị các cơ quan trung ương cấp kinh phí, giúp các địa phương và các trường đại học thực hiện những nhiệm vụ khoa học cụ thể theo địa chỉ và nhu cầu áp dụng trực tiếp. Đồng thời, các trường và các cơ quan nghiên cứu khi lựa chọn mô hình, dự án, mô hình triển khai phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của các tỉnh để xây dựng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua thực tiễn nghiên cứu và triển khai các dự án cho thấy, tiến bộ KH - CN định hướng ưu tiên cho vùng Tây Nguyên hiện nay chủ yếu là giống mới, giống có ưu thế lai, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ chế biến sâu nông, lâm sản. Các tỉnh trong vùng cũng xác định đây là biện pháp trọng tâm, đột phá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho nền nông nghiệp Tây Nguyên./.
Tố cáo tham nhũng sẽ được xét thưởng mức cao nhất là Huân chương Dũng cảm với tiền thưởng gần 25 triệu đồng  (18/05/2011)
Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng  (18/05/2011)
Trao giải các tác phẩm xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010  (18/05/2011)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức  (18/05/2011)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (18/05/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên