Theo thông lệ, Hội thảo bàn tròn trước Đối thoại PCTN được tổ chức để đại diện các cơ quan của Việt Nam, các tổ chức trong nước, quốc tế và các chuyên gia cùng thảo luận sâu, chi tiết về các báo cáo chuyên đề liên quan đến chủ đề của Đối thoại. Các báo này sau đó sẽ được tổng hợp lại và hoàn thiện để trình bày tại hội nghị Đối thoại PCTN.

 

Chuẩn bị cho Đối thoại PCTN lần thứ 9, ngày 16 và 17 tháng 5, Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các nhà tài trợ quốc tế. Chủ đề của Hội thảo nhằm đáng giá: “những tiến triển trong công tác PCTN trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai sau kỳ Đối thoại về PCTN lần thứ 8 đến nay” và nội dung của kỳ Đối thoại lần thứ 9 sắp tới: “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản”. 

Từ sau kỳ Đối thoại lần thứ 8 với chủ đề: “phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai” đến nay, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các tham luận và ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự Hội thảo, công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai đã nhiều tiến triển rõ nét. Các cơ quan chức năng đã và đang tiếp thu thực hiện những ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, các nhà tài trợ quốc tế tại Hội nghị đối thoại lần thứ 8 cụ thể: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; ban hành quy trình trong các khâu quản lý đất đai theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục; mở rộng và xây dựng hệ thống thông tin về đăng ký đất đai. Hiện nay, Bộ TNMT đang làm thí điểm ở 8 tỉnh; tăng cường minh bạch trong công tác quy hoạch, trong giao đất, thu hồi đất, định giá đất, tạo lập các cơ chế để tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của công chức; của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý và sử dụng đất đai; công tác chấn chỉnh quản lý các hoạt động trong lĩnh vực quản lý đất đai, công khai minh bạch các thủ tục, cải cách thủ tục hành chính,

Công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật đất đai năm 2003, tìm ra các kẽ hở, nhưng bất cập để có biện pháp xây dựng, hoàn chỉnh Luật pháp về đất đai nhằm chấm dứt cơ chế xin cho trong giao đất, cấp đất, cho thuê đất là những kẽ hở dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực đang đựoc triển khai. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá để có cơ sở bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 cho phù hợp. Thanh tra Chính phủ cũng đang triển khai cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc về quản lý và sử dụng đất đai nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và nhất là đáng giá một cách toàn diện những cái đựoc, chưa được vè cơ chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở đó kiến nghị việc sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Ý kiến của các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc quan trọng nhất là chuẩn bị tốt việc xây dựng Luật Đất đai mới trên nguyên tắc xoá bỏ mọi nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai. Luật Đất đai mới cần xây dựng trên nguyên tắc của một hệ thống quản trị tốt với đất đai bao gồm: độ minh bạch cao nhất về thông tin quản lý; trách nhiệm giải trình cao nhất của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống quản lý; động viên cao nhất sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quản lý. Đây chính là những nguyên tắc tạo nên quá trình giám sát tốt đối với tính độc quyền của hệ thống hành chính trong quản lý, tính cửa quyền của người có thẩm quyền quản lý, nhằm giảm nguy cơ tham nhũng do chủ quan của hệ thống quản lý gây ra.