(Hình ảnh cuối cùng của cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, ngay trước khi bà bị ám sát trong vụ tấn công bằng súng và bom tại thành phố Rawalpindi. Ảnh: Reuters.)

Chiều 27-12-2007, ngay khi đang rời một cuộc vận động tranh cử ở Rawalpindi, cựu thủ tướng Pakistan - Bà Benazir Bhutto bị ám sát. Vụ nổ xảy ra ngay sát một cổng vào của khu công viên thành phố Rawalpindi, nơi bà có bài phát biểu trước đám đông những người ủng hộ.

Theo một nguồn tin cho biết, kẻ đánh bom cảm tử đã lái xe môtô lao thẳng vào ngay bên cạnh xe ôtô chở bà Bhutto khi bà vừa rời khỏi nơi diễn thuyết ít phút. Bà bị chết bởi có quá nhiều vết thương trên cơ thể, hiện chưa rõ những vết thương này do bị bắn hay do những mảnh bom của vụ đánh bom cảm tử gây nên. Ngoài bà Bhutto, còn có ít nhất 20 người thiệt mạng trong vụ tấn công và nhiều người khác bị thương, do kẻ tấn công cho nổ quả bom mang theo.

Theo một thỏa thuận “chia sẻ quyền lực” với Tổng thống Pervez Musharraf, Bà Benazir Bhutto, sinh năm 1953, từng hai lần làm thủ tướng Pakistan (năm 1988 và 1993), mới hồi hương ngày 18 tháng 10 vừa qua, sau những năm tháng sống lưu vong ở nước ngoài. Tuy nhiên, ngay trong ngày về nước, bà Bhutto đã phải chứng kiến một vụ tấn công đẫm máu nhằm vào những người ủng hộ đi đón mình tại thành phố Karachi. Hai vụ đánh bom tự sát diễn ra ngay gần chiếc xe chở bà, làm chết tổng cộng 130 người và hàng trăm người khác bị thương. Sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6-10 vừa qua, Bà Bhutto đã hai lần bị quản thúc tại gia, bà đã cáo buộc ông P.Musharraf “tiến hành cuộc đảo chính lần thứ hai” khi ban bố “tình trạng khẩn cấp” và kêu gọi các đảng phái đối lập mở một liên minh rộng khắp chống lại Tổng thống.
 

Nhiều tháng qua, cựu Thủ tướng lưu vong Pakistan, bà B.Bhutto đã thoả hiệp với ông P.Musharraf là bà sẽ ủng hộ ông làm Tổng thống và đổi lại, bà phải được tự do về nước để lãnh đạo Đảng PPP của bà trong cuộc tranh cử. Bà B.Bhutto sẽ chỉ đạo các nghị sĩ Đảng PPP của bà ủng hộ ông P.Musharraf tranh cử tổng thống. Để đạt sự thoả thuận đó, phía ông P.Musharraf cũng phải chấp nhận một cuộc “chia sẻ quyền lực” về các điều khoản yêu cầu đặt ra từ phía B.Bhutto là phải ân xá cho toàn bộ các chính trị gia Pakistan phạm tội trong giai đoạn 1988- 1999. Không chỉ thế, để được sự ủng hộ của bà B.Bhutto và Đảng PPP, ông P.Musharraf còn phải thực sự từ chức Tổng tư lệnh; từ bỏ quyền giải tán Quốc hội và quyền cách chức Thủ tướng; đồng thời ông phải cùng Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để cho phép một Thủ tướng (như bà) có thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào đầu năm 2008.

Ngay sau cái chết của bà Bhutto, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp trong nhiều giờ.

Cảnh sát yêu cầu các công dân không xuống đường để tránh những cuộc bạo loạn tiếp theo. Tuy nhiên ở Karachi và các thành phố khác, những người biểu tình phản ứng việc sát hại bà Bhutto đã đốt phá và gây ách tắc trên nhiều tuyến đường. Cảnh sát đã nổ súng vào đám đông làm ít nhất 2 người chết tại thành phố Khairpur thuộc tỉnh Sindh.

Ông Mahmud Ali Durrani, Đại sứ Pakistan tại Mỹ nói, ông Musharraf sẽ tuyên bố một điều gì đó ngay lập tức, trong đó có việc tuyên bố quốc tang cho bà Bhutto. Ông này cho hay, trong khi điện đàm với Tổng thống, ông Musharraf đã “chỉ trích vụ tấn công” đẫm máu này.

Ngay sau vụ sát hại gây chấn động này, Tổng thống Mỹ Bush đang đi nghỉ lễ Noel tại một trang trại ở Taxas, đã tuyên bố: “Chúng tôi lên án những hành động bạo lực ngày hôm nay xảy ra tại Pakistan”, người phát ngôn Nhà Trắng cho hay. Các nước như Anh, Pháp, Nga,Ấn Độ cùng nhiều nước khác đã lên tiếng chỉ trích hành động ám sát dã man bà Benazir Bhutto. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Losyukov bày tỏ lo ngại rằng vụ ám sát trên có thể tạo ra một làn sóng khủng bố tại đây.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey tuyên bố vụ đánh bomtrên chứng tỏ có những kẻ đang cố phá hoại tiến trình xây dựng dân chủ tại nước này.

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner chỉ trích mạnh mẽ vụ ám sát bà Bhutto và cho đây là một "hành động ghê tởm".

Vào lúc 17 giờ GMT, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình ở Pakistan sau khi bà Bhutto bị ám sát.

Sau sự kiện này, Pakistan - mảnh đất nóng bỏng sẽ còn trở nên nóng bỏng hơn. Người ta nhớ lại khi trả lời câu hỏi của Newsweek về việc có lo ngại trước tình hình hiện nay ở nước mình không, bà Benazir Bhutto đã nói: “Bây giờ là thời kỳ của những điều không chắc chắn. Tôi không biết mọi việc sẽ được giải quyết như thế nào. Nếu có thể giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp chính trị, hoặc nếu sớm có giải pháp quân sự, quân đội Pakistan sẽ vượt qua khó khăn. Nhưng nếu phong trào chống đối lớn diễn ra, gây áp lực cho quân đội, đất nước tôi sẽ rơi vào một thời kỳ khó khăn. Không chỉ Pakistan mà tất cả các quốc gia Hồi giáo khác cũng vậy, vì Pakistan là nước Hồi giáo lớn thứ hai và có vũ khí hủy diệt nên những gì xảy ra ở nước tôi sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến toàn bộ thế giới Hồi giáo. Chúng ta cần nhanh chóng tìm và thực hiện một giải pháp chính trị hoặc quân sự nào đó”.

Mong rằng sẽ sớm có một giải pháp phù hợp để yên bình trở lại trên đất nước Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới này.