Nhân dân mong muốn báo chí góp phần khẳng định hướng đi tương lai của dân tộc; chỉ ra các thời cơ, thách thức; khuyến khích tìm ra các giải pháp để khai thác thời cơ, vượt qua những thách thức từ cấp cơ sở tới cấp Trung ương; đồng thời giới thiệu những điển hình tiên tiến của các địa phương, đơn vị, cá nhân, tập thể lao động sáng tạo hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Website Chính phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí (được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 28-12-1989); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (được Quốc hội khóa X thông qua ngày 12-6-1999) được tổ chức tại Hà Nội, sáng 24-12.

Luật Báo chí là một trong những Luật được tuyên truyền, phổ biến khá sâu rộng trong xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, từ năm 1999 đến nay, qua hơn 8 năm thi hành, Luật Báo chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan có những bước phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Đến nay, toàn quốc đã có một hệ thống báo chí khá hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương với 702 cơ quan báo chí ở các loại hính báo in, phát thanh truyền hình, báo điện tử; 15.000 nhà báo được cấp thẻ.

Báo chí đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân. Thông qua các loại hình báo chí, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân.

Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp lần thứ 6 thông qua ngày 28-12-1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-01-1990. Ngày 12-6-1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Đánh giá hoạt động của báo chí trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, báo chí đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Báo chí ngày càng khẳng định là phương tiện thông tin đại chúng, là cơ quan phát ngôn của các tổ chức của Đảng, Nhà nước, xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Trong 8 năm qua, từ khi Luật Báo chí được sửa đổi, báo chí đã đồng hành cùng với dân tộc trong những giai đoạn hết sức có ý nghĩa, rất nhạy cảm và đầy thách thức. Chính phủ và nhân dân mong đợi ở sự phát triển không ngừng hơn nữa của báo chí.

Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với cả nước, báo chí cũng góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa thể dục thể thao; cải cách hành chính và chống tham nhũng; xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh sự giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam của bạn bè quốc tế, cũng có những thế lực lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định xã hội, làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, báo chí phải góp phần làm cho thế giới hiểu rõ thực tiễn Việt Nam hiện nay, đồng tình và ủng hộ những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; đồng thời báo chí góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, chăm lo sức khỏe cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Định hướng và gợi mở cho hoạt động của báo chí trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, đặc điểm hoạt động của báo chí là sản phẩm báo chí chi phối nhận thức tình cảm của xã hội vì vậy trách nhiệm của các cơ quan báo chí, nhà báo và lãnh đạo quản lý báo chí rất cao. Chất lượng của đội ngũ nhà báo và quản lý báo chí có ý nghĩa quyết định. Vì vậy cần phải chỉ rõ những nhân tố quyết định chất lượng và tìm giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ nhà báo và quản lý báo chí; đồng thời xem xét Luật báo chí xung quanh vấn đề này đã đáp ứng chưa, nếu còn hạn chế thì phải khắc phục.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đặc thù của báo chí là phải cạnh tranh, có chia sẻ thông tin, có sáng kiến và có nét riêng nhưng trên tiêu thức chung là thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của Nhà nước và nhân dân; phải phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; cần tìm rõ nguyên nhân và khắc phục tình trạng viết sai sự thật và thương mại hóa trong báo chí vẫn chưa giảm trong thời gian vừa qua.