Bức tranh tổng quan về dân số ở Việt Nam
Những thành tựu quan trọng về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình của nước ta trong thời gian qua đã được Liên hiệp quốc trao tặng bằng khen và đưa Việt Nam trở thành một trong những khuôn mẫu thực hiện công tác này. Đó là kết quả rất đáng khích lệ của cả một quá trình phấn đấu lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Nhà nước và Chính phủ. Tuy nhiên, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở nước ta thực chất chưa ổn định và vẫn còn nhiều biến động.
Vài nét về sự phát triển dân số Việt Nam
Cho đến nay, tuy tỷ lệ tăng dân số ở nước ta đã được kiềm chế nhưng trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, bình quân mỗi năm, Việt Nam vẫn có thêm 1 triệu người. Đến giữa thế kỷ, theo ước tính sẽ có 115 triệu người và rất có thể sẽ giữ ổn định ở mức này nếu công tác dân số được thực hiện tốt.
Việt Nam bắt đầu thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) từ năm 1961. Đảng và Nhà nước đã giao công tác này cho ngành y tế đảm nhiệm. Dân số nước ta lúc đó khoảng 30 triệu người, đến năm 1990 đã tăng lên 70 triệu người (gấp 2,2 lần năm 1961), số con của mỗi cặp vợ chồng là 3,8 con, tỉ lệ phát triển dân số vẫn còn ở mức hơn 2%, cách rất xa mục tiêu phải giảm xuống 1,7% đã được đề ra trong các nghị quyết của 3 kỳ Đại hội Đảng IV (năm 1976), V (1981) và VI (1988).
Trước thực trạng đó, năm 1991, Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thành lập một cơ quan chuyên trách công tác DS - KHHGĐ (Nghị định 193/CP ngày 21-6-1993). Cơ quan này được tách từ Bộ Y tế và có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, độc lập từ trung ương tới địa phương, thực hiện quản lý điều hành công tác DS - KHHGĐ theo chương trình, được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm. Chính từ đó, công tác DS - KHHGĐ đã từng bước đạt kết quả tốt, thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) sớm hơn 10 năm so với thời gian dự kiến.
Chỉ trong thời gian 15 năm (từ 1991 đến 2006), mức sinh đã giảm rất nhanh, số con trung bình của một cặp vợ chồng chỉ còn 2,09, tỉ lệ phát triển dân số chỉ còn 1,26% và dân số tăng từ 70 triệu năm 1990 lên 84 triệu năm 2006. Nếu không có cải cách tổ chức, bộ máy được thực hiện năm 1991 và vẫn giao công tác này cho ngành y tế, giữ cách làm như giai đoạn 1961-1990 thì dân số nước ta năm 2006 chắc chắn không dưới 100 triệu người như dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc thay vì 84 triệu. Việc tránh được hơn mười triệu người sinh ra trong 15 năm đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao GDP bình quân đầu người, giảm bớt sức ép về dân số đối với kinh tế - xã hội, việc làm, môi trường và xóa đói giảm nghèo. Về thành quả tốt đẹp này, Việt Nam đã được tặng giải thưởng Dân số Liên hiệp quốc năm 1999.
Hiện nay, dân số nước ta đã hơn 84 triệu người, là nước đông dân thứ 13 trên thế giới; mật độ dân số 252 người/km2 thuộc loại cao nhất thế giới. Dù tốc độ tăng dân số đã được khống chế bước đầu, song do mức sinh trong những năm 80 của thế kỷ trước rất cao với mức trung bình gần 2 triệu người được sinh ra mỗi năm, nay số này bước vào thời kỳ sinh đẻ mạnh nhất, nên dù có cố gắng hết mức thì mỗi năm dân số nước ta cũng sinh ra thêm hơn 1,6 triệu trẻ em.
Trong bối cảnh là nước nghèo, kinh tế - xã hội kém phát triển, 73% dân số nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lại chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo về sinh con, coi trọng con trai hơn con gái, do đó kết quả đạt được trong công tác này hiện nay là chưa vững chắc. Chỉ cần “lơi lỏng” một chút, chắc chắn tỷ lệ phát triển dân số sẽ tăng mạnh trở lại. Năm 2003, khi Pháp lệnh Dân số ban hành, trong đó chỉ có một vài nội dung chưa thật chặt chẽ đã kịp đưa tỷ lệ sinh con thứ 3 trong cán bộ, đảng viên tăng vọt và tỷ lệ phát triển dân số đã tăng lên 0,15% trong vòng 1 năm (1,47% năm 2003 so với 1,32% năm 2002). Năm 2007 là năm “Lợn vàng”, được coi là năm tốt theo quan niệm của người Á Đông, nên mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2007, số trẻ em sinh ra đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2006. Đây quả là những điều đang lo ngại về sự gia tăng đột biến về dân số nếu như trong những năm tới chúng ta chưa có những biện pháp “đủ mạnh” để kiềm chế sự gia tăng đột biến đó.
Một số đặc điểm cơ bản của dân số nước ta hiện nay
- Dân số trẻ nhưng đang bước vào thời kỳ chuyển sang già. Năm 1999, tỷ lệ trẻ từ 14 tuổi trở xuống là 33%; những người sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng (1975) ước chiếm 63% tổng dân số hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em giảm khá nhanh, còn tỷ lệ người cao tuổi lại tăng. Tỷ lệ người cao tuổi (69 tuổi trở lên) hiện chiếm khoảng 9%, sẽ tăng lên nhanh, do sự già hoá của thế hệ sau Cách mạng Tháng Tám và mức sinh giảm, đạt tới mức thay thế.
Tỷ số phụ thuộc (tổng số trẻ em và người già bình quân cho một người trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 59) không ngừng giảm: năm 1979 là 0,95, năm 1989 là 0,86 và năm 1999 là 0,7. Theo dự báo, tỷ lệ này đến năm 2014 chỉ còn khoảng 0,48. Đây là “cơ hội dân số vàng”, hay “dư lợi dân số”, tức là mỗi người lao động gánh nhẹ dần số người ăn theo, tạo điều kiện tốt cho kinh tế quốc dân, kinh tế gia đình có tiết kiệm để đầu tư phát triển. Thực tế nói trên cho thấy khoảng 2 thập kỷ qua, Việt Nam không chỉ đổi mới nhanh chóng về kinh tế - xã hội mà còn đổi mới nhanh chóng các thế hệ dân số.
- Quy mô dân số lớn, phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2005, Việt Nam có khoảng 83,1199 triệu người. Mật độ lên tới 252 người/km2; vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) khoảng 1.200 người /km2, nhiều tỉnh “thuần nông” như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh,... mật độ cũng lên tới trên 1.100 người/km2. Các chuyên gia của Liên hiệp quốc tính toán, để có cuộc sống thuận lợi, bình quân trên 1km2 chỉ nên có 35 - 40 người. Như vậy, ở Việt Nam, mật độ dân số đã gấp khoảng 6-7 lần “mật độ chuẩn”. Căn cứ vào chỉ báo này, có thể khẳng định: Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số rất lớn.
- Dân số phân bố không đều. Trong 8 vùng kinh tế - sinh thái, 42,8% dân số tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, diện tích đất đai của hai vùng này chỉ chiếm 16,6%. Mật độ dân số ở các tỉnh rất khác nhau. Năm 1999, trung bình trên mỗi km2 đất ở Thái Bình có 1.194 người, trong khi đó ở Kon Tum chỉ có 32 người/km2, tức là hơn kém nhau đến gần 40 lần. Mặt khác, vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn 1988 - 1998 vào đồng bằng sông Hồng gấp 176 lần Tây Nguyên, còn Đông Nam Bộ gấp 307 lần. Thực trạng này chứa đựng tiềm năng di cư lớn. Riêng giai đoạn 1990-1997, đã có 1,2 triệu dân di chuyển tới các vùng theo dự án. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, luồng di dân tự do đến không ngừng tăng lên. Ví dụ, giai đoạn 1981-1985, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm 130.000 người; giai đoạn 1986-1990, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm 185.000 người; giai đoạn 1991-1996, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm 213.000 người.
Hướng di dân cũng đã thay đổi đáng kể, từ nông thôn tới miền núi phía Bắc trước năm 1975, đến di dân từ miền Bắc tới miền Nam và chuyển sang hướng di dân từ nông thôn tới đô thị và từ trong nước ra nước ngoài vào những năm gần đây. Khoảng 10 năm trở lại đây, số phụ nữ lấy chồng nước ngoài khá lớn và có xu hướng tăng, đặc biệt là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính đến đầu năm 2004, đã có gần 80.000 phụ nữ lấy chồng Đài Loan, gây ra nhiều hậu quả phức tạp về nhiều mặt: dân số, pháp lý, tâm lý xã hội…
- Chất lượng dân số chưa cao. Về thực lực: trên phạm vi toàn quốc, theo điều tra y tế quốc gia 2002, tỷ lệ trẻ sơ sinh nặng dưới 2500g là 5,6%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thuộc diện thấp còi (thấp hơn so với lứa tuổi) 33%; trẻ em có cân nặng theo tuổi thấp 25,7%, béo phì: 1,3%. Năm 2004, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn cao, ở mức 26,6%, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc. Ngoài ra, còn hàng triệu trẻ em tàn tật, bị mắc bệnh bẩm sinh, ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Về trí lực: 1,5 triệu dân thiểu năng về thể lực và trí lực. Năm 2003, lao động của Việt Nam có 4,5 triệu mù chữ, 47% mới có trình độ tiểu học, 30% tốt nghiệp trung học cơ sở và 18,5% tốt nghiệp trung học phổ thông. 79% lao động từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khu vực nông thôn, tỷ lệ này lên tới 87%, trong khi đó những lao động có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 1,85%.
Về tâm lực: tội phạm, tiêu cực xã hội có xu hướng tăng. Trong đó, trẻ em làm trái pháp luật tăng nhanh.
- Tỷ lệ dân đô thị thấp. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2004, tỷ lệ dân đô thị mới đạt 26,3%. Ngay vùng đồng bằng sông Hồng có hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng, nhưng tỷ lệ dân đô thị chỉ có 23,8%. Nhiều tỉnh, tỷ lệ dân đô thị chưa đến 10% như: Thái Bình 7,2%, Hà Nam 9,6%, Hà Tây 9%... Như vậy, nhìn một cách tổng quan, Việt Nam vẫn là một đất nước “tam nông” (nông thôn, nông nghiệp và nông dân). Đây là cơ sở vật chất hình thành nên nhu cầu nhiều con và cần có con trai.
- Mất cân bằng giới tính. Việt Nam là một trong những nước có tỷ số giới tính (số nam tương ứng với 100 nữ) thấp và không ổn định (năm 1989 tỷ số là 94,7; năm 1999 là 96,7). Nhóm từ 0 đến 4 tuổi, tỷ số giới tính không ngừng tăng, nghĩa là trẻ em trai ngày càng nhiều hơn trẻ em gái cùng nhóm tuổi (năm 1989 là 106,5 và năm 1999 là 109). Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 1999, tỷ số giới tính đó của trẻ sơ sinh ở nhiều tỉnh rất cao, ở mức không bình thường, như: An Giang 128, Kiên Giang 125, Kon Tum - Sóc Trăng 124, Ninh Thuận - Bình Phước 119, Quảng Ninh 118, Thanh Hoá 116;...
Vùng Đồng bằng sông Hồng, theo điều tra mức sống dân cư năm 1997-1998, tỷ số giới tính của trẻ em từ 1 đến 4 tuổi cao nhất nước: 116. Còn theo kết quả Tổng điều tra Dân số năm 1999: hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đều có biểu hiện cao một cách trái quy luật: Hà Nội là 110, Hải Phòng 118, Hà Tây 114, Hải Dương 120, Hà Nam 113, Nam Định 111, Thái Bình 120, Ninh Bình 113... Tỷ số giới tính ở nước ta đang có xu hướng tăng nhưng vẫn đang nằm trong mức bình thường của thế giới. Tuy nhiên, hiện 16 tỉnh đã có tỷ số này ở mức báo động: 115 (mức chuẩn là 105-107 ).
- Mức sinh giảm nhưng chưa ổn định. Mức sinh của Việt Nam bắt đầu giảm từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt giảm nhanh từ năm 1993 trở lại đây. Năm 2004, có khoảng 75,7% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai, ở mức này, nói chung đã có thể đạt được mức sinh “thay thế”, nghĩa là trung bình mỗi người phụ nữ khi hết tuổi sinh đẻ có 2 con. Mặt khác, mức sinh có sự khác biệt rất lớn giữa nông thôn, thành thị, giữa các vùng địa lý kinh tế, các tỉnh và giữa các nhóm xã hội. Năm 1999, tổng tỷ suất sinh bình quân cả nước là 2,33 và năm 2005 là 2,11; trong đó, năm 1999 ở thành thị mức tương ứng là 1, 59 và 1,73, còn ở nông thôn mức tương ứng là 2, 54 và 2,28.
- Mức chết thấp, ổn định. Năm 2005, tỷ suất chết thô của toàn quốc là 5, 34 %o - vào loại thấp thế giới. Tuy nhiên, ở Tây Bắc, tỷ lệ này cao gấp 1, 5 lần Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tỷ lệ chết trẻ sơ sinh rất khác nhau giữa các vùng. Nếu như tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng là 10 %o thì ở Tây Nguyên, Tây Bắc là 34 %o.
- Quy mô gia đình nhỏ nhưng phức tạp và dễ “vỡ”. Quy mô trung bình của một gia đình Việt Nam đã giảm từ 5,2 người (năm 1979) xuống 4,8 người (1989) và 4,5 người (2001). Năm 1994, gia đình hạt nhân, tức là gia đình chỉ có vợ chồng hoặc bố mẹ và các con chiếm tới 67,4% tổng số gia đình. Kế hoạch hoá gia đình và hạt nhân hoá gia đình là nguyên nhân chính làm cho quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, số cặp vợ chồng ly hôn hàng năm không ngừng tăng và mang tính “đột biến”, tức là gia đình dễ “vỡ” hơn. Sự phát triển của thị trường, sự hội nhập quốc tế và giao lưu văn hoá diễn ra mạnh mẽ đang đặt gia đình trước những thách thức mới mà hậu quả là tính ổn định, tính bền vững giảm đi. Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao, giai đoạn 1977- 1982, trung bình mỗi năm có 5.672 vụ ly hôn. Trong khi đó, chỉ riêng năm 1991 đã có 22.000 vụ, năm 1994 là 34.376 vụ, năm 1994 là 35.684 vụ, năm 1996 là 44.063 vụ, năm 2000 lên tới 51.361 vụ, năm 2002 là 56.478 vụ, gấp 10 lần so với giai đoạn 1977 - 1982.
- Chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn đứng trước nhiều thách thức. Hiện nay, số ca nạo phá thai hằng năm bằng số ca sinh. Số ca nạo phá thai trong y tế nhà nước: năm 1992 là 1,33 triệu, năm 1993 là 1,2 triệu, năm 1994 là 1,25 triệu, năm 1995 là 1,2 và năm 1996 là 1,22 triệu. Nước ta được xếp vào nhóm nước có mức nạo phá thai cao nhất thế giới. Đặc biệt trong số này, vị thành niên và thanh niên trẻ khoảng 300.000 ca. Tỷ lệ vô sinh trong cả nước, chiếm khoảng 13%. Theo khảo sát, 82% số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đang có chồng đã ít nhất 1 lần thực hiện nạo hút thai.
Tỷ lệ phá thai ở các vùng trong nước năm 2001 cao nhất là Tây Bắc, tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng, Đông Bắc, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Một điều đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ở Đồng bằng sông Hồng cao nhất so với các vùng trong cả nước nhưng tỷ lệ phá thai vẫn cao, chứng tỏ chất lượng dịch vụ và tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu.
Tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản ở nữ nông thôn dao động từ 32,7 đến 70,56%. Một nghiên cứu mới đây tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá cho thấy, 66% phụ nữ đến khám và quản lý thai nghén ở đây bị viêm đường sinh dục dưới. Tỷ lệ này ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 72%. Trong toàn quốc, có khoảng 70% phụ nữ tuổi sinh đẻ mắc ít nhất 1 bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; trong đó phổ biến nhất là viêm cổ tử cung, nấm âm đạo và viêm âm đạo. Rất ít phụ nữ biết về các bệnh lây qua đường tình dục và cách phòng tránh.
Trong số các cặp vợ chồng có sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ gần 8% dùng bao cao su và 11% dùng thuốc viên uống trong khi đây là những phương pháp có hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt là tỷ số nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh. Số người nhiễm HIV /AIDS đã được phát hiện tính đến tháng 9-2005 là 101.291 người, gấp hơn 40 lần 10 năm về trước (nam chiếm khoảng 85%, nữ 15%). 100% số tỉnh, 93% số huyện và 50% số xã có người nhiễm HIV.
Huy động 90.000 tỉ đồng qua thị trường chứng khoán  (25/12/2007)
Thu hút vốn FDI đạt 20,3 tỉ USD  (25/12/2007)
2.349 hợp tác xã được thành lập trong 3 năm qua  (25/12/2007)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 30-11-2007 đến ngày 18-12-2007  (25/12/2007)
Chất lượng dân số Việt Nam trong thời kỳ hội nhập  (25/12/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay