TCCS - Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước là một trong các mục tiêu trong Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Để đạt được mục tiêu này, việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển ứng dụng công nghệ cao được cho là một trong các giải pháp quan trọng.
Thu hút đầu tư FDI vào ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội
Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư công nghệ cao. Không chỉ tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư mà Hà Nội còn đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp (KCN), nhất là khu công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đang đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn FDI lớn khẳng định sẽ lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong những năm gần đây, Hà Nội trở thành điểm sáng về thu hút FDI của cả nước. Tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố có hơn 6.300 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 46,8 tỷ USD. Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, song Hà Nội vẫn thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI và 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Riêng tháng 3-2021, thành phố Hà Nội có 34 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,5 triệu USD, trong đó có 29 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 5 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 47,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 8,2 triệu USD. Lũy kế quý I-2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp phép mới và bổ sung vốn đạt 101,5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp quý I-2021 đạt 50,7 triệu USD.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh góp phần lớn không chỉ thu hút các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài lớn đến đầu tư vào các KCN tại Hà Nội ngày càng nhiều. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, năm 2020, các KCN ở Hà Nội vẫn thu hút đầu tư được 11 dự án mới với vốn đăng ký là 32,8 triệu USD và 144,4 tỷ đồng; 21 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký là 72,9 triệu USD và 147 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 118,2 triệu USD quy đổi. Trong năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt chỉ tiêu tổng vốn thu hút đầu tư đạt khoảng 300 triệu USD.
Ngoài những KCN lớn mà Hà Nội tiếp tục triển khai, hiện trên địa bàn thành phố còn Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với khoảng 700ha chưa lấp đầy, có thể đón các nhà đầu tư. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 94 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 91.250 tỷ đồng, trong đó có 55 dự án đang hoạt động. Với những cơ chế và ưu đãi các doanh nghiệp vào khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ thu hút nhiều tập đoàn lớn đưa các công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào triển khai tại Khu công nghệ cao. Trong năm 2021, Ban quản lý tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho các hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, kịp đón đầu làn sóng dịch chuyển của đất nước, trong khu vực và thế giới.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư FDI, nhất là lĩnh vực công nghệ cao… Các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ. Hiện tại, một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9-1-2021. Khi hoàn thành, Trung tâm sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Có thể khẳng định, FDI đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, song chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra cho thu hút công nghệ cao, vẫn còn một số hạn chế, như các mặt hàng chủ yếu là gia công, lắp ráp; máy móc, thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao chuyển giao còn hạn chế; hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp FDI còn ít; sức lan tỏa về công nghệ, văn hóa kinh doanh, về quản trị chưa cao; một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường;…
Một số giải pháp cho thời gian tới
Để thu hút vốn FDI phát triển ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chuẩn bị yếu tố đầu vào để đón đầu dòng vốn dịch chuyển; chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề, mặt bằng sản xuất và các điều kiện về năng lượng (đặc biệt là điện) để đón nhận các dòng vốn dịch chuyển sản xuất; tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Hai là, hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố.
Ba là, tạo ra thêm các kênh cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nhân sự. Xây dựng giải pháp mang tính chiến lược, tận dụng thời cơ để hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu của thành phố...
Bốn là, tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng hết cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã ký kết. Bên cạnh đó, xác định thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần đặt trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 phù hợp với tổng thể quy hoạch của thành phố; phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường…
Bên cạnh đó, có các giải pháp cụ thể, phù hợp triển khai Kế hoạch số 153/KH-UBND, ngày 23-6-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về “Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhanh chóng, hiệu quả hơn; sớm xây dựng bộ tiêu chí để sàng lọc, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với đặc thù Thủ đô về khả năng kinh tế, kết cấu hạ tầng hiện tại; tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao…/.
---------------------------
1. Kế hoạch số 153/KH-UBND, ngày 23-6-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về “Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội”
2. Thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, https://congnghiepcongnghecao.com.vn/tin-tuc/t23944/thu-hut-fdi-vao-linh-vuc-cong-nghe-cao.html, ngày 5-7-2021
3. Nguyễn Minh: Hà Nội: Ưu tiên nhà đầu tư FDI lĩnh vực công nghệ cao, https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-uu-tien-nha-dau-tu-fdi-linh-vuc-cong-nghe-cao-113647.html, ngày 16-4-2021
Hoạt động đối ngoại của Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập toàn cầu  (29/10/2021)
Hà Nội xây dựng các điểm đến an toàn, đẩy mạnh quảng bá điểm đến nhằm khôi phục hoạt động du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát  (27/10/2021)
Vai trò của du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội  (25/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo  (25/10/2021)
Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững  (23/10/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên