Hà Nội tăng cường phát triển hệ thống cây xanh
TCCS - Một trong những nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng được Hà Nội luôn quan tâm đặt lên hàng đầu là công tác bảo vệ môi trường. Hà Nội chú trọng, ưu tiên phát triển hệ thống cây xanh làm dày thêm “tấm lá chắn” bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao được chất lượng môi trường sống, sinh hoạt và giải trí cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Trồng mới nhiều cây xanh
Cây xanh mang lại những giá trị vô giá về môi trường sống, đặc biệt là ở một thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và mức độ ô nhiễm cao như Hà Nội. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của cây xanh đối với cảnh quan và môi trường sống của người dân Thủ đô, các nhà hoạch định chính sách những vấn đề liên quan cho Hà Nội luôn đưa yếu tố xanh lên hàng đầu. Mục tiêu chiến lược được Hà Nội hoạch định đến năm 2025 cũng xác định rõ, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.
Từ năm 2014, Hà Nội phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu được đưa ra đến năm 2030, phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân. Theo quan điểm tối ưu hóa quỹ cây xanh, đa dạng hóa các loại hình cây xanh, Hà Nội duy trì, đồng thời phát triển hệ thống cây xanh hiện có trên cơ sở khai thác những lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Xuất phát từ nhận thức, định hướng trên, thời gian qua, Hà Nội triển khai trồng mới nhiều cây xanh trên địa bàn. Được khởi động từ cuối năm 2015, Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh ở Hà Nội được thành phố công bố hoàn thành vào năm 2018, trước 2 năm thời hạn đặt ra và đặt mục tiêu đến năm 2020 trồng thêm 600.000 cây. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại. Trong đó, thành phố trồng hơn 1 triệu cây, các quận huyện trồng trên 539.000 cây và hơn 73.000 cây trồng theo diện xã hội hóa. Thành công của chương trình này mang lại đặc trưng, diện mạo mới cho nhiều tuyến đường của Thủ đô, phủ xanh trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực. Mật độ cây xanh gia tăng không chỉ tạo cảnh quan cho Hà Nội, mà còn có tác dụng ngăn gió, chống bụi, chống ồn cho tuyến đường.
Huy động người dân vào cuộc
Một trong những giải pháp Hà Nội sử dụng triển khai để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống cây xanh là huy động người dân vào cuộc. Được triển khai từ những năm trước, biện pháp này mang lại những hiệu quả nhất định và được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian gần đây thông qua các mô hình thiết thực, kêu gọi nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Đồng chí Chu Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm - cho biết, nhằm góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành một quận của Hà Nội, huyện tích cực triển khai phong trào thi đua “Nông dân Gia Lâm xây dựng cánh đồng sạch, tuyến đường nông dân kiểu mẫu”. Qua phong trào, năm 2020 Gia Lâm gắn biển 20 “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu” với tổng chiều dài 8,25km; trồng mới và gắn biển 16 “Hàng cây nông dân” với 1.060 cây các loại, tổng chiều dài 5,786km.
Không chỉ có Gia Lâm, phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường đang trở thành phong trào sôi nổi của nông dân ở nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội. Chỉ tính riêng năm 2020, nông dân Hà Nội xây dựng và gắn biển 191 đoạn đường nở hoa, đoạn đường nông dân kiểu mẫu, con đường bích họa với tổng chiều dài 162,3km; tham gia trồng mới 18.750 cây xanh bóng mát các loại trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Từ phong trào này, nhiều tuyến liên thôn, xóm vùng ngoại thành Hà Nội như được “thay áo mới” với những hàng cây, đường hoa xanh tốt. Phát huy hiệu quả của nông dân trong việc tham gia phát triển hệ thống cây xanh, bảo vệ môi trường, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động thi đua xây dựng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn” năm 2021. Theo đó, các cấp Hội phát động thi đua xây dựng mô hình “Hàng cây nông dân kiểu mẫu”, “Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Con đường bích họa”… Những mô hình, phong trào này đang giúp Hà Nội ngày một xanh, sạch, đẹp hơn, góp phần vào việc phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn Hà Nội. Trong kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác về lĩnh vực cây xanh, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, trên toàn thành phố trồng được 162.053 cây xanh, trong đó có 99.477 cây đô thị, 62.576 cây lấy gỗ.
Bài toán cần giải quyết
Tiếp nối các kết quả đạt được, Hà Nội tiếp tục chú trọng triển khai nhiệm vụ trồng mới nhiều cây xanh, tạo không gian xanh cho đô thị. Trong kế hoạch trồng mới, chăm sóc, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ trồng mới khoảng 554.000 cây xanh đô thị và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Để thực hiện kế hoạch nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp: Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa; hoàn thiện các quy định về cơ chế chính sách, quy định về phân cấp và rà soát quy trình định mức đơn giá; rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các dự án phát triển công viên, vườn hoa cây xanh; chủ động nguồn cây giống, dự báo nhu cầu về khối lượng, chủng loại cây xanh trong giai đoạn tiếp theo; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của Việt Nam và các nước tiên tiến; tuyên truyền người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; đổi mới công tác quản lý với một số công viên quan trọng.
Các giải pháp cụ thể trong phát triển hệ thống cây xanh cùng những kết quả đạt được gần đây cho thấy, trong những năm qua, lãnh đạo thành phố luôn chú trọng mảng xanh cho Thủ đô, Hà Nội đang thực hiện rất tốt chương trình phát triển cây xanh đô thị. Tuy nhiên, tốc độ thị hoá mạnh mẽ cũng đưa đến những áp lực mới không nhỏ cho Hà Nội trong quản lý, khai thác không gian xanh Thủ đô. Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển của thành phố là tạo dựng không gian xanh với tiêu chí cơ bản “xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại”, nhằm đạt mục tiêu 70% không gian xanh - 30% phát triển đô thị. Tuy nhiên, theo theo khảo sát của Tổ chức Health Bridge Canada, đất được dùng làm không gian xanh công cộng của Hà Nội chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội với các thành phố trên thế giới, hoặc tiêu chuẩn do WHO khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều. Trong khi đó, Hà Nội là đô thị đặc biệt có tốc độ dân số tăng nhanh, song sự phát triển của quỹ không gian xanh chưa ngang tầm với phát triển dân số. Với khái niệm không gian xanh gồm cả ruộng lúa, đất nông nghiệp, rừng, mặt nước, công viên…, tiềm năng xanh của Hà Nội là rất lớn, nhưng mục tiêu khai thác và sử dụng lại khác nhau.
Như vậy, để tính tới bài toán phát triển không gian xanh lâu dài cho thành phố, Hà Nội cần tiếp tục có những hành động cụ thể, quyết liệt trong công tác quy hoạch, quản lý không gian xanh. Đặc biệt, đáng quan tâm hơn cả vẫn là phát triển không gian xanh cùng với hệ thống công viên của thành phố - nơi có tác động mạnh nhất, gần nhất tới cảnh quan môi trường sống của người dân đô thị./.
Cần những giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội  (21/07/2021)
Hà Nội: Công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng  (10/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm