Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-4 đến ngày 05-5-2019

Hồng Ngọc tổng hợp
22:07, ngày 06-05-2019
TCCSĐT - Ban hành Kế hoạch Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành, địa phương; Kế hoạch triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị xử lý 6 vướng mắc với doanh nghiệp; Cải cách hành chính quý I/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng thực chất - tiết kiệm - hiệu quả; Phát huy công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ở Nghệ An; là những tin nổi bật tuần qua.

Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành, địa phương

Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 của Ban Chỉ đạo này tại các bộ, ngành và địa phương.

Cụ thể, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính gắn với tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ, ngành và địa phương trên tất cả các nội dung của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 của Chính phủ; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; việc triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.

Về công tác thể chế, kiểm tra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp; tình hình giải quyết thủ tục hành chính;...

Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy. Trọng tâm chuyên đề: Kiểm tra việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.

Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Trọng tâm về tuyển dụng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Về công tác cải cách tài chính công, kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.

Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt; việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07-3-2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Kế hoạch triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 896 đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2019.

Theo Kế hoạch, quý I, II/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan đề xuất phân bổ vốn xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12-11-2018 của Quốc hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong năm 2019 ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Công an các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thu thập Phiếu thu thập thông tin dân cư, tổ chức scan phiếu, xử lý dữ liệu và nhập dữ liệu dân cư vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng phương án chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu có sẵn của các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư.

Quý IV/2019, Bộ Công an triển khai hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại thành phố Hà Nội.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng Công an các địa phương trong quý III, IV/2019 tổ chức bàn giao, lắp đặt thiết bị, phầm mềm và đường truyền đến các địa điểm triển khai của dự án...

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các Bộ Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ đề xuất nhu cầu kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý III, IV/2019.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai mở rộng cấp số định danh cá nhân.

Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị xử lý 6 vướng mắc với doanh nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả kiểm tra việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất và rà soát các vướng mắc cụ thể đối với sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, trong tháng 4 vừa qua, Tổ đã làm việc với 7 bộ, VCCI và đại diện 5 hiệp hội, ghi nhận 45 kiến nghị về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính.

Về 12 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, có 6 vấn đề đã được xử lý tại các dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành. Còn lại 6 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Các bộ, cơ quan thống nhất với Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất là vướng mắc tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, theo đó các cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện xếp hạng vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ (Luật Du lịch 2005 quy định các cơ sở lưu trú đủ điều kiện xếp hạng thì không phải xin giấy phép; Luật Du lịch 2017 không quy định vấn đề này). Về vấn đề này, đề nghị giao Bộ Công Thương trình sửa đổi Nghị định này theo hướng chuyển sang hậu kiểm, thay vì phải xin cấp giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ thì các cơ sở lưu trú chỉ thông báo hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp rượu để bảo đảm rượu có nguồn gốc, xuất xứ. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, cho phép các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp không phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ.

Vấn đề hai là bất cập tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm (dạng bao gói sẵn) phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe. Về nội dung này, đề nghị giao Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định theo hướng bãi bỏ quy định trên để giảm gánh nặng hành chính và chi phí không cần thiết. Trong khi chờ sửa đổi Nghị định, cho phép doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm không phải xin 2 giấy xác nhận nêu trên.

Vấn đề thứ ba là đề nghị bổ sung một số nguyên vật liệu da giày và dệt may vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP). Hiện, Bộ Công Thương đang sửa Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Đề nghị giao Bộ Công Thương rà soát tổng thể, trong đó có nguyên phụ liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất da giày và dệt may.

Vấn đề thứ tư là doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu giày dép từ Trung Quốc 5-20% (riêng đế giầy là 20%). Trong khi đó, từ 01-01-2015 thuế nhập khẩu giày thành phẩm là 0%, đã khuyến khích nhập khẩu giày dép nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan… và không khuyến khích sản xuất trong nước. Đề nghị Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 153/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc.

Vấn đề thứ năm, Chỉ thị số 46/CT-TTg cấm quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga trong trường học (bao gồm cả cao đẳng, đại học…) là không hợp lý. Đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng điều chỉnh nội dung Chỉ thị này theo hướng không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga tại trường tiểu học. Với các cấp học còn lại, tập trung tuyên truyền, giáo dục về thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm, đặc biệt là tỷ lệ calo để định hướng tiêu dùng (thay cho việc cấm).

Vấn đề thứ sáu là các kiến nghị liên quan đến tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (iod), đề nghị Bộ Y tế khẩn trương khảo sát, đánh giá thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 11201/VPCP-KGVX ngày 16-11-2018.

Cải cách hành chính quý I/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thực chất - tiết kiệm - hiệu quả

Quán triệt theo phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, ngay từ đầu năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt quyết tâm cao trong cải cách hành chính, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tháo gỡ rào cản để đưa nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp theo hướng chú trọng thực chất, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường hướng về địa phương, cơ sở, đặt trọng tâm vào công tác rà soát và tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp và thủ tục hành chính nội bộ theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quy trình giải quyết.

Quý I/2019, Bộ đã thực hiện xử lý tổng số 1.610 hồ sơ, ít hơn 30% số hồ sơ nhận được so với cùng kỳ năm 2018 (gồm 1.246 hồ sơ chuyển tiếp năm 2018 và 364 hồ sơ nộp mới năm 2019). Thực hiện xử lý và trả kết quả cấp phép cho 456 hồ sơ, đạt 28,3%, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018 (gồm 378 hồ sơ năm 2018 và 78 hồ sơ năm 2019). Trong đó, có 338 hồ sơ trả kết quả đúng hạn (chiếm 74,1%); 118 hồ sơ trả quá hạn (chiếm 25,9%). Cùng với đó, Bộ đang xử lý 1.154 hồ sơ gồm 868 hồ sơ chuyển tiếp và 286 hồ sơ nộp mới năm 2019.

Hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của ngành tài nguyên và môi trường từng bước đi vào hoạt động bài bản, có lộ trình định hướng phát triển thống nhất trong toàn ngành. Đến nay, Bộ đã hoàn thành và đưa vào triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho 99 thủ tục hành chính (tăng 17 dịch vụ công so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, có 72 dịch vụ công mức độ 3, 27 dịch vụ công mức độ 4; tiếp tục triển khai 11 thủ tục hành chính dưới hình thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và kết nối với Cổng Thông tin Một cửa quốc gia.

Cùng với đó, Bộ đã hoàn thành xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường phiên bản 2.0, đang chờ cập nhật các thay đổi của Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0 trước khi trình Bộ trưởng ban hành. Xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; sửa đổi Quy chế đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) ngành tài nguyên và môi trường, tiến hành đánh giá đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2019.

Quán triệt việc triển khai, vận hành việc quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số hoàn toàn trên môi trường mạng của các đơn vị thuộc Bộ, trong quý I, đã có 6.244/13.944 văn bản điện tử gắn với chữ ký số, đạt 44,8%.

Phát huy công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Xác định công nghệ thông tin (CNTT) là vấn đề quan trọng, là “đòn bẩy” phục vụ công tác cải cách hành chính, thời gian qua Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác cùng phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử.

Từ đầu năm 2017, Nghệ An chính thức khai trương “Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An”, đồng thời triển khai thành công Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, cơ sở y tế công trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống đi vào hoạt động đáp ứng các yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp gồm: Chính phủ - tỉnh - huyện - xã.

Với hệ thống VNPT- IGate đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Ưu việt của dịch vụ là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 h trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử liên thông đã được cung cấp đến tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 21 UBND huyện/thị/thành và 480 UBND xã phường trên toàn tỉnh.

Hệ thống hiện có khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công với 5.783 dịch vụ (4.749 thủ tục mức độ 2; 987 thủ tục mức độ 3 và 47 thủ tục mức độ 4). Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác hiện đã có hơn 520.000 lượt hồ sơ được cập nhật luân chuyển và xử lý trên hệ thống, bình quân 1.000 lượt hồ sơ/ngày. Cùng đó, thông qua ứng dụng CNTT, các hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các tỉnh; từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các ngành được tổ chức đã tiết kiệm thời gian chi phí đi lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đánh giá: Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là CNTT tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi công tác quản trị một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Việc ứng dụng CNTT đã tạo ra những bước tiến đáng kể cũng như “cú hích” cho tỉnh trong việc phát triển hạ tầng viễn thông, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tạo lập một nền hành chính công minh bạch, hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời với việc triển khai nhiều phần mềm giúp chính quyền và hệ thống chính trị cải cách thủ tục hành chính, giảm văn bản giấy.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch hợp tác chiến lược với Tập đoàn VNPT để giải quyết những vấn đề còn tồn tại thuộc lĩnh vực chính quyền điện tử. Trong đó, tỉnh đề xuất Tập đoàn VNPT tiếp tục hợp tác có hiệu quả trên 5 lĩnh vực: Cung cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử của tỉnh; Ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, chính quyền điện tử của tỉnh; Đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - công nghệ thông tin; Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, góp phần đưa Nghệ An sớm thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về công nghiệp - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh./.