Xây dựng phong cách công tác của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
TCCS - Xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ cấp bách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của cán bộ với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(1); cán bộ là gốc của mọi công việc; cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ là người lãnh đạo quần chúng, đồng thời là “cầu nối” Đảng, Nhà nước với nhân dân. Theo đó, cán bộ là người truyền đạt và đồng thời tổ chức nhân dân triển khai thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là người nắm bắt và phản hồi thông tin từ phía nhân dân, để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách. Do đó, để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ với tư cách “người lãnh đạo”, là “cầu nối”, thì phải có Đức - Tài. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa con người với công việc, giữa lực lượng lãnh đạo với quần chúng, nhân dân - lực lượng tiến hành cách mạng.
Để đảm đương, hoàn thành được vai trò, vị trí vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, vừa là người lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải học tập, rèn luyện tu dưỡng để trở thành người có đức, có tài, trong đó “đạo đức là gốc”. Người nói: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, vì cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, sự nghiệp cách mạng muốn hoàn thành thắng lợi, thì phải được nhân dân ủng hộ, tham gia. Người cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân phục, dân ủng hộ, thì phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không phải cứ “viết lên trán chữ “cộng sản” mà được nhân dân yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Người lãnh đạo phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân; hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân...; phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản suất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”(2); Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mỗi người cán bộ, đảng viên khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, thì phải một lòng vì nước, vì dân, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện học hỏi để trở thành người cán bộ vừa Hồng, vừa Chuyên.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu những vấn đề tiêu cực sẽ nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, như xa rời quần chúng, thoái hóa, biến chất; các phần tử cơ hội sẽ không từ một thủ đoạn nào để chui vào Đảng mưu đặc quyền đặc lợi. Đó là nguyên nhân làm cho Đảng đông mà không mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, quyền lãnh đạo của Đảng sẽ không còn được thừa nhận khi: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai, vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Hiện nay, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, yếu kém. Do đó, Đảng ta phát động đợt học tập, sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, với nội dung “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”. Để cuộc vận động đi vào thực chất, đạt hiệu quả, các cấp ủy và cán bộ, đảng viên cần tập trung quán triệt, học tập một số nội dung sau:
Thứ nhất, phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo
Lãnh đạo là công việc lớn lao của Đảng, quyết định đến thành bại của cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, phải nhận thức được hoạt động lãnh đạo như việc cầm lái, dẫn đường. Đó là sự hội tụ của trình độ lý luận, trí tuệ, của sự thấu hiểu thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước và cuộc sống, lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân. Lãnh đạo đúng đòi hỏi xử lý các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa chiến lược và sách lược phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tức là học tập, xây dựng cho mình phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trên mọi vấn đề, phải luôn suy nghĩ, tìm tòi một cách độc lập, không lệ thuộc vào người khác hay cái có sẵn; không vận dụng một cách giáo điều mà tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý cách mạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước, đặc điểm thời đại làm định hướng cho hành động cách mạng.
Học tập phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nghiên cứu lý luận cần nắm vững phép biện chứng duy vật để vận dụng sáng tạo và phát triển vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; tránh giáo điều, bảo thủ, xơ cứng; phải nắm bắt tinh thần, phương pháp khoa học để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Thứ hai, phong cách lãnh đạo dân chủ, nhưng quyết đoán
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu cần có tác phong làm việc, lãnh đạo dân chủ, quần chúng, tôn trọng quyền bình đẳng của mọi người, phát huy trí tuệ tập thể. Người coi “Dân chủ là chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi công việc, nhất là những công việc có liên quan trực tiếp với nhân dân. Theo Người, phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta; phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong; phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.
Gắn bó với quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân và hướng tới mục đích vì dân, phong cách lãnh đạo, làm việc dân chủ, quần chúng phải được thể hiện trong nội dung và phong cách lãnh đạo thực tế của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên với nhân dân, chứ không chỉ trong lời nói, bởi: Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Do vậy, trong công tác lãnh đạo, quản lý cần thực hiện nhất quán các nguyên tắc: Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân, tin vào nhân dân. Đưa mọi vấn đề cho nhân dân thảo luận và dựa vào ý kiến của nhân dân để tìm cách giải quyết, sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
Chú ý thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ của mỗi người. Đối với cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo, đòi hỏi phải có phong cách lãnh đạo dân chủ thực sự chứ không phải giả tạo, hình thức. Bởi vì, mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể; mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chú trọng bàn bạc, học hỏi quần chúng, nhưng tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Vì, trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Đối với người lãnh đạo, nhất là người giữ trọng trách trước Đảng, trước dân, phải có bản lĩnh cách mạng, trong những công việc và những thời điểm nhất định, người lãnh đạo phải có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cán bộ lãnh đạo phải nhận định đúng thời cơ và biết chớp thời cơ hành động. Kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ vào tập thể hoặc trốn tránh trách nhiệm làm suy yếu bộ máy lãnh đạo.
Thứ ba, phong cách lãnh đạo sâu sát
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng để xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc sát hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Muốn công việc đạt được hiệu quả, người cán bộ lãnh đạo làm việc phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể, (khó khăn, thuận lợi) để chỉ đạo kịp thời. Người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải biết sử dụng bộ máy, sử dụng những người cộng sự, những cơ quan giúp việc để nắm được những thông tin cần thiết, chính xác; sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá, những phản ánh lựa chiều thiếu trung thực. Do đó, phải xem xét, đối chiếu, so sánh những ý kiến khác nhau để lựa chọn ý kiến đúng, không nhầm lẫn đúng với sai. Kết hợp việc điều tra, nghiên cứu để tham mưu của bộ máy giúp việc và sự đánh giá, đối chiếu của người lãnh đạo; người lãnh đạo phải tỉnh táo, khách quan để đề ra yêu cầu với bộ máy giúp việc và chính bản thân mình. Làm việc sâu sát là phải dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu chính xác, phải nắm chắc, phải “hiểu thấu” mới có thể đi đến quyết định đúng đắn. Muốn lãnh đạo đúng, trước hết phải quyết định mọi vấn đề một cách đúng đắn. Nếu đưa ra quyết định sai, cấp dưới và quần chúng càng tích cực thực hiện thì hậu quả càng lớn, tổn thất càng nhiều. Phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán “bệnh hữu danh vô thực”; “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch... Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”(4).
Thứ tư, khéo dùng người, trọng dụng người tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dụng nhân như dụng mộc”, người nào dùng vào việc ấy. Người đặc biệt quý trọng và chú trọng sử dụng người tài, vì đây là tầng lớp tinh hoa của đất nước, những “người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải biết tôn trọng và trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài; phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: phân công đúng người, đúng việc, vị trí việc làm phù hợp với năng lực và sở trường của họ; và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ.
Thứ năm, phong cách lãnh đạo khoa học, năng động, sáng tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tự xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học. Để chiếm lĩnh được “lâu đài” khoa học, chiến thắng sự dốt nát, chỉ có con đường duy nhất là không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên hãy nhớ lời dạy của V. I. Lê-nin: Học, học nữa, học mãi. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học trong nhà trường chỉ là khởi điểm, hữu hạn, mà học trong trường đời đấu tranh cách mạng của nhân dân mới là vô hạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa hoạt động thực tiễn, vừa tự học, vừa tổng kết kinh nghiệm để từng bước chiếm được đỉnh cao của trí tuệ, của văn minh.
Muốn xây dựng được phong cách làm việc khoa học, cần khắc phục triệt để lối tư duy chủ quan, duy ý chí, áp đặt khi đề ra đường lối, chính sách và cả những chủ trương, biện pháp cụ thể. Phải nắm vững lý luận, những quy luật khách quan, nâng cao năng lực vận dụng sáng tạo quy luật vào thực tiễn của đất nước, của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động. Phải nắm bắt thực tiễn vốn rất phong phú, sinh động, am hiểu thực tiễn một cách cặn kẽ, thì mới có thể vận dụng thành công lý luận vào thực tiễn đời sống và công việc.
Phong cách khoa học còn thể hiện rõ ở việc quý trọng thời gian, sử dụng thời gian một cách hợp lý và có hiệu quả nhất. Phải biết sắp xếp công việc hằng ngày đến từng buổi, từng giờ, theo kế hoạch, chương trình công tác đặt ra. Phương pháp lãnh đạo khoa học là phải phản ánh đúng quy luật vận động khách quan, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, tránh giáo điều, sáo rỗng, lý luận suông, nói một đằng, làm một nẻo. Cần rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy chiến lược, có tầm nhìn xa, năng lực dự báo, từ nắm vững những vấn đề tổng thể, vĩ mô để xử lý đúng những mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Khoa học là khách quan, do đó phương pháp lãnh đạo khoa học là không được nôn nóng, chủ quan, duy ý chí; phải linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở thường xuyên nghiên cứu, cập nhật tình hình cụ thể để có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời. Trên cơ sở lý luận, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đồng thời tổng kết thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm, để khái quát phát triển lý luận, soi rọi phục vụ thực tiễn. Phải bỏ lối làm việc theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; lối làm việc này không chỉ cần được phê phán mạnh mẽ mà còn phải bị loại bỏ khỏi hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Thứ sáu, phong cách nêu gương
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Nêu gương phải bằng hành động, việc làm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Vì vậy, để vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng, thì người lãnh đạo cần nêu gương trước hết, phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm, trở thành “tấm gương sống”, được nhân dân quý mến, tin tưởng học tập và noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Vinh quang và trọng trách, đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, thể hiện việc nêu gương qua xử lý các mối quan hệ: Đối với mình, phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo... Phải siêng năng, tiết kiệm; luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; Đối với người, thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở... Không ghen ghét, đố kỵ; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, luôn khoan dung, độ lượng; Đối với việc, phải suy nghĩ cho kỹ... Phải cẩn thận...; dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc: “Dĩ công vi thượng”; phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải ghi nhớ lời dạy của Người: Đảng ta là đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.
---------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 356
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 284
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 297
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng  (25/09/2018)
Bệnh viện Phổi Trung ương: Cấp cứu thành công cụ ông 90 tuổi bị rơi cả cầu răng giả 4 chiếc vào phế quản  (25/09/2018)
Tăng cường công tác vận động nông dân thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” ở Việt Nam  (25/09/2018)
Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững  (24/09/2018)
"Việt Nam cam kết đóng góp hiệu quả hơn vào công việc quốc tế chung"  (24/09/2018)
Thủ tướng Hàn Quốc tới Việt Nam viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (24/09/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên