Giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp niềm tin cho thanh niên ở đô thị nước ta hiện nay
TCCSĐT - Với vai trò là “rường cột, chủ nhân tương lai của đất nước”, thanh niên có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở những thành phố, đô thị lớn, thanh niên luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong mọi phong trào, đem sức trẻ, trí tuệ, lòng nhiệt huyết cống hiến cho sự phát triển chung của dân tộc.
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự chuyển đổi mô hình giá trị; sự xâm nhập, lấn át của các xuất bản phẩm ngoại lai; quá trình tiếp cận thiếu chọn lọc thông tin trên mạng xã hội… đã có những tác động trái chiều đến tư tưởng, lối sống và niềm tin của thanh niên đô thị. Nhận diện đời sống văn hóa thanh niên đô thị qua đánh giá thái độ, niềm tin, lý tưởng sống là việc làm cần thiết để có giải pháp giáo dục, rèn luyện, hình thành nên những con người mới với nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của quê hương, đất nước.
Thực tiễn sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, thanh niên đô thị cùng với thanh niên cả nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần kiến tạo nên diện mạo, hình ảnh dân tộc, quốc gia ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, những thách thức phức tạp của thời đại đã và đang chi phối mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của thanh niên đô thị theo nhiều chiều hướng. Việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của thanh niên cũng như có những cuộc điều tra xã hội học về lối sống của thanh niên đô thị hiện nay là việc làm có ý nghĩa cấp bách, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (1), trong đó mục tiêu số một được đặt ra là: “Giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”. Chỉ tiêu đến năm 2020, “100% thanh niên là công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, thanh niên lực lượng vũ trang được tuyên truyền, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 60% thanh niên nông thôn, đô thị và thanh niên công nhân được tuyên truyền, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Giáo dục đạo đức, bồi đắp niềm tin cho thanh niên đô thị: Những điều kiện thuận lợi
Theo kết quả khảo sát thanh niên thành phố năm 2014 của Ban Thường vụ Thành Đoàn trước thềm Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2014 - 2019), giá trị xã hội quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay của phần lớn thanh niên Thành phố là “sống có lý tưởng hoài bão”. Và hơn 2/3 thanh niên được khảo sát chọn giá trị sống có ích cho xã hội, coi trọng lẽ sống công bằng, sống có lý tưởng hoài bão tốt đẹp, khẳng định vai trò của bản thân và sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng. Trong khi đó, các giá trị khác như quyền lực (6,4%) và giàu có (8,1%) được đánh giá rất thấp. Khi được hỏi về xu hướng nào phổ biến trong thanh niên thành phố hiện nay có 66,2% thanh niên thích tham gia các hoạt động tình nguyện (2). Còn theo kết quả khảo sát tình hình thanh niên giai đoạn 2012 - 2017 của Viện Nghiên cứu Thanh niên, 85,7% thanh niên cho rằng, “là thanh niên phải quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước”, “là thanh niên phải tham gia bảo vệ đất nước khi yêu cầu” (93,3%), “là thanh niên phải có trách nhiệm làm cho đất nước giàu mạnh” (91,6%); có 71,7% thanh niên mong muốn được kết nạp Đảng, 68,3% thanh niên mong muốn phấn đấu trở thành đoàn viên (3).
Đánh giá về nhận thức chính trị, lý tưởng và niềm tin của thanh niên đô thị cũng như thanh niên cả nước nói chung có thể căn cứ vào các hoạt động xã hội mà thanh niên chủ động xây dựng, tham gia, nhất là phong trào Thanh niên tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Chiến dịch mùa hè xanh, Tôi yêu Tổ quốc tôi, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, Chủ nhật đỏ, Hiệp sĩ đường phố, Chung sức vì nạn nhân chất độc da cam, vì người nghèo… Có thể nói, những phong trào, hành động, việc làm cụ thể của thanh niên cho thấy ý thức trách nhiệm công dân và tình yêu đất nước luôn thường trực trong trái tim thế hệ trẻ. Các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội được tổ chức rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp thanh niên tham gia, nổi bật là các hoạt động chăm lo Tết cho đồng bào, thanh thiếu niên nghèo, tổ chức ngày hội “Xuân yêu thương”, “Xuân tình nguyện”, “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân biên giới, Tết hải đảo”… Năm 2016, toàn quốc đã xây dựng được 1.784 nhà nhân ái, 203 nhà bán trú, trường đẹp cho em. Hoạt động hiến máu tình nguyện tiếp tục được quan tâm, thu hút đông đảo hội viên, thanh niên tham gia, trở thành nét nổi bật trong phong trào thanh niên tình nguyện, góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện.
Trong các hoạt động thiện nguyện của thanh niên cả nước có sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của thanh niên đô thị, đặc biệt là sự góp mặt của sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Không chỉ xung kích, đi đầu trong các phong trào chung của cộng đồng, thanh niên ngày càng khẳng định được vị thế chính trị, có tiếng nói quan trọng trong việc bàn luận, quyết định những vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh. Cũng theo số liệu thống kê của Trung ương Đoàn, “tỷ lệ cán bộ đoàn tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, tham gia Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cao, với trên 11.000 cán bộ đoàn trúng cử vào cấp ủy đảng cùng cấp, 9.888 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Năm năm qua (2012 - 2017), các cấp bộ Đoàn đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn Đoàn đã giới thiệu hơn 1,1 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó trên 654.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, chiếm 66,1% tổng số đảng viên mới kết nạp” (4).
Góp vào thành tích chung của phong trào thanh niên cả nước, thanh niên đô thị đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong việc chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, xung kích trong mọi phong trào, cuộc thi, đợt ra quân, thể hiện ý chí, niềm tin và sự quyết tâm của thế hệ trẻ vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Đây cũng là sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân vào tầng lớp thanh niên - thế hệ sẽ làm chủ và gánh vác sự nghiệp to lớn, vinh quang: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Xác định tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống cho thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên đô thị nói riêng, Chính phủ đã ban hành Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020(5) (Quyết định số 1501/QĐ-TTg, ngày 28-8-2015, của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu chung là: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để thanh niên cũng như đội ngũ cán bộ các cơ quan ban, ngành quản lý công tác thanh niên có điều kiện thuận lợi để nâng cao ý thức chính trị, bản lĩnh cách mạng; rèn luyện đạo đức, bồi đắp niềm tin để thanh niên Việt Nam nói chung, cũng như thanh niên đô thị nói riêng “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của toàn xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của quê hương, đất nước.
Những thách thức đặt ra và giải pháp
Vấn đề giáo dục đạo đức, tạo dựng niềm tin cho thanh niên thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập trước những tác động và sức ép của bối cảnh, môi trường xã hội, thời đại. Những biểu hiện lệch chuẩn trong hành vi, ứng xử của thanh niên trong việc học tập, nghiên cứu khoa học, trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, cộng đồng cư dân; lối sống nhanh, sống gấp, sa vào tệ nạn xã hội; tình trạng thờ ơ với tình hình chính trị; quay lưng lại với lịch sử và những giá trị văn hóa truyền thống; chạy theo lối sống thực dụng, trọng đồng tiền và chủ nghĩa cá nhân; sống không ước mơ, hoài bão;… không khó để bắt gặp trong đời sống.
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội khóa XIII (2007 - 2012) trình Đại hội Đoàn Thanh niên Thành phố lần thứ XIV (2012 - 2017) khi đề cập đến những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác thanh niên của Thủ đô đã thẳng thắn thừa nhận, “thanh niên Thủ đô còn một số hạn chế như: thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho yêu cầu phát triển, hội nhập; một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, thiếu trách nhiệm, thực dụng, coi nhẹ đạo lý, thuần phong mỹ tục, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật kém, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật…”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn xã hội trong tầng lớp thanh niên là do những lỗ hổng về kiến thức hiểu biết pháp luật khi chính thanh niên ít quan tâm, tìm hiểu và tự trang bị cho mình, cũng như công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn bị xem nhẹ trong một số cơ sở giáo dục và cộng đồng dân cư.
Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (năm 2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu lên một thực trạng đáng buồn trong đời sống thanh niên khiến cho xã hội băn khoăn, đó là “một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc” (6).
Với tâm lý lứa tuổi, sự nhận thức về chính trị, xã hội của thanh niên còn nhiều khiếm khuyết, cộng với sự bồng bột, dễ bị kích động, lôi kéo nên nhiều thanh niên đô thị sa ngã vào những con đường phạm tội, thậm chí bị những thế lực thù địch, phản động, dụ dỗ lôi kéo, tham gia vào những cuộc biểu tình gây rối trật tự công cộng, tiếp tay cho những hành động phi pháp. Vì thế, công tác giáo dục đạo đức, bồi đắp niềm tin cho thanh niên là vô cùng cần thiết.
Để khắc phục thực trạng nêu trên cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức về vai trò, sứ mệnh của thanh niên đô thị trong thời kỳ mới. Tăng cường đưa nội dung giáo dục đạo đức và bồi đắp niềm tin, hình thành lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nêu cao vai trò gương mẫu đi đầu của thế hệ đi trước, tạo hình mẫu nhân cách để thanh niên phấn đấu noi theo. Nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, khát vọng của thanh niên; dự báo được xu thế, tình hình để định hướng tư tưởng, hướng thanh niên đến những mục tiêu tốt đẹp của xã hội, tất cả vì độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều đó, cần bám sát tinh thần, nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên (Nghị quyết số 04, ngày 14-01-1993 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về “Công tác thanh niên trong tình hình mới”; Hội nghị Trung ương 7 khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”), các đề án, chiến lược của Chính phủ và chương trình, kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương, bởi “công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.
Hai là, các tổ chức Đoàn, Hội cần bám sát tình hình thanh niên gắn với những phong trào thiết thực, cụ thể để tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia. Tránh bệnh phô trương, hình thức, hô hào khẩu hiệu. Các phong trào phải hướng về thanh niên, giúp họ củng cố niềm tin qua những hoạt động cụ thể, gắn lý thuyết, kiến thức được học trong nhà trường, sách vở vào thực tiễn đời sống và công tác chuyên môn hằng ngày. Qua các đợt sinh hoạt, trải nghiệm thực tế, khơi dậy trong thanh niên tình yêu cuộc sống, trân quý những giá trị truyền thống ông cha; thấy được trách nhiệm của bản thân trước những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Ba là, với thanh niên đô thị cần trang bị cho mình những tri thức cần thiết về văn hóa ứng xử, hình thành lối sống đẹp, sống có ích cho gia đình, cộng đồng xã hội. Chủ động, tích cực trong học tập, hăng say lao động sản xuất; không ngại khó, ngại khổ với tinh thần dấn thân, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho lý tưởng, mục tiêu và khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới. Biết tránh xa cái xấu, cái thấp hèn và sự cám dỗ của đồng tiền, danh vị, dục vọng cá nhân, nhân lên những tình cảm trong sáng, lòng vị tha, trở thành tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ, đại diện cho sức mạnh, sức trẻ, trí tuệ của đất nước.
Bốn là, để công tác thanh niên đô thị đi vào thực chất, có chất lượng, các tổ chức ban, ngành và cộng đồng xã hội cần chung tay xây dựng những thiết chế văn hóa, những không gian sáng tạo, trải nghiệm; hình thành những cung văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, cung triển lãm nghệ thuật, nhà sáng tác cho thanh niên cũng như xây dựng đồng bộ các khu vui chơi, giải trí, không gian sáng tạo cộng đồng để thanh niên có cơ hội, điều kiện thể hiện năng lực sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần cho thanh niên. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn kinh phí, hỗ trợ cho các hoạt động tình nguyện, biểu dương những tấm gương điển hình, những con người mới nhằm lan tỏa những giá trị cao đẹp về tuổi trẻ sẵn sàng xung kích, cống hiến cho Tổ quốc, quê hương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(7). Vì thế ngay cả trước lúc “đi xa” trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng họ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng vừa hồng, vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”(8). Thực hiện Di chúc và những lời căn dặn của Người, thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên đô thị nói riêng ngày nay không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của thanh niên trong việc kiên trì mục tiêu, lý tưởng và niềm tin cách mạng, lực lượng thanh niên sẽ có những bước chuyển mình về chất và lượng để sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.
---------------------
(1) Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 -2020), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1042-QD-TTg-2017-Chien-luoc-phat-trien-thanh-nien-Viet-Nam-giai-doan-II-2016-2020-355827.aspx
(2) Giáo dục tuyên truyền cho thanh niên, http://doanthanhnien.vn/ newsdetail/giao_duc_tuyen_truyen/24321/news.htm
(3) Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, http://doanthanhnien.vn/newsdetail/giao_duc_tuyen_truyen/39434/tang-cuong-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-doan-vien-thanh-nien.htm
(4) Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, http://doanthanhnien.vn/newsdetail/giao_duc_tuyen_truyen/39434/tang-cuong-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-doan-vien-thanh-nien.htm
(5) Giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-1501-QD-TTg-Giao-duc-ly-tuong-cach-mang-dao-duc-loi-song-thanh-thieu-nien-nhi-dong-288584.aspx
(6) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, https://tuoitre.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thu-xi-20171211162535078.htm
(7) Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, http://www.baohoabinh.com.vn/ 11/70066/Thanh_nien_la_nguoi_chu_tuong_lai_cua_nuoc_nha_1.htm
(8) http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=226
Cô Tô đã được cấp điện lưới trở lại sau sự cố cáp ngầm 22kV  (29/06/2018)
Tổng quan tình hình kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm  (29/06/2018)
Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật quan trọng  (28/06/2018)
Nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu của Quân đội  (28/06/2018)
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Na Uy  (28/06/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên