Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-01-2018
Để có chỉ số cải cách hành chính chính xác, minh bạch, công khai
Ngày 26-01, tại Đồng Nai, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai chỉ số cải cách hành chính năm 2017. Theo đại diện Bộ Nội vụ, qua 5 năm triển khai thực hiện, việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã có tác động tích cực đến công tác cải cách hành chính. Chỉ số cải cách hành chính là thước đo hiệu quả của công tác cải cách hành chính, qua đó các bộ, ngành, địa phương thấy được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, năm 2017, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình tốt, bám sát chỉ đạo của Bộ Nội vụ và đã có chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách hành chính. Điển hình như tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh. Từ những kết quả đó, hiện Đồng Nai xếp thứ 4 cả nước về công tác cải cách hành chính.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, việc lấy sự hài lòng của người dân để làm thước đo hiệu quả công việc và đánh giá thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là một tín hiệu rất tốt, phù hợp với thực tế. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung đánh giá đúng bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2017 trên 8 lĩnh vực, kết hợp với khảo sát ý kiến về mức độ hài lòng về công tác cải cách hành chính. Qua đó, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hiệu quả, với từng địa phương; tập trung đội ngũ cán bộ triển khai bài bản để có chỉ số cải cách hành chính chính xác, minh bạch, công khai, sát thực tiễn.
Học viện Hành chính quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 5/2018/QĐ-TTg, quy định Học viện Hành chính quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ; là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Học viện Hành chính quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn: Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm; bồi dưỡng năng lực, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hành chính, quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của ngành Nội vụ.
Đồng thời, Học viện Hành chính quốc gia đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và khoa học chính sách phục vụ công tác giảng dạy của Học viện; nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo sau đại học của Học viện.
Học viện tham gia với các đơn vị của Bộ Nội vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao; tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xuất bản và phát hành tạp chí, bản tin, các ấn phẩm khoa học, giáo trình, tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật...
Học viện gồm có 17 đơn vị: Ban Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Hợp tác quốc tế; Ban Quản lý bồi dưỡng; Ban Quản lý đào tạo sau đại học; Khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở; Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự; Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công; Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội; Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; Tạp chí Quản lý nhà nước; Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Thông tin - Thư viện; Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại thành phố Huế; Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ
Ngày 24-01, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức khai mạc kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ năm 2017 - 2018. Trong đợt này, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thi tuyển 4 vị trí lãnh đạo cấp vụ gồm 1 vị trí Vụ trưởng và 3 vị trí Phó Vụ trưởng.
Việc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo Kết luận số 202 - TB/TW về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo tại 14 bộ, ban, ngành Trung ương, trong đó có Tòa án nhân dân tối cao. Trước đó, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 547- KH/BCS ngày 08-8-2017 thí điểm thi tuyển chọn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng trong Tòa án nhân dân.
Thi tuyển là bước đổi mới trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo của Tòa án nói chung và Tòa án nhân dân tối cao nói riêng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; qua đó, lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ tốt, xứng đáng nắm vị trí lãnh đạo. Việc tổ chức kỳ thi trên nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh và rất nghiêm túc. Các đối tượng dự thi không chỉ ở nguồn quy hoạch tại chỗ của đơn vị mà mở rộng với các ứng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi. Tất cả các thí sinh đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin về kỳ thi cũng như được tạo điều kiện tốt nhất để ôn tập thi tuyển.
Hải Phòng sẽ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với 10 lĩnh vực
Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao… là mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành ủy Hải Phòng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị của thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng và toàn hệ thống chính trị.
Hải Phòng sẽ tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố đối với 10 lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành phố sẽ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của mỗi quận, huyện. Lộ trình thực hiện từ năm 2018 - 2021.
Lĩnh vực y tế, thành phố sẽ sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm dịch thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế; hợp nhất các trung tâm, đơn vị y tế làm công tác y tế dự phòng tuyến thành phố hiện có để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh thành phố, lộ trình thực hiện trong năm 2018. Bên cạnh đó, tại các quận, huyện có Bệnh viện đa khoa hạng II, thực hiện sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế quận, huyện… với lộ trình thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019.
Đối với lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, Hải Phòng sẽ hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại hình; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố theo hướng gọn đầu mối, thực sự cần thiết và chuyển sang đổi mô hình doanh nghiệp hoặc tự chủ kinh phí chi thường xuyên; sắp xếp thu gọn đầu mối các Ban Quản lý dự án thuộc UBND thành phố, sở, ngành, quận, huyện, lộ trình thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019…
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2021, thực hiện giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập toàn thành phố; giảm tối thiểu 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công; phấn đấu chuyển 10% đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính (chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư), giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Hải Phòng sẽ hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (có đủ điều kiện) sang mô hình công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Đồng thời, thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản như: y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính trong năm 2018
Ngày 22-01, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị kết quả đánh giá xếp loại công tác cải cách hành chính năm 2017 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2018.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho biết: Năm 2018, Hậu Giang đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện công tác cải cách hành chính theo ngành, lĩnh vực phụ trách; kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính, thanh tra công vụ; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Đối với cải cách thể chế, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, cụ thể, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; qua đó xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những vấn đề bất cập. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý, nhằm kịp thời phát hiện những văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực nếu có để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Hậu Giang sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn của các đơn vị theo đúng quy định; tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế hiện có của các cơ quan chuyên môn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế.
Theo báo cáo năm 2017 của Hội đồng thẩm định, đánh giá xếp loại kết quả cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang, trong 22 đơn vị cấp tỉnh, Sở Nội vụ có điểm chỉ số cải cách cao nhất, đạt 89,32 điểm; thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, đạt 80,26 điểm. Đối với các đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, có số điểm cao nhất là thị xã Ngã Bảy với 87,33 điểm; huyện Vị Thủy có số điểm thấp nhất, đạt 79,12 điểm./.
CPI tháng Một tăng cao 0,51% do nhu cầu tiêu dùng gần Tết  (29/01/2018)
Đoàn cấp cao Quân đội Campuchia dâng hương tại Nghĩa trang Đức Cơ  (29/01/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến 28-01-2018)  (29/01/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên