Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-12-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
16:33, ngày 11-12-2017
TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về những nhiệm vụ trọng tâm của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành khung Kiến trúc Chính phủ điện tử; Quảng Nam thúc đẩy cải cách hành chính; Cần Thơ xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả kinh tế cửa khẩu Lào Cai; là những tin nổi bật tuần qua.

Nhiệm vụ trọng tâm của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với đề nghị của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về những nhiệm vụ trọng tâm của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Xét đề nghị của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về những nhiệm vụ trọng tâm của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đối với những nhiệm vụ trung hạn và ngắn hạn của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chủ trì thực hiện) liên quan đến việc cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trong đầu tư dự án công nghệ thông tin; chính sách thị thực để phát triển du lịch; giải pháp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử trên nền tảng dữ liệu dùng chung quốc gia và số hóa nền kinh tế; giải pháp huy động vốn dài hạn hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cắt giảm chi phí logistics bằng giải pháp tái quy hoạch logistics bằng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) theo mô hình đối tác tư nhân trong nước để trợ giúp cho Chính phủ và các bộ, ngành trong thực hiện Biên bản ghi nhớ đã ký với WEF; chủ động bàn và phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là các đơn vị đang bảo trợ và chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân để nâng cấp thành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) với các mục tiêu dự kiến; tổ chức đoàn ra học tập kinh nghiệm cải cách và hiện đại hóa hoạt động quản lý hành chính, phát triển Chính phủ điện tử tại Pháp, Estonia, Hàn Quốc và Singapore.

Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018 các báo cáo chuyên đề về: Phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam; Cắt giảm chi phí logistics thông qua giải pháp tái quy hoạch hạ tầng logistics, lấy đường sắt tốc độ cao Bắc Nam làm trọng tâm; Xây dựng giải pháp về vốn vay trung hạn và dài hạn cho các ngành mũi nhọn quốc gia bằng Dự án phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam; Giải pháp tăng cường hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Chiến lược và lộ trình thực hiện chính sách thị thực cởi mở để đột phá cho du lịch Việt Nam; Vận hành Quỹ phát triển du lịch quốc gia theo cơ chế đối tác công - tư linh hoạt; Thí điểm quản lý và tăng cường chất lượng điểm đến du lịch bằng Bộ chỉ số đánh giá điểm đến du lịch vận hành bởi khu vực tư nhân.

Hoàn thành khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã cập nhật, công khai nhiều thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị (Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản và Tổng cục Thủy sản) đã có những hiệu quả rất tích cực.

Tính đến ngày 01-12-2017, kết quả tiếp nhận, xử lý hồ sơ cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện tại 5 đơn vị có tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý là 4.482 hồ sơ (trong đó: Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận và xử lý 2.886 hồ sơ, Cục Chăn nuôi tiếp nhận và xử lý 1.481 hồ sơ, Cục Trồng trọt tiếp nhận và xử lý 48 hồ sơ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp nhận và xử lý 35 hồ sơ, Tổng Cục Thủy sản tiếp nhận và xử lý 32 hồ sơ.

Cùng với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến tại Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến theo Cơ chế một cửa quốc gia; Bộ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 11 thủ tục hành chính thực hiện tại 7 đơn vị thuộc Bộ, bao gồm: Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản.

Tính từ đầu năm đến ngày 01-12-2017, Bộ đã tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ sơ cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia với tổng số 158.857 hồ sơ, trong đó: Đã xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 149.720 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý 9.137 hồ sơ.

Theo kế hoạch thực hiện giai đoạn mở rộng, Bộ tiếp tục triển khai đối với 23 thủ tục hành chính mới tại 5 đơn vị thuộc Bộ, gồm: Các Cục Thú y, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản. Cùng với đó, hoàn thiện các thủ tục hành chính triển khai mở rộng trên toàn quốc; khảo sát các quy trình mới, khắc phục các lỗi kỹ thuật,... hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị.

Theo Văn phòng thường trực cải cách hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên nền tảng triển khai các dịch vụ công trực tuyến này, trong tháng 12 này sẽ ban hành khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ.

Quảng Nam thúc đẩy cải cách hành chính

Thực hiện công tác cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Các thủ tục hành chính phục vụ khởi sự doanh nghiệp, các lĩnh vực về tài chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, y tế, chính sách người có công được ưu tiên đẩy mạnh…

Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông nhằm giải quyết các công việc liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã; thành lập Trung tâm hành chính công/Bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện và Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã tại những địa phương có điều kiện. 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh triển khai phần mềm một cửa điện tử. Tỉnh tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực thi công vụ…

Thời gian qua, Quảng Nam đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và đạt được những kết quả nhất định. UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 258 danh mục hồ sơ, thủ tục hành chính thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành của Nhà nước (thời gian giảm từ 1-30 ngày đối với mỗi thủ tục). Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt danh mục 801 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định; tổng thời gian cắt giảm được 6.553 ngày/23.964 ngày (so với thời gian giải quyết theo quy định của Trung ương), đạt tỷ lệ 27,3 %. Công an tỉnh Quảng Nam triển khai đến tận nhà làm chứng minh nhân dân cho người già yếu, tàn tật; thành phố Tam Kỳ, Hội An, huyện Đại Lộc thực hiện trả hồ sơ hộ tịch tại nhà…

Kết quả công tác cải cách hành chính trên phần nào thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Quảng Nam với điểm tổng hợp là 61,17 điểm; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 2/12 trong khu vực duyên hải miền Trung (sau thành phố Đà Nẵng). Đây là lần thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Nam lọt vào top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước.

Để thực hiện cải cách hành chính đạt hiệu quả, theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, tỉnh Quảng Nam tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cải cách hành chính; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương và lĩnh vực quản lý.

Cần Thơ: Từng bước xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử

Ngày 07-12, tại hội nghị tổng kết công tác ngành Thông tin và Truyền thông năm 2017; triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Để Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tác động đến sự phát triển của các địa phương trong khu vực thì việc xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố thông minh và chính quyền điện tử là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngành Thông tin và Truyền thông của thành phố và các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác tham mưu cho thành phố để có kế hoạch đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, ngành Thông tin và Truyền thông, các địa phương của Cần Thơ tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; kiểm tra đánh giá việc tích hợp, phối hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước được thực hiện thời gian qua, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng. Các cơ quan đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông quan tâm phát triển nhanh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong năm 2018, ngành Thông tin và Truyền thông của thành phố nỗ lực đầu tư hệ thống truyền số liệu để phục vụ việc tổ chức họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong công tác điều hành, chỉ đạo của thành phố.

Năm 2018, Cần Thơ phấn đấu 100% UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn được trang bị và sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến truyền hình phục vụ công tác; tất cả các sở, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành thông tin của thành phố.

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Theo Cục Hải quan Lào Cai, đầu năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn do những thay đổi trong chính sách quản lý biên giới phía Trung Quốc, kết hợp với việc áp dụng hạn chế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm, Cục Hải quan Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Cục Hải quan Lào Cai đã giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên nắm bắt công tác quản lý biên giới, biên mậu phía Trung Quốc tại các khu vực đối diện cửa khẩu, lối mở ở Lào Cai để tham mưu, đề xuất các phương án cho Ban Chỉ đạo thương mại biên giới tỉnh điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu, địa điểm một cách linh hoạt, hiệu quả, không bị động.

Bên cạnh đó, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS hoạt động ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, tháng 11-2017, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các bộ, ngành trung ương Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung lần thứ 17 năm 2017 tại Lào Cai, thu hút hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc và nước thứ 3 đến tham gia. Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc bên lề hội chợ cũng đã được tổ chức với nhiều hợp đồng hợp tác kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa đã ký kết./.