Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 21 đến ngày 27-8-2017)

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
00:39, ngày 30-08-2017

TCCSĐT- Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên y, bác sĩ và bệnh nhân sốt xuất huyết; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo, người có uy tín các dân tộc tỉnh Bình Thuận; Quảng Bình phấn đấu tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã Đức Trạch của tỉnh Quảng Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc tại Trà Vinh; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà học sinh nghèo; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát đặc khu kinh tế tương lai;… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017

Ngày 21-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực, kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Việc cả nước hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi là một dấu ấn quan trọng. Ngành giáo dục đã xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bắt đầu biên soạn chương trình từng môn làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, kết hợp những thay đổi tích cực trong tuyển sinh đại học.

Đến nay đã có 23 trường đại học thực hiện tự chủ. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục có tiến bộ thể hiện qua việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra nhiều văn bản chỉ đạo để bớt bệnh thành tích, bớt các hoạt động, kì thi không cần thiết; gỡ dần những bất cập của ngành giáo dục nhiều năm dồn lại…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướn cũng nêu 5 bất cập của ngành giáo dục. Trước hết là vấn đề quản lí nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non “còn rất nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cầm tay chỉ việc không còn phù hợp với thực tiễn”.

Bất cập thứ hai là ngành giáo dục đã bước đầu làm chương trình, sách khoa mới nhưng triển khai còn chậm ở nhiều khâu, đặc biệt là chậm “thấm” tinh thần đổi mới xuống dưới cơ sở, từ các sở Giáo dục và Đào tạo, trường sư phạm đến đội ngũ giáo viên.

Điểm thứ ba được Phó Thủ tướng nêu lên là ngành giáo dục đã có sự thay đổi nhưng chưa chú ý nhiều đến việc dạy người một cách toàn diện.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh hiện nay để tính toán sao các em có được kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và đưa ngày khai giảng về đúng ý nghĩa là ngày tựu trường.

Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển

Chiều ngày 21-8, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường các tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách đóng mới tàu cá cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường. Tổng số kinh phí đề xuất bổ sung phạm vi, đối tượng thiệt hại của địa phương theo công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 563,1 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18-8-2017, các tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân 5.946 tỷ đồng (đạt 94,3% số tiền thiệt hại và 90,3% số tiền tạm cấp). Hiện cả 4/4 tỉnh đều chưa chi trả hết tiền bồi thường (còn lại khoảng 5%) do đối tượng được bồi thường không có mặt ở địa phương.

Về kết quả xử lý hải sản lưu kho, tính đến nay theo báo cáo, tổng số hải sản lưu kho tại 4 tỉnh là 11.751 tấn, tăng 6.382 tấn, gấp 2,2 lần so với báo cáo của Bộ Y tế ngày 08-11-2016 (5.369 tấn).

Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì việc bồi thường và hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại do sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung về cơ bản đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, các địa phương vừa khắc phục sự cố cũng đã quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, hướng dẫn bà con trong việc sử dụng có hiệu quả tiền hỗ trợ của Nhà nước, tiền đền bù thiệt hại khắc phục sự cố môi trường. Du lịch biển các tỉnh được mùa. Môi trường biển đã an toàn để bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, một số vấn đề tồn đọng sẽ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tiếp trong thời gian tới. Kiên quyết không mở rộng phạm vi và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.

“Mọi hoạt động phải công khai, minh bạch, dân chủ với sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng và cấp trên, kiên quyết không để sót lọt các đối tượng chính đáng được hưởng, đồng thời cũng không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đền bù, hỗ trợ cho người bị thiệt hại”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên y, bác sĩ và bệnh nhân sốt xuất huyết

Chiều 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên y, bác sĩ và bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đơn vị tuyến cuối trong chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Phó Thủ tướng cho rằng sau nhiều nỗ lực phòng, chống dịch của TP. Hà Nội, các cơ sở y tế và cộng đồng, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã có dấu hiệu đi ngang, nhưng không thể vì vậy mà có “tâm lý thở phào”.

Cảm ơn tới các y, bác sĩ đã nỗ lực ngày, đêm khám, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến trong nhiều ngày qua, Phó Thủ tướng mong muốn các bệnh viện quyết tâm thực hiện nghiêm túc các biện pháp điều trị, dự phòng, tư vấn cho người dân. Đặc biệt là một bệnh viện đầu ngành, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn trong phân loại, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết để phổ biến, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các bệnh viện tuyến dưới.

“Bên ngoài cộng đồng vẫn phải đẩy mạnh các biện pháp chống dịch, diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng để dập dịch triệt để, không để tư tưởng dịch ‘bình bình’ rồi thì thở phào, dừng lại. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân nắm vững các cách phòng, chống sốt xuất huyết”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trò chuyện với một số người dân đang chờ khám, Phó Thủ tướng chia sẻ dù bệnh viện đông, nhưng khi có triệu chứng, bà con nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám, tư vấn điều trị, tránh tự ý mua thuốc điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo, người có uy tín các dân tộc tỉnh Bình Thuận


Chiều 22-8, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo, người có uy tín các dân tộc tỉnh Bình Thuận.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số với gần 85.000 người, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số của tỉnh; trong đó có đồng bào các dân tộc Chăm, Tày, Nùng, Hoa, Hơrê, Rai… Đồng bào Chăm là dân tộc thiểu số đông nhất với hơn 38.000 người. Về tôn giáo, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 tôn giáo chính thức hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Đạo Tin lành, Đạo Cao Đài, Bàlamôn giáo, Hồi giáo Bàni, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam. Tổng số tín đồ các tôn giáo trong tỉnh có gần 500.000 người, chiếm khoảng 38% dân số toàn tỉnh. Trong tất cả các tôn giáo, dân tộc có 1.748 vị chức sắc, nhà tu hành; gần 3.000 chức việc các tôn giáo. 8 tôn giáo chính thức hoạt động trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 468 cơ sở thờ tự. Thời gian gần đây, nhiều cơ sở thờ tự được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, thuận lợi cho việc sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, giúp cho các tôn giáo yên tâm hành đạo.

Trò chuyện với 43 đại biểu trong Đoàn, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao đóng góp của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Ngày vì người nghèo, Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường… phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và các tôn giáo trong tỉnh. Đồng thời, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo cũng nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua của mỗi tôn giáo, tiêu biểu như: Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội, Sống phúc âm trong lòng dân tộc, Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa - phục vụ Tổ quốc; Nước vinh đạo sáng…; góp phần thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo.

Phó Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo phát triển với đường hướng, phương châm hành động gắn bó với dân tộc. Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước đề nghị các chức sắc tôn giáo, người có uy tín các dân tộc tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy vai trò vận động, dìu dắt tín đồ của tổ chức mình đồng hành cùng dân tộc; tham gia đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Quảng Bình phấn đấu tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam

Chiều 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình để tìm cách hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đưa vùng đất giàu truyền thống, tiềm năng này vươn lên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là phát huy tốt thế mạnh nổi trội về du lịch.

Quảng Bình là danh xưng thiêng liêng của một vùng đất nằm ở Bắc miền Trung, nơi hội tụ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa của cả hai miền Nam - Bắc. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo. Phía Đông có bờ biển dài 116,04 km, phía Tây giáp Lào với đường biên giới dài 201,87 km, có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, lại nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, Quảng Bình có vị trí địa chính trị, quân sự và kinh tế quan trọng của cả nước.

Sở hữu những bãi tắm đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (nơi yên nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, biển Hải Ninh... Quảng Bình có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích 120.000 ha, có giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo đá vôi phức tạp ở khu vực Đông Nam Á với những hang động đẹp nổi tiếng như: Động Phong Nha, động Thiên Đường và động Sơn Đoòng - động lớn nhất Thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới).

Phát biểu tại buổi làm việc, đặt vấn đề tìm lối ra bền vững, bứt phá đối với Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Quảng Bình là một Việt Nam xanh, thu nhỏ, giàu truyền thống văn hóa, nhất là văn hóa bản địa. Chính những lợi thế này đã thu hút sự quan tâm của du khách khắp thế giới đến với Quảng Bình. Thủ tướng kỳ vọng, Quảng Bình sẽ tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam.

Đề cập đến một lối ra “mở” và bền vững cho Quảng Bình, Thủ tướng cho rằng: Con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng của sự phát triển. 

Về những biện pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Quảng Bình nâng cao chất lượng quy hoạch với tầm nhìn đồng bộ, không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau và nên tham khảo sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài. Quảng Bình phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đi đôi với đánh giá đúng chất lượng cán bộ, công khai minh bạch trong quản lý nhà nước và phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, phấn đấu có 10 ngàn doanh nghiệp vào năm 2020. Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu hội nhập quốc tế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả cán bộ quản lý giỏi vào hệ thống.

Thủ tướng mong muốn Quảng Bình tập trung nguồn lực để có cơ chế quản lý phát triển bền vững du lịch, đặc biệt cần có chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, bài bản hơn, tăng cường quảng bá hình ảnh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hang Sơn Đòng - những lợi thế so sánh chỉ có ở Quảng Bình. Nâng cao chất lượng các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn. Đi liền với đó là xây dựng một cộng đồng làm du lịch, cư dân thân thiện, tình cảm, văn minh sạch sẽ đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, văn hóa, tạo nên một ngành du lịch Quảng Bình đầy sắc thái, hấp dẫn du khách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã Đức Trạch của tỉnh Quảng Bình

Ngày 25-8, nhân dịp công tác tại Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình nông thôn mới tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây là một xã ven biển, với hơn 2/3 dân số trong độ tuổi lao động; nghề nghiệp chính là đánh bắt, chế biến thủy hải sản và xuất khẩu lao động. Đức Trạch cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bồi thường, đền bù cho bà con chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Công ty Hưng Nghiệp Formosa gây ra.

Theo báo cáo của chính quyền xã, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, như thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 8 tỷ đồng, bằng đạt 387% dự toán.

Trong xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của bà con nhân dân, xã đã huy động tổng hợp và lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chương trình với tổng kinh phí hơn 34,2 tỷ đồng (trong đó, ngân sách xã và nhân dân đóng góp hơn 19 tỷ đồng, chiếm 59%).

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những thành tích trong xây dựng nông thôn mới, công tác đền bù, khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển của Đức Trạch, nhất là việc ổn định an ninh trật tự, cải thiện sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Quảng Bình nói chung, huyện Bố Trạch và xã Đức Trạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; an ninh trật tự còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp cần chú ý đề phòng, xử lý tốt các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ.

Thủ tướng gợi ý tỉnh, huyện và xã Đức Trạch nghiên cứu khảo sát, chuyển đổi nghề nghiệp theo những lĩnh vực tiềm năng của địa phương, nhất là du lịch. Cùng với đó là tăng cường phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá bởi Quảng Bình là ngư trường lớn, nơi diễn ra nhiều hoạt động nghề cá.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý chính quyền các cấp của tỉnh làm tốt hơn nữa công tác đền bù cho người dân sau sự cố môi trường biển miền Trung, theo đúng quy định của pháp luật và chủ trương của Chính phủ.

Thủ tướng ghi nhận kiến nghị của người dân địa phương và cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc xây dựng tuyến đường dọc ven biển, kết nối các địa phương có biển nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc tại Trà Vinh

Ngày 25-8, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Sơn Thị Ánh Hồng báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc học tập, quán triệt các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); tình hình công tác tuyên giáo 7 tháng đầu năm 2017.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, Trà Vinh là một trong những tỉnh khó khăn nhất nước, nhưng Đảng bộ và nhân dân đã có sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện để đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh có những việc làm cụ thể, thiết thực và năng động trong việc thực hiện nên đã tạo được sự chuyển biến trong cán bộ, đảng viên từ nhận thức đến hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Về công tác tuyên giáo của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh quan tâm hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tuyên giáo. Thực tiễn cho thấy cấp ủy quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở thì công tác tuyên giáo của Đảng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay cần nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn để không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền. Công tác tuyên giáo phải thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều phương thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập hợp mọi người tham gia vào các phong trào hành động cách mạng, góp sức xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà học sinh nghèo

Ngày 26-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Danh dự Quỹ Bảo trợ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số Báo CAND đã về thăm xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là nơi Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam đóng chân từ năm 1971 đến năm 1978.

Cùng đi với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì; Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; Thượng tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND và các thầy cô giáo, các cựu học viên Trường Cán bộ an ninh miền Nam.

Là một trong những cựu học viên của Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu đã cùng ôn lại những kỷ niệm gắn với ngày đầu thành lập và hoạt động của Trường.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cựu học viên của Trường đã cùng nhau quyên góp và xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa cho 5 gia đình tại xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đình; tặng 40 chiếc xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó của 2 địa phương.

Nhân chuyến về thăm lại trường xưa và hai xã Đồng Tĩnh và Đại Đình, đoàn công tác trao tặng 50 chiếc xe đạp cho 50 học sinh nghèo vượt khó học giỏi do Công ty Võng xếp Duy Lợi tài trợ, nhằm động viên các em học sinh ngay trước thềm năm học mới 2017-2018.

Tham gia cùng đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà ngày 26/8, chia sẻ với những khó khăn của các học sinh tại xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đồng, thay mặt Học viện Chính trị CAND, Thiếu tướng Trương Giang Long đã tặng 50 suất quà cho 50 học sinh nghèo vượt khó cùng 20 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học-Khuyến tài của xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đình.

Cũng trong chuyến công tác trở về thăm lại mái trường xưa, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó ngày 26-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với CAND vũ trang và Bia kỷ niệm Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát đặc khu kinh tế tương lai

Sáng ngày 26-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ và tỉnh Quảng Ninh đã tới huyện đảo Vân Đồn, thị sát các hạng mục công trình mà các nhà đầu tư đang triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Đảng đưa huyện đảo có vị trí địa lý thuận lợi này trở thành khu hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Mặc dù “vừa chạy việc, vừa xếp hàng” để chuyển sang mô hình đặc khu kinh tế nhưng chỉ vài năm qua, Vân Đồn đã thu hút gần 2 tỷ USD của các nhà đầu tư tư nhân ở trong nước và nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thị sát các khu vực của đảo Vân Đồn và vị trí triển khai các dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt thuận lợi của Vân Đồn và vai trò của khu vực này đối với sự phát triển của miền Bắc. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc.

Vân Đồn cũng có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu, lại nằm trong cụm cảng quốc tế Hải Phòng-Quảng Ninh-Phòng Thành (Trung Quốc). Tuy là huyện đảo biệt lập nhưng Vân Đồn có khả năng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 18), với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư chiến lược phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, khai thác tối đa các giá trị kinh tế của Vân Đồn; học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế của các nước trên thế giới trong việc quản lý thông thoáng, cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh tế, du lịch, văn hoá có chất lượng cao, đa dạng để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các nhà đầu tư bảo đảm tiến độ các công trình, dự án đã được phê duyệt và triển khai để nhanh chóng phát huy giá trị của Vân Đồn khi dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.

Trước đó, trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh vào chiều 25-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, tỉnh Quảng Ninh xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư vào Vân Đồn khi chính sách này sẽ không còn phát huy nhiều tác dụng trong bối cảnh kinh tế đất nước đã hội nhập sâu rộng./.