Tìm hiểu quan điểm của Ph. Ăng-ghen về lập trường của những người xã hội chủ nghĩa đối với tiểu nông và suy nghĩ về kinh tế nông hộ ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Trong tác phẩm “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, Ph. Ăng-ghen đưa ra lập trường của những người xã hội chủ nghĩa đối với người tiểu nông, và những người xã hội chủ nghĩa sẽ phải hành động như thế nào đối với họ, khi đã giành được chính quyền. Chúng ta cần vận dụng sáng tạo quan điểm của Ph. Ăng-ghen về vấn đề này vào phát triển kinh tế nông hộ ở Việt Nam hiện nay, vì kinh tế nông hộ ở nước ta có những nét đặc thù, khác với kinh tế tiểu nông ở Tây Âu.
Trong tác phẩm “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, Ph. Ăng-ghen đã viết: Trừ một vài ngoại lệ, như ở Anh và phía Đông sông En-bơ của nước Phổ là những nơi chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất và nền đại nông nghiệp đã hoàn toàn gạt bỏ người nông dân tự sản xuất cho mình, còn ở hầu hết những nơi khác, người nông dân đều là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị. Ở Tây Đức, cũng như ở Pháp và Bỉ, chính nền tiểu nông của những nông dân có mảnh ruộng nhỏ đang chiếm ưu thế, trong đó, đa số là người có ruộng đất, và thiểu số là người đi thuê ruộng đất. Bởi vậy, những người xã hội chủ nghĩa ở khắp nơi đều đặt vấn đề nông dân vào chương trình nghị sự.
Theo Ph. Ăng-ghen, trong toàn bộ nông dân, tiểu nông là tầng lớp quan trọng nhất, và quan trọng nhất không chỉ đối với Tây Âu nói chung. Nếu chúng ta xác định được lập trường của chúng ta đối với tiểu nông thì chúng ta sẽ có mọi tiêu điểm để xác định được thái độ của mình đối với những thành phần khác trong dân cư nông thôn. Tiểu nông mà chúng ta nói ở đây là người sở hữu hoặc người đi thuê - và nhất là người sở hữu - một mảnh ruộng không lớn hơn số ruộng đất mà họ thường có thể cày cấy cùng với gia đình họ và cũng không bé hơn số ruộng đất cần thiết để nuôi gia đình họ. Người tiểu nông là một người lao động, khác với người vô sản hiện đại ở chỗ, anh ta còn sở hữu những tư liệu lao động. Người tiểu nông này cũng khác với người nông nô về ba phương diện: 1- Đã được cách mạng giải thoát khỏi gánh nặng thuế khóa và lao dịch phong kiến mà họ phải đóng góp cho chúa đất, và được quyền sở hữu ruộng đất; 2- Mất sự bảo vệ của công xã tự quản mà họ là một thành viên và mất quyền sử dụng ruộng đất của công xã cũ; 3- Mất nghề tiểu thủ công gia đình, bởi kinh tế tiền tệ và đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa đã chấm dứt sự tồn tại của nghề đó.
Ph. Ăng-ghen cho rằng, khi được giải phóng khỏi ách áp bức của chủ nghĩa phong kiến, quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đem lại cho người tiểu nông quyền tự do thật sự. Nhưng khi sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển cao lại giáng một đòn chí tử vào nền tiểu sản xuất nông nghiệp. Hàng hóa giá rẻ của nền nông nghiệp lớn tư bản chủ nghĩa tràn ngập thị trường khiến cho tiểu nông không thể cạnh tranh được. Lại thêm thuế má, mất mùa,... buộc tiểu nông phải vay nặng lãi, ngày càng mắc nợ chồng chất. Tình hình trên khiến cho những người tiểu nông không tránh khỏi bị phá sản. Nền sản xuất tư bản quy mô lớn sẽ đè bẹp nền sản xuất quy mô nhỏ, bất lực và lỗi thời của tiểu nông, ví như tàu hỏa đè bẹp một xe cút-kít vậy.
Những người xã hội chủ nghĩa kiên quyết đứng về phía người tiểu nông, cố tìm đủ mọi cách để làm cho số phận của họ được dễ chịu hơn, nhưng không phải là giúp cho họ giữ được tài sản của mình, vì làm như vậy chỉ kéo dài tình trạng “sống dở, chết dở” của họ và chỉ trì hoãn sự tiêu vong của họ trong một thời gian nào đó mà thôi. Chính nền kinh tế cá thể, kết quả của chế độ sở hữu tư nhân, mới làm cho nông dân bị diệt vong.
Vậy lập trường của chúng ta (những người xã hội chủ nghĩa) đối với tiểu nông như thế nào, và chúng ta phải hành động ra sao đối với họ, một khi chính quyền đã về tay chúng ta? Theo Ph. Ăng-ghen, chúng ta cần có lập trường và hành động như sau:
Một là, chúng ta thấy trước sự tiêu vong tất yếu của tiểu nông, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không có nhiệm vụ đẩy nhanh sự tiêu vong đó bằng sự can thiệp vào những quan hệ tài sản của họ bằng bạo lực, ngược với ý muốn của họ(1). Hai là, chúng ta sẽ không thể nghĩ đến dùng bạo lực để tước đoạt tiểu nông (dù có hoặc không có bồi thường cũng vậy) như chúng ta buộc phải tước đoạt địa chủ. Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông trước hết là phải hướng nền kinh tế cá thể và sở hữu của họ vào con đường kinh doanh hợp tác, không phải bằng bạo lực mà là bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội. Cố nhiên là ở đây, chúng ta có khá đủ phương tiện để chứng minh cho người tiểu nông thấy rõ những lợi ích hiện đã rõ ràng đối với họ. Nếu người tiểu nông chưa quyết định chuyển sang hợp tác xã thì để cho họ có thời gian suy nghĩ với tư cách là người sở hữu mảnh đất của họ(2).
Số nông dân mà chúng ta làm cho họ tránh khỏi bị rơi xuống thành giai cấp vô sản và chúng ta có thể tranh thủ được khi họ còn là nông dân, càng đông bao nhiêu thì việc cải tạo xã hội sẽ hoàn thành càng nhanh chóng và dễ dàng bấy nhiêu. Thật chẳng có ích gì cho chúng ta cả, nếu chúng ta chờ cho tới khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển ở khắp nơi, đến những hậu quả cuối cùng của nó, cho tới khi người tiểu thủ công cuối cùng và người tiểu nông cuối cùng trở thành nạn nhân của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, rồi mới thực hiện việc cải biến đó. Những hy sinh vật chất của chúng ta khi thực hiện việc hướng tiểu nông vào hợp tác xã sẽ tiết kiệm được gấp mười lần so với số tiền phải tốn cho việc cải tạo lại toàn bộ xã hội(3).
Nhưng khi tiểu nông chuyển sang kinh doanh hợp tác, tập trung những mảnh ruộng đất nhỏ và cày cấy theo những phương pháp canh tác quy mô lớn toàn bộ diện tích thì một bộ phận nhân công đã có việc làm từ trước, nay thành ra thừa. Chính sự tiết kiệm lao động đó là một trong những lợi thế quan trọng nhất của chế độ canh tác quy mô lớn. Số nhân công thừa ấy có thể được sử dụng theo hai cách: hoặc là hợp tác xã nông dân sử dụng những ruộng đất khác lấy ở các sản nghiệp lớn lân cận; hoặc cung cấp cho những nông dân đó những tư liệu và khả năng làm công nghiệp coi là nghề phụ. Trong cả hai trường hợp, địa vị kinh tế của hợp tác xã đều được cải thiện hơn, đồng thời người ta lại bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo chung của hiệp hội có được ảnh hưởng cần thiết để chuyển dần hợp tác xã nông dân lên một hình thức cao hơn và để làm cho quyền lợi và nghĩa vụ vừa là của hợp tác xã, vừa là của riêng các xã viên, ngang với quyền lợi và nghĩa vụ của các ngành khác trong toàn thể cộng đồng(4).
*
* *
Không thể đem tất cả những điều đã trình bày tóm lược ở trên áp đặt vào kinh tế nông hộ ở Việt Nam, vì kinh tế nông hộ ở nước ta có những nét đặc thù, khác với kinh tế tiểu nông ở Tây Âu. Đặc biệt, từ sau năm 1988, kinh tế nông hộ ở Việt Nam đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu to lớn, thậm chí trong một vài lĩnh vực còn đạt kỳ tích. Thí dụ, từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1988 còn phải nhập khẩu hơn 45 vạn tấn gạo, nhưng đến năm 1990 đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo, và đến nay mỗi năm xuất khẩu từ 7 triệu đến 8 triệu tấn gạo; hay là năm 2001 nước ta mới chỉ có một nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD là thủy sản, nhưng sau 14 năm (năm 2015) đã có tới 10 nhóm hàng nông sản đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó gạo đạt 3 tỷ USD. Thế nhưng khi chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường hiện đại, hội nhập vào kinh tế khu vực và quốc tế thì kinh tế nông hộ ngày càng bộc lộ các nhược điểm của sản xuất nhỏ. Một số tài liệu tổng kết tình hình nông nghiệp của nước ta đã chỉ ra nhiều nhược điểm của kinh tế nông hộ, trong đó nổi lên những nhược điểm sau: 1- Diện tích ruộng của mỗi hộ quá nhỏ hẹp, gây trở ngại cho việc sử dụng máy móc và các dịch vụ khác; 2- Mỗi hộ thường phải mua các yếu tố đầu vào của sản xuất (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...) với giá cao, nhiều khi không bảo đảm về số lượng và chất lượng như ghi trên bao bì, nên chi phí sản xuất cao; 3- Khó khăn trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất; 4- Không thể xây dựng và quảng bá thương hiệu của sản phẩm. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông phẩm vừa ít về số lượng, vừa không đồng nhất về chất lượng, nên không thể đăng ký thương hiệu, đăng ký chứng nhận GLOBAL GAP hay Việt GAP để tiêu thụ với giá cao; 5- Không có khả năng bảo quản và chế biến nông sản phù hợp với các quy chuẩn khắt khe của thị trường; để xảy ra nhiều thất thoát trong khâu thu hoạch; 6- Khó tiếp cận tín dụng vì không có tài sản thế chấp và khó thu hút vốn đầu tư; 7- Phần lớn số hộ không tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm (bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,...) nên đời sống gặp nhiều rủi ro.
Trong Kết luận số 97-KL-TW, ngày 9-5-2014, về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Chính trị đánh giá: Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm; an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường là vấn đề bức xúc trong xã hội; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Nói tóm lại, tuy đạt được những thành tựu lớn, nhưng nhìn chung, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mang nặng tính chất của một nền sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu.
Liên hệ với quan điểm của Ph. Ăng-ghen về lập trường của những người xã hội chủ nghĩa đối với tiểu nông vào tình hình nông nghiệp Việt Nam hiện nay, gợi cho chúng ta những suy nghĩ sau đây:
Thứ nhất, nếu cứ tiếp tục duy trì kinh tế nông hộ nhỏ lẻ thì sẽ làm cho sản xuất và đời sống của nông dân bấp bênh, không tránh khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”; sức cạnh tranh yếu trên thị trường trong và ngoài nước tất yếu sẽ đẩy họ vào tình cảnh “xe cút-kít sản xuất nhỏ bị đè bẹp bởi tàu hỏa sản xuất lớn”.
Vừa qua, nhân dịp hoàn tất việc thương thảo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các phương tiện truyền thông đại chúng sôi nổi phản ánh ý kiến của nhiều nhà quản lý và nhà khoa học về cơ hội và thánh thức của TPP đối với nền kinh tế nước ta nói chung và nông nghiệp nước ta nói riêng. Đa số ý kiến lo lắng rằng, nếu cứ duy trì kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì nông nghiệp nước ta sẽ “thua ngay trên sân nhà”. Trên cái biển mênh mông của kinh tế nông hộ, cũng đã ra đời nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2014, nước ta chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1,01% số doanh nghiệp của cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%). Thực trạng này cũng gây trở ngại cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, vì rất ít người đưa vốn vào sản xuất nhỏ. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2014, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 3,43% số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam và số vốn cam kết chỉ đạt hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng số vốn cam kết vào nước ta(5).
Có người lầm tưởng rằng, phải duy trì sản xuất hàng hóa nhỏ, trong đó có tiểu nông, vì trong kinh tế thị trường hiện đại đang diễn ra xu hướng phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đó không phải là những doanh nghiệp nhỏ, lạc hậu, manh mún ở thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa - như “những củ khoai tây trong một bì khoai tây”, mà là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội hiện đại của sản xuất hàng hóa lớn, tham gia chuỗi giá trị sản xuất của từng ngành, của cả nước và thậm chí của toàn cầu.
Thứ hai, đẩy mạnh cuộc vận động nông dân tham gia kinh doanh hợp tác dưới nhiều hình thức (liên kết dọc, liên kết ngang hay trang trại lớn). Trước thời kỳ đổi mới, như nhận định trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng, chúng ta mắc thiếu sót là muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, với cách làm theo kiểu chiến dịch, gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả, do đó không ít tổ chức hợp tác xã chỉ có hình thức, không có thực chất. Còn bây giờ lại gần như để mặc các nông hộ tự “bơi” trong cơ chế thị trường. Trong bài “Về xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả của hợp tác xã trong nông nghiệp”, GS, TS. Vương Đình Huệ đã chỉ rõ tình hình yếu kém của các hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Tính đến tháng 10-2014, cả nước có 19.800 hợp tác xã, trong đó có 10.339 hợp tác xã nông nghiệp. Trong số 10.339 hợp tác xã nông nghiệp, có tới 9.363 hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, chiếm 92%. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 45%. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp làm nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ đầu vào cơ bản (97% số hợp tác xã làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 80% số hợp tác xã làm dịch vụ thủy lợi, 53% số hợp tác xã làm dịch vụ cung cấp giống cây trồng, 30% số hợp tác xã làm dịch vụ cung cấp vật tư, phân bón...); chỉ có 9% số hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ tiêu thụ đầu ra. Bên cạnh đó, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 10% số hợp tác xã đạt hiệu quả hoạt động tốt, khoảng 60% - 70% số hợp tác xã hoạt động cầm chừng, khoảng 20% - 30% số hợp tác xã đã ngừng hoạt động). Đáng chú ý là, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012; đến ngày 31-12-2014 mới chỉ có 990/10.446 hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (chiếm 9,5%), nghĩa là phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp chưa hoạt động theo cơ chế thị trường. Thậm chí, một số địa phương giữ lại mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ để đáp ứng tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; đó là lý do chính khiến hơn 20% số hợp tác xã nông nghiệp mặc dù hiện nay đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể hoặc chuyển đổi(6).
Mấy năm gần đây, ở một số nơi, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuất hiện nhiều mô hình liên kết kinh tế nông hộ có hiệu quả, nhưng chậm được nhân rộng. Vậy, cần tổng kết để tìm giải pháp nhân rộng những mô hình tiên tiến, phù hợp với quy luật phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn.
Thứ ba, điều tra nhu cầu của thị trường lao động để gấp rút đào tạo nghề cho lao động dôi dư trong nông nghiệp phù hợp với nhu cầu đó. Ph. Ăng-ghen chỉ nói tới việc cung cấp cho những nông dân thiếu việc làm những tư liệu và khả năng làm công nghiệp coi như một nghề phụ. Nhưng thực tiễn ở nước ta cho thấy, phải đào tạo những nhân công dư thừa theo những nghề chính để chuyển bớt lao động từ trồng trọt sang chăn nuôi, dịch vụ và các ngành công nghiệp, thì mới có thể tập trung được ruộng đất để sản xuất theo quy mô lớn. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta học tập ở Ph. Ăng-ghen lập trường, quan điểm và phương pháp để xử lý những vấn đề thực tiễn hiện nay, chứ không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Tại Đại hội XII, Đảng ta đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm khoảng 40%. Ở một nước công nghiệp thì lao động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp nêu trên vẫn sẽ gây trở ngại cho việc tập trung ruộng đất để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, do đó làm chậm quá trình chuyển nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bởi vậy, cần gấp rút đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông nghiệp nói trên theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để chuyển bớt sang lĩnh vực phi nông nghiệp thì mới có thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
----------------------------------------
(1), (2), (3) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 22, tr. 736, 738, 739
(4) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, tr. 737
(5) Xem: Nông nghiệp lo “thua trên sân nhà”, Báo Tiền phong, số 280, ngày 7-10-2015, tr. 5
(6) Vương Đình Huệ: “Về xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả của hợp tác xã trong nông nghiệp”, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở, số 105, tháng 9-2015, tr. 42 - 43
Phát triển tính quy luật và quy luật chính trị với định vị chiến lược vị thế, nâng cao năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng hiện nay  (22/12/2016)
Binh chủng Tăng thiết giáp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 27 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân  (22/12/2016)
Thông điệp mới của Liên bang Nga 2017  (22/12/2016)
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Lời hịch non sông  (22/12/2016)
Vĩnh Phúc: Tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội  (22/12/2016)
Vĩnh Phúc: Tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội  (22/12/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên