Thành phố Hà Nội mạnh tay thu hồi nợ thuế
TCCS - Thời gian qua, hằng tháng, Cục Thuế thành phố Hà Nội đều thực hiện công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Điều đáng nói, trong số này có rất nhiều các doanh nghiệp đã bị công khai nợ thuế trước đó nhưng vẫn tiếp tục chây ỳ nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, để công tác thu nợ hiệu quả, ngoài các giải pháp động viên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có dòng tiền để nộp thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp mạnh tay để thu hồi nợ thuế hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp nợ chây ỳ nhiều năm
Mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa thực hiện công khai danh sách nợ thuế đợt tháng 10-2019 với hơn 600 đơn vị nợ thuế, tổng số nợ là 745 tỷ đồng. Trong danh sách công khai lần đầu đợt này, cơ quan thuế đã “điểm danh” tới 543 đơn vị với số nợ 468,9 tỷ đồng tiền thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Ngoài ra còn có 27 đơn vị nợ 187.059 triệu đồng tiền thuê đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất.
Cũng như những đợt công bố doanh nghiệp nợ thuế trước đó, bên cạnh các doanh nghiệp công khai lần đầu, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng thực hiện công khai lại 65 đơn vị với số nợ 276 tỷ đồng thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Đây là các đơn vị nợ thuế đã được Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện công khai những năm trước (năm 2015, 2016, 2017 hoặc 2018).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công khai lần đầu 1.433 đơn vị nợ thuế phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp với tổng số tiền nợ 2.146 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện công khai lại 507 đơn vị nợ thuế phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp với tổng số tiền nợ 4.265 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 1.168 doanh nghiệp và dự án nộp 418,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Tại các chi cục thuế quận, huyện, công tác công khai, đối thoại với các doanh nghiệp nợ thuế khó đòi cũng được cơ quan thuế triển khai quyết liệt. Mới đây, ngày 10-10-2019, Chi cục Thuế quận Đống Đa đã gặp gỡ với 120 đơn vị có số nợ thuế lớn trên địa bàn. Tính đến 30-9-2019, số nợ thuế của quận Đống Đa đã giảm so với đầu năm, tuy nhiên, vẫn đang ở mức cao. Trong đó, nợ có khả năng thu chiếm tỷ lệ 8% so với dự toán được giao. 9 tháng qua, Chi cục đã điều chỉnh và thu hồi được 220 tỷ đồng tiền nợ thuế các loại, thực hiện cưỡng chế tài khoản ngân hàng với 414 đơn vị; cưỡng chế thông báo hóa đơn với 450 đơn vị và công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện truyền thông với 79 đơn vị nợ thuế kéo dài.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa Lê Quang Hùng cho biết, bên cạnh những đơn vị có khó khăn thực sự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay vướng mắc trong chính sách, vẫn còn có những đơn vị ý thức tuân thủ về thực hiện nghĩa vụ ngân sách với nhà nước chưa cao, chây ỳ nợ tiền thuế dù cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng chưa chấp hành.
Tháo gỡ với doanh nghiệp khó khăn, mạnh tay với chây ỳ
Thời gian qua, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục được Cục Thuế thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thách thức lớn. Ngay từ đầu năm Cục Thuế đã có văn bản thông báo nhiệm vụ, giao chỉ tiêu thu nợ chi tiết tới từng phòng, chi cục thuế chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp. Công tác nắm bắt, phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp nợ thuế (đặc biệt các đơn vị nợ dưới 90 ngày được tập trung đôn đốc quyết liệt), đồng thời luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp… để có biện pháp đôn đốc thu nợ phù hợp, kịp thời...
Đặc biệt, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ đọng thuế, nhất là biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan thuế danh sách các đơn vị nợ tiền thuế.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, Cục đã thực hiện thu hồi và xử lý nợ đọng thuế 3.159 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong kết quả thu ngân sách; ban hành 6.602 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 5.161 đơn vị với số tiền nợ là 1.870 tỷ đồng; ban hành quyết định cưỡng chế nợ bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với 3.151 đơn vị với số tiền nợ là 1.918 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, trong đó, có công tác quản lý và thu hồi nợ thuế, 6 tháng cuối năm, Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Theo đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội tập trung rà soát, phân loại chính xác nợ thuế của các đơn vị; phân tích, đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế của từng đơn vị để tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác đôn đốc cưỡng chế nợ đọng thuế, đặc biệt tập trung thu hồi quyết liệt khoản nợ đọng thuế dưới 90 ngày, kiên quyết ngăn chặn và không để nợ thuế tăng; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuế nợ được giao và bảo đảm tổng nợ thời điểm 31-12-2019 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách.
Tại các chi cục, công tác thu nợ cũng được gấp rút thực hiện để hoàn thành mục tiêu năm 2019. Đơn cử, tại Chi cục Thuế quận Đống Đa, ngay từ đầu năm, Chi cục đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thu hồi nợ cũ và không để nợ mới phát sinh. Chi cục đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng lãnh đạo chi cục, từng đội thuế, từng cán bộ và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua của cán bộ, công chức. Ban lãnh đạo Chi cục đã liên tục mời và làm việc trực tiếp với nhiều đơn vị nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cũng như quyết liệt yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế với 100% những doanh nghiệp nợ trên 5 triệu đồng, công khai các đơn vị chây ỳ, nợ thuế kéo dài trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Với các dự án nợ đọng thuế kéo dài, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục Thuế tiếp tục thực hiện quyết liệt quy định quản lý và cưỡng chế nợ; công khai thông tin định kỳ hằng tháng. Cơ quan thuế cũng đề xuất phối hợp với các cơ quan báo đài lập chuyên đề, phóng sự đối với các dự án chây ỳ nợ đọng kéo dài nhiều năm. Tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành giải quyết dứt điểm các trường hợp nợ chờ xử lý có liên quan đến vướng mắc quy hoạch, đối trừ nghĩa vụ tài chính, thay đổi mục đích sử dụng đất… Cơ quan thuế cũng tiếp tục phối hợp, tham mưu có hiệu quả với ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng quận, huyện và thành phố trong công tác đôn đốc thu hồi nợ nghĩa vụ tài chính của các dự án.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, quận và Chi cục Thuế cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đồng chí Võ Nguyên Phong chỉ đạo Chi cục Thuế quận Đống Đa tập trung rà soát, phân loại chính xác nợ thuế của các đơn vị; phân tích, đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế của từng đơn vị để tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nợ chây ỳ, kéo dài, các cơ quan cũng sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt, như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế nợ; công khai thông tin định kỳ hằng tháng; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuế nợ được giao và bảo đảm tổng nợ thời điểm 31-12-2019 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách./.
Thành phố Hà Nội thúc đẩy các dự án đầu tư công  (27/12/2019)
Giáo dục Hà Nội khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước  (29/11/2019)
Giáo dục Hà Nội đổi mới và hội nhập  (28/11/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên