Tăng cường giám sát việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
TCCS - Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao trên thế giới và khu vực, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến đồ uống có cồn.
Nhận định trên được PGS, TS, BS. Nguyễn Đức Chính, Cố vấn chuyên khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đưa ra tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2021, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức.
Dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu đối với 150 trường hợp chấn thương sọ não do tai nạn giao thông được khám điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021, bác sỹ Nguyễn Đức Chính nêu lên những con số đáng quan ngại: có 70 người bệnh có nồng độ cồn trong máu, chiếm 46,7%, trong đó, tỷ lệ nồng độ cồn từ trên 50 mg/l máu chiếm 32,6%.
Theo PGS, TS. Nguyễn Đức Chính, thống kê của Allianz, cơ quan Bảo hiểm và Tài chính hàng đầu trên thế giới tại Muchen (Đức) về tử vong liên quan đến đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cho thấy, tỷ lệ tử vong toàn cầu khoảng 10,9%. Một số nước Đông Âu và trung tâm châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất 18,2%, tiếp theo là châu Âu 16,7%, Mỹ 12,9%. Các nước châu Phi chiếm 8%, châu Á - Thái Bình Dương 7,3%, Cận Đông là 2,4%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có tới 1,35 triệu người tử vong do tai nạn giao thông, đặc biệt các nước đang phát triển tần suất mắc và tử vong cao, hầu hết tuổi trẻ. Thiệt hại do thương tích gây ra trên toàn cầu chiếm từ 3% - 5% tổng thu nhập quốc dân.
Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao trên thế giới và khu vực, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến đồ uống có cồn. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên quan đến uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện, khiến nhiều nạn nhân tử vong do chấn thương nặng.
Từ khi Nghị định 100/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) được triển khai vào đầu năm 2020, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số bệnh nhân tai nạn giao thông cấp cứu tại bệnh viện đã giảm về số lượng.
Tuy nhiên, các trường hợp chấn thương sọ não tính trên số nạn nhân tai nạn giao thông nói chung vẫn cao, còn nhiều trường hợp chấn thương mức độ nặng liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn. Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mặc dù Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn giao thông và tử vong.
PGS, TS. Nguyễn Đức Chính chỉ ra rằng, theo WHO, trong năm 2016, việc sử dụng đồ uống có cồn đã gây ra khoảng 3 triệu ca tử vong, chiếm 5,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do đồ uống có cồn cao hơn tỷ lệ tử vong gây ra bởi các bệnh như bệnh lao, HIV/AIDS và bệnh tiểu đường.
Riêng đối với các bệnh không lây nhiễm, đồ uống có cồn đã gây ra khoảng 1,7 triệu ca tử vong, bao gồm khoảng 1,2 triệu ca tử vong do bệnh tiêu hóa và tim mạch (0,6 triệu ca cho mỗi loại bệnh) và 0,4 triệu ca tử vong vì ung thư. Không những vậy, trên toàn cầu, đồ uống có cồn gây ra 0,9 triệu ca tử vong do chấn thương, bao gồm khoảng 370.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người ở Việt Nam uống rượu, bia quá độ, đây là hình thức uống nguy hiểm. Cũng theo số liệu thống kê năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.
Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh, thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao. Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong trong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị, đặc biệt liên quan đến tai nạn thương tích và tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế qua số liệu thống kê các bệnh viện gần đây về tai nạn giao thông, số trường hợp có sử dụng đồ uống có cồn là 11.646 người, chiếm khoảng 9%. Số trường hợp có nồng độ cồn trong máu là 7.340 người, chiếm 5,7%. Tỷ lệ nam giới có sử dụng rượu, bia cao gấp 12,9 lần so với nữ giới, nồng độ cồn trong máu từ 50 đến 300mg/l chiếm 45,8% ở nhóm tuổi từ 20 đến 29 tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu của PGS, TS. Nguyễn Đức Chính và các cộng sự, lứa tuổi chấn thương sọ não do tai nạn giao thông nhiều nhất vẫn là từ 21 đến 60, chiếm 64%, nam giới chiếm đa số 86,7%. Thương tổn phối hợp chiếm tỷ lệ cao nhất là chấn thương hàm mặt 48%, chấn thương chi 24,7%, chấn thương ngực kín 20%.
“Lứa tuổi lao động và những tổn thương này nếu không hồi phục sẽ là gánh nặng lớn cho xã hội, y tế và gia đình”, PGS, TS. Nguyễn Đức Chính nhận định.
Đáng lưu ý là mức độ chấn thương sọ não, chấn thương rất nặng chiếm tỷ lệ cao. Có tới 40% phải phẫu thuật ngay trong cấp cứu. Tỷ lệ nặng xin về để chết chiếm 25,3% và có 0,7% tử vong tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong chung là 26%.
Thời gian gần đây, vấn đề lạm dụng rượu, bia và chất gây nghiện là nguyên nhân gây tai nạn giao thông bị cả xã hội lên án. Tuy nhiên, tình trạng có nồng độ cồn trong máu của các nạn nhân tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện vẫn phổ biến.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ xét nghiệm có nồng độ cồn máu là 46,7%, có nghĩa gần nửa số bệnh nhân chấn thương sọ não phạm luật theo quy định của Nghị định 100. Trong đó, những trường hợp có nồng độ cồn từ 50 - 150mg/l máu chiếm 17,3%, trên 150 mg/l là 15,3%”, ông cho biết.
Theo PGS, TS. Nguyễn Đức Chính, yếu tố tiên lượng đối với bệnh nhân chấn thương sọ não sẽ nặng hơn, do những trường hợp này có kết quả chăm sóc chưa tốt cao gấp 2,23 lần những người không sử dụng rượu, bia. Khi nạn nhân vào viện, trạng thái hôn mê lẫn với tình trạng say rượu sẽ làm cho quá trình chẩn đoán (chụp phim) và chăm sóc khó hơn bệnh nhân không bị say rượu.
Nhóm nghiên cứu này khuyến nghị cần thường xuyên tăng cường giám sát việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trong thời gian tới và nghiêm túc xử phạt với những người phạm luật./.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy lùi tai nạn, ùn tắc giao thông  (03/12/2021)
Giải quyết dứt điểm các “điểm đen” ùn tắc giao thông ở Hà Nội  (20/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm