TCCS - Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, thời gian qua tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực song chưa triệt để. 

Học sinh Trường THCS thị trấn Thới Lai thành phố Cần Thơ xem hình ảnh tuyên truyền về an toàn giao thông _ Ảnh: baocantho.com.vn

Tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển xe đạp, xe máy lưu thông lộn xộn trước cổng trường sau giờ tan học vẫn diễn ra. Nhiều học sinh dàn hàng ngang trên đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe đạp điện, đi sai phần đường, làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi xe máy khi chưa đủ tuổi, đội mũ bảo hiểm không cài quai... vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân và cả những người tham gia giao thông khác, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc trong xã hội. 

Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, người đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe gắn máy có dung tích xilanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên có giấy phép lái xe được điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy dung tích xilanh từ 50cm3 trở lên. Đối với sinh viên, phải có giấy phép lái xe, giấy tờ phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng gia tăng tình trạng số học sinh điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy đến trường khi chưa có bằng lái xe, thậm chí số học sinh trung học cơ sở đi học bằng xe máy hoặc xe đạp điện cũng nhiều không kém học sinh trung học phổ thông.

Trong khi đó, luật quy định cho phương tiện giao thông, như xe máy điện, xe đạp điện còn chưa chặt chẽ, cần xem xét, bổ sung luật với loại phương tiện này giống với quy định dành cho xe máy. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vi phạm là học sinh, lực lượng cảnh sát giao thông còn có phần xử lý nhẹ, dẫn đến tâm lý đi lại tự do mà chưa lường hết được các nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.

Trước tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông làm gia nguy cơ tai nạn và nhiều hệ lụy sau đó, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần nghiêm túc thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường giúp học sinh, sinh viên hình thành ý thức, văn hóa, tạo cho các em có thói quen tuân thủ Luật Giao thông. Tăng cường lồng ghép các kiến thức giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho học sinh; xây dựng tủ sách pháp luật, cấp phát tài liệu, thông tin liên quan đến an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho học sinh và giáo viên ký cam kết không vi phạm và thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, như không đi bộ dưới lòng đường, không vi phạm quy định sử dụng mô-tô, xe máy, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện; không đi xe đạp hàng hai, hàng ba; không chơi đùa, chạy nhảy dưới lòng đường; không tham gia đua xe trái phép… Các trường coi việc chấp hành giao thông là một tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại của học sinh, sinh viên.

Thứ hai, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, như không điều khiển xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát, nhất là tại các khu vực trường học; xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật khi tham giao giao thông. Thường xuyên thực hiện các đợt cao điểm, chuyên đề về xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật an toàn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông tích cực phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh vào các buổi ngoại khóa và trong các tiết học, các buổi chào cờ.

Thứ ba, để tránh tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện; thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Thứ tư, các trường học cần cung cấp cho học sinh, sinh viên các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cũng như biết cách ứng phó với các tình huống, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, như nhường đường tại nơi giao nhau; chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường; điều kiện, độ tuổi được phép điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp theo các cấp học, độ tuổi; hình thành thế hệ trẻ tham gia giao thông “có văn hóa”. Xử lý nghiêm và gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý kịp thời đối với các học sinh, sinh viên vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên ở các vùng ngoại thành có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn./.