Làng nghề và bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững
TCCS - Làng nghề truyền thống Việt Nam đã có từ hàng trăm năm, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Sự phát triển làng nghề đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các làng nghề cũng đang chuyển mình để thích nghi với nhịp sống mới và vượt qua những thách thức mới. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề vẫn chưa nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Làng nghề - những đóng góp và thách thức mới
Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Nhiều sản phẩm sản xuất trực tiếp tại làng nghề đã trở thành thương phẩm trao đổi, góp phần cải thiện đời sống gia đình và tận dụng những lao động dư thừa lúc nông nhàn. Đa số làng nghề nước ta đã trải qua lịch sử phát triển hằng trăm năm, song song với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và nông nghiệp của đất nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có 2.790 làng nghề, riêng ở Hà Nội có 1.160 làng nghề. Rất nhiều trong số này đã có hàng trăm năm tuổi như làng nghề nổi tiếng Bát Tràng. Làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) với hơn 900 năm phát triển; nghề chạm bạc ở Đồng Xâm (Thái Bình), hay nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) cũng đã hình thành cách đây hơn 400 năm. Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường năm 2008, làng nghề nước ta phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng, chiếm khoảng 60%, miền Trung, chiếm khoảng 30% và miền Nam khoảng 10%. Kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất cơ bản để làm ra các sản phẩm của làng nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trước đây, làng nghề không chỉ là trung tâm sản xuất sản phẩm thủ công mà còn là điểm văn hóa của khu vực, của vùng. Làng nghề là nơi hội tụ những thợ thủ công có tay nghề cao mà tên tuổi đã gắn liền với sản phẩm trong làng. Ngoài ra, làng nghề cũng chính là điểm tập kết nguyên vật liệu, là nơi tập trung những tinh hoa trong kỹ thuật sản xuất sản phẩm của làng. Các mặt hàng sản xuất ra không chỉ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà còn bao gồm cả các sản phẩm mỹ nghệ, đồ thờ cúng, dụng cụ sản xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường khu vực lân cận.
Sự phát triển của làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60% - 80% và ngành nông nghiệp chỉ đạt 20% - 40%. Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8% - 9,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi cơ sở doang nghiệp tư nhân chuyên làm nghề tạo việc làm ổn định cho khoảng 27 lao động thường xuyên và 8 - 10 lao động thời vụ; các hộ cá thể chuyên nghề tạo 4 - 6 lao động thường xuyên và 2 - 5 lao động thời vụ. ở những làng nghề thêu ren, dệt, mây tre đan, mỗi cơ sở có thể thu hút 200 - 250 lao động. Làng nghề thực sự đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Các làng nghề giờ đây đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Những thay đổi này vừa mang lại những thuận lợi vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Mở cửa, hội nhập, các làng nghề có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với khách nước ngoài. Đó là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của nước ta trong nhiều năm qua, mà phần nhiều có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống trong cả nước, như thủ công mỹ nghệ, thêu ren, gốm sứ.... Theo thống kê, hiện hàng hóa của các làng nghề nước ta đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 2004, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 450 triệu USD, thì năm 2008 đã tăng lên hơn 776 triệu USD. Nếu tính cả các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu thì tổng kim ngạch đạt trên 2,4 tỉ USD. Tuy nhiên, do đứng trước khủng hoảng kinh tế, nhiều làng nghề đang có nguy cơ phá sản do đọng vốn, đọng sản phẩm vì bị đối tác nước ngoài cắt hợp đồng tiêu thụ.
Theo báo cáo của 38 tỉnh, thành phố, đã có ít nhất 9 làng nghề phá sản; 124 làng nghề sản xuất cầm chừng; hơn 2.100 hộ đăng ký kinh doanh bỏ nghề. Có những làng nghề như đồ gỗ mỹ nghệ Đồng kỵ (Bắc Ninh) với hơn 200 cơ sở sản xuất, mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng đến nay 80% số cơ sở ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, sản phẩm tồn kho ước tính khoảng 20 triệu USD. Làng nghề giấy Phong Khê (Bắc Ninh) thu hút khoảng một vạn lao động, nhưng đến nay có 50% số cơ sở ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng. Làng nghề tơ lụa ở Vạn Phúc (Hà Nội) là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở nước ta, có 600 cơ sở sản xuất thì hiện nay 30% số này đã đóng cửa... Trước thực trạng suy giảm kinh tế hiện nay, theo dự báo của Hiệp hội Làng nghề, nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, sẽ có khoảng 40% số làng nghề có nguy cơ phá sản, kéo theo hàng vạn người bị mất việc làm.
Đảng và Nhà nước ta đang đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề ở nông thôn, áp dụng phổ biến các công nghệ mới thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề, làm tăng thu nhập của mỗi người dân nông thôn. Các làng nghề mới và các cụm làng nghề không ngừng được khuyến khích phát triển, vượt qua những thách thức, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đạt được sự tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định ở khu vực nông thôn.
Vẫn còn không ít bức xúc về môi trường
Cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là duy trì bản sắc làng nghề, hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng; mặt khác, phải bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.
Ô nhiễm môi trường làng nghề có đặc điểm là ô nhiễm phân tán trong phạm vi một khu vực (thôn, làng, xã...). Do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu sinh hoạt nên đây là loại hình ô nhiễm khó quy hoạch và kiểm soát. Ô nhiễm môi trường làng nghề còn mang đậm nét của hoạt động sản xuất theo ngành nghề và loại hình sản phẩm, tác động trực tiếp tới môi trường nước, khí, đất trong khu vực. Tại khu vực sản xuất, ô nhiễm môi trường thường khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Chất lượng môi trường tại hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc khá cao: 95% số người lao động tiếp xúc với bụi, 85% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước vừa qua cho thấy, trong số đó có 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng), 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.
Các kết quả quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của làng nghề không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, nhất là, ô nhiễm bụi tại các làng nghề gốm, sứ, vật liệu xây dựng, khai thác đá, đồ gỗ mỹ nghệ và các làng nghề tái chế. Đặc trưng nổi bật là phát sinh một lượng lớn bụi chứa kim loại nặng và bụi vật liệu độc hại. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao. Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề dệt nhuộm, tái chế giấy tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn; làng nghề tái chế kim loại có hàm lượng kim loại nặng độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Hầu hết chất thải rắn ở các làng nghề vẫn chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước dưới đất tại các địa phương.
Ô nhiễm môi trường làng nghề có tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Trong thời gian gần đây, ở nhiều làng nghề tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Theo kết quả của một nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và so với làng không làm nghề tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 đến 10 năm. Theo thống kê, tại tỉnh Hà Nam, so sánh giữa 7 làng nghề: dệt lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, rượu Hợp Lý, bánh đa nem Mão Câu, dũa Đại Phúc, đá La Mát, làng đa nghề Nhật Tân và những làng không làm nghề như Yên Nam, Trắc Văn, Hợp Lý, thị trấn Quế, Ngọc Sơn, Liêm Phong có thể thấy, tỷ lệ mắc các bệnh ngoài da, tiêu chảy, hô hấp và đau mắt tại 7 làng nghề cao hơn rất nhiều so với các làng không làm nghề. Làng nghề tái chế kim loại Châu Khê (Bắc Ninh) có trên 60% dân cư trong vùng mắc các triệu chứng bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc; làng nghề cơ khí Vân Chàng (Nam Định) ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí đã làm cho phần lớn cư dân trong làng mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da và phụ khoa, 4,7% số người trong làng bị mắc bệnh lao phổi, 8,3% mắc bệnh viêm phế quản, số người chết vì ung thư ngày càng tăng. Làng nghề chế biến rượu Vân Hà (Bắc Giang) có đến 68,5% số người dân mắc bệnh ngoài da, 58,8% bệnh đường ruột, 44,4% bệnh hô hấp. Tại làng sản xuất nước mắm Thanh Hải (Thanh Hóa) tỷ lệ người mắc bệnh là 15%, bao gồm các loại bệnh như tiêu hóa, phụ khoa, đường hô hấp và cao huyết áp.
So sánh giữa các khu vực làng nghề và không làm nghề cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh của các đối tượng khu vực làng nghề cao hơn hẳn so với khu vực làng thuần nông. Mức độ ô nhiễm môi trường của các làng nghề đã có ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe cộng đồng dân cư. Mỗi nhóm làng nghề thường có nguy cơ ô nhiễm môi trường đặc trưng, vì vậy ảnh hưởng của các hoạt động làng nghề đến sức khỏe người dân cũng khác nhau. Tại làng nghề nhuộm, ươm tơ, thuộc da người dân thường mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa, thần kinh. Ở làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, tái chế phế liệu, người dân thường mắc các bệnh hô hấp, ngoài da, tiêu hóa, thần kinh, ung thư... Đáng chú ý là, các chủ cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đến quyền lợi bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Nhiều cơ sở còn không trang bị những thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Ô nhiễm môi trường làng nghề còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh tế, xã hội của chính các làng nghề, gây ra những tổn thất không nhỏ về kinh tế và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng.
Công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa; chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các bộ, ngành và địa phương chưa rõ ràng và còn chồng chéo; tuy đã có quy hoạch, nhưng các cụm, khu công nghiệp tập trung của làng nghề vẫn chưa có hệ thống quản lý môi trường chung; nhân lực, tài chính cho bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu; công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề chưa được triển khai cụ thể, chưa huy động được nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường làng nghề. Việc ứng dụng công nghệ môi trường tại các làng nghề còn chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề thường quan niệm phát triển kinh tế, tăng thu nhập là chính, không quan tâm tới bảo vệ môi trường. Mặt khác, do đặc thù làng nghề, các chủ doanh nghiệp trình độ học vấn hạn chế (khoảng 83,5% lao động nông thôn không qua đào tạo, 85% mới học hết phổ thông cơ sở) do đó ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng quản lý hay tổ chức sản xuất của từng hộ gia đình. Thực tế cho thấy, ở những nơi người dân có tính cộng đồng cao, việc phối hợp và liên kết giữa các hộ sản xuất cũng thuận lợi hơn, nhưng đôi khicũng rất khó khăn trong việc phá bỏ nhữngquan niệm lạc hậu. ở những nơi có tính cộng đồng thấp, việc quản lý còn khó khăn hơn nhiều.
Những vấn đề cần giải quyết
Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Các làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
Một là, chú trọng các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí "Làng nghề xanh" nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Hai là, quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm, tái chế giấy... Quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, mở rộng đường, xây nhà cao tầng, lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng để có thể kết hợp với du lịch.
Ba là, tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án nghiên cứu về áp dụng sản xuất sạch hơn cụ thể cho từng loại hình làng nghề để có mô hình trình diễn nhân rộng.
Bốn là, phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh các làng nghê gây ô nhiễm môi trường. Hiện nước ta đang có 13 làng nghề bị đưa vào danh sách các cở sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, các địa phương và các làng nghề khẩn trương xử lý môi trường để được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; mặt khác, vẫn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa vào "danh sách đen" làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong phạm vi làng xã mà lan rộng ra cả một khu vực. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm không chỉ giới hạn trong phạm vi làng nghề mà cần phải xử lý cả khu vực đã bị ô nhiễm.
Năm là, tổ chức các lớp đào tạo, trình diễn thử nghiệm áp dụng sản xuất sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Khuyến khích các cơ sở sản xuất xử lý nước thải, khí thải, quản lý môi trường bằng cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế, không khuyến khích phát triển và một số hoạt động, công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để. Thí dụ, hạn chế phát triển mới, mở rộng các cơ sở sản xuất tái chế chất thải nguy hại; nghiêm cấm sử dụng trong làng nghề những phương pháp sản xuất thủ công và thiết bị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoặc sử dụng quặng có tính phóng xạ.
Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề là vấn đề có tính then chốt. Các hoạt động đào tạo, truyền nghề đã có truyền thống từ xưa với những hình thức khá đa dạng. Chúng ta cần có những khảo sát, đánh giá nhu cầu cần đào tạo cho người lao động các làng nghề; đánh giá đội ngũ nghệ nhân, những người đang truyền nghề tại các làng nghề. Có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa các làng nghề và các cơ sở dạy nghề có nghề tương đương để huy động đội ngũ giáo viên dạy nghề tham gia các khóa đào tạo nghề và tổ chức cho học viên thực hành nghề phù hợp. Chú trọng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và phổ biến lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước làng xã. Tuy nhiên, hương ước cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với nội dung bảo vệ môi trường của làng xã trong thời kỳ phát triển mới./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm, làm việc tại Liên bang Nga và dự Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu tại Ðan Mạch  (14/12/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm I-ta-li-a; đi thăm Tây Ban Nha  (14/12/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Thủ tướng I-ta-li-a  (13/12/2009)
Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn  (13/12/2009)
Nga và Mỹ sẽ nối lại đàm phán về Hiệp ước START  (13/12/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển