Tỉnh Cao Bằng: Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững
TCCS - Tỉnh Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều danh lam thắng cảnh, mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn và tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
1- Toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, trong đó 96 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia. Tỉnh Cao Bằng có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; nổi tiếng với nhiều đặc sản, đặc trưng trong văn hóa ẩm thực độc đáo, có nhiều thế mạnh để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch lịch sử cách mạng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, biên giới và đặc biệt du lịch cộng đồng, giúp du khách khám phá giá trị bản sắc văn hóa nguyên sơ của các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Từ năm 2009, du lịch cộng đồng đã bắt đầu được hình thành và phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu và thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Bằng nhiều hình thức, tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình, dự án phát triển du lịch cộng đồng từ các nguồn vốn tạo sinh kế cho người dân. Cùng với đó, các dự án, chương trình hỗ trợ người dân triển khai các hạng mục, như: Cải tạo gầm nhà sàn, hỗ trợ xây mới chuồng, di dời trâu, bò ra khỏi gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh khép kín, bể biogas composite tận dụng khí đốt; xây dựng trung tâm thông tin, nhà văn hóa; thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng; tổ chức các nhóm dịch vụ; hỗ trợ đường đi lại trong làng, xây dựng biển báo, biển chỉ dẫn lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, thành lập đội văn nghệ thôn bản, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch... Đã giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi nhốt gia súc, gia cầm và nhà vệ sinh tại gầm sàn các hộ dân; nhận thức của người dân về du lịch ngày một nâng cao, tích cực tham gia cung cấp dịch vụ du lịch. Một số điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, như: Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc); xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình); Bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa); làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa). Ngoài ra, một số địa phương bắt đầu quan tâm đến quy hoạch, đầu tư phát triển một số xóm, làng, bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, như: Làng nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa); xóm Giốc Rùng, xã Phong Nặm (huyện Trùng Khánh); xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân (huyện Thạch An); Bãi Tình, xã Thanh Long, Nặm Ngùa và Lũng Tó, xã Ngọc Động (huyện Hà Quảng).
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống...; tỉnh hiện có 10 nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; trên 700 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, cùng với các cá nhân, gia đình, dòng họ đang sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, tổ chức truyền dạy, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương... Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; triển khai thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU, ngày 13-8-2019, “Về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025”; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hằng năm, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, chương trình quảng bá, hội chợ xúc tiến du lịch trong vùng và quốc gia. Các sự kiện văn hóa, văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch được đẩy mạnh; tỉnh đăng cai tổ chức các cuộc thi có quy mô được đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của khách du lịch, như: Liên hoan hát then đàn tính; hội thi hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc năm 2019; lễ hội về nguồn Pác Bó; lễ hội du lịch Thác Bản Giốc;... Công tác hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng; đào tạo về phục hồi các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống; đào tạo tiếng Anh du lịch cộng đồng; tập huấn kiến thức du lịch cho người dân tham gia dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, người dẫn đường cho các xóm, xã ưu tiên sử dụng lao động du lịch là người dân tộc thiểu số tại địa phương,...; tổ chức các hoạt động học tập kinh nghiệm tại các tỉnh có mô hình du lịch cộng đồng phát triển. Qua đó, nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày một nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dự kiến sẽ khởi công trong quý II-2022 sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, trong đó tập trung các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch, như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống biển, bảng thuyết minh, chỉ dẫn; bảo tồn bản sắc văn hóa, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh tại các điểm du lịch cộng đồng; đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ tại các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng và hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Cùng chung tay thực hiện công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trong hai năm 2020 và năm 2021, tỉnh đã kịp thời phổ biến, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống đại dịch, qua đó đóng góp vào thành quả chung của địa phương trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Đến nay, các khu, điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh Cao Bằng vẫn được coi là điểm đến an toàn. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch lượng khách du lịch và nguồn thu của ngành du lịch có sự sụt giảm. Tuy nhiên, tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, lượng khách du lịch và nguồn thu của ngành du lịch của tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể, cụ thể: Tổng lượt khách đến tỉnh Cao Bằng đạt trên 5 triệu lượt, trong đó lượng khách tham gia và trải nghiệm du lịch cộng đồng khoảng 250 nghìn lượt; doanh thu du lịch trên 1.200 tỷ đồng.
2- Mặc dù vậy, du lịch cộng đồng ở tỉnh Cao Bằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ; nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng còn khiêm tốn, chưa có các chính sách khuyến khích, huy động được nhiều nguồn lực xã hội; chất lượng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch; một số địa điểm được đầu tư nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; việc gắn kết khai thác các vốn di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch còn nhiều hạn chế; một số nghề truyền thống bị mai một, chưa được quan tâm phục dựng; mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX khẳng định, phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc là một trong ba nội dung đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để đạt được các mục tiêu vừa bảo đảm phục hồi, thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm để khuyến khích, phát triển du lịch cộng đồng, như sau:
Một là, ban hành, thực hiện tốt kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, trong đó sẽ tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh; khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo nên thương hiệu và hình ảnh mỗi điểm đến du lịch của tỉnh, gồm các nhóm sản phẩm, như: Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch qua biên giới, sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng...
Hai là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, nhất là tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực và lan tỏa phát triển; đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch nhằm tạo bước đột phá cho du lịch phát triển.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan là Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch cũng như việc gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, hiệp hội du lịch, công ty du lịch trong việc quản lý tại các khu, điểm du lịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-HĐND, ngày 10-12-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng, “Về ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025”.
Bốn là, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến về các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tiếp cận các thông tin về các khu, điểm du lịch có thế mạnh, các điểm du lịch tiềm năng có thể khai thác, phát triển. Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để cộng đồng dân cư trong vùng chủ động nắm bắt. Thường xuyên trao đổi, giao tiếp đối với cộng đồng và các bên liên quan tham gia vào các dự án du lịch thực hiện trên địa bàn.
Năm là, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng. Tuyên truyền, vận động thực hiện phát triển du lịch thông qua mô hình sản xuất “mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo ra sự khác biệt cho mỗi nhóm sản phẩm và dịch vụ. Thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương để phát triển những làng nghề, lễ hội truyền thống, trồng các loại cây đặc sản của địa phương. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động trong ngành du lịch. Tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch đối với lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ bằng các chính sách hỗ trợ trong đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề. Tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động du lịch để “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên” nhằm tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.
Cùng với các giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng, chú trọng đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các sản phẩm nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng tạo dựng thương hiệu Du lịch Cao Bằng với các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, đặc trưng riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh kế bền vững cho người dân.../.
Tỉnh Quảng Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (31/05/2022)
Tỉnh Quảng Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (31/05/2022)
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc  (19/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển