TCCSĐT - Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai nội dung trọng tâm trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nông dân, người nghèo, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hai nội dung đó đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt được những kết quả quan trọng.

Hai Chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới); đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

 
 Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng rãi trên toàn quốc, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh minh họa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với mục tiêu toàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh - trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Về xóa đói, giảm nghèo, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 xác định “Ðẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

 
 Hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất để giảm nghèo bền vững. Ảnh minh họa.

Những kết quả khả quan

Năm 2018, cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã hoàn thành mục tiêu đề ra, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức Quốc hội, Trung ương và Chính phủ giao, góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước.

Cụ thể, cả nước có 3.838 xã (43,02%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 769 xã (8,62%) so với năm 2017, trong đó 03 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 14,57 tiêu chí/xã (tăng 0,4 tiêu chí so với cuối năm 2017). Còn 10 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 103 xã so với cuối năm 2017. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 huyện so với năm 2017.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017); bình quân cả nước giảm 1,51%/năm giai đoạnh 2016-2018, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm; đã có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình; 21/2.139 xã thuộc Chương trình 135 hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giữa các vùng, miền còn khá lớn, tỷ lệ tái nghèo một số nơi còn cao, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây miền Trung.

Gắn kết xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững

Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 nhấn mạnh tinh thần là tạo ra sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong năm 2019. Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện tốt hơn năm 2018 để đạt được các mục tiêu, phấn đấu cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí, mỗi tỉnh có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm trong năm 2019 làm cơ sở xem xét công nhận một số tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu thành xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần); giải quyết dứt điểm hộ nghèo là hộ người có công.

Đồng thời tăng cường nguồn lực và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung đầu tư cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khắc phục yếu kém về phân bổ nguồn lực cho các vùng nghèo, kinh phí duy tu công trình, tái nghèo, trục lợi chính sách.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, báo cáo Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát, tích hợp chính sách, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách về hỗ trợ sản xuất, tiếp cận các dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch), phát triển hạ tầng vùng khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Điều 4 Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13-9-2018 của Chính phủ quy định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục các nỗ lực đồng bộ nhằm thực hiện toàn diện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020./.