Khai thác giá trị di sản văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch ở Gia Lai
TCCSĐT - Gia Lai là tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng về văn hóa truyền thống của hai tộc người Bahnar, Jrai, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Việc khai thác loại hình du lịch văn hóa này góp phần nâng cao đời sống cho người dân tại chỗ, đồng thời quảng bá hiệu quả các giá trị di sản văn hóa truyền thống đến du khách trong nước, quốc tế khi đến Gia Lai.
Di sản văn hóa cồng chiêng Gia Lai: Tiềm năng để phát triển du lịch
Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới, nằm trong vùng tam giác phát triển của khu vực Đông Dương là Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của vùng Tây Nguyên.
Gia Lai có diện tích tự nhiên trên 15.536 km2, dân số toàn tỉnh trên 1,4 triệu người với 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 44,5%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar, có quá trình lịch sử - văn hóa lâu đời. Gia Lai có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành, có nền văn hóa bản địa đặc sắc với “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh hiện có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh...(1).
Ở Gia Lai, tại 17 huyện, thị xã, thành phố, nhiều buôn làng dân tộc thiểu số đồng bào Bahnar, Jrai hiện vẫn còn giữ được không gian làng truyền thống với kiến trúc nhà sàn, nhà rông, nhà mồ, lưu giữ được các lễ hội dân gian cùng những nét sinh hoạt cộng đồng, những bộ cồng chiêng quý cùng các đội nghệ nhân cồng chiêng trẻ/già. Đây là những điều kiện bước đầu để cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư quan tâm đến việc chọn địa điểm, chọn loại hình di sản, chọn sản phẩm du lịch đặc trưng để đầu tư khai thác du lịch lâu dài cho địa phương.
Có thể kể tên một số làng như: làng Ốp, thành phố Pleiku có không gian đẹp, ngay tại trung tâm thành phố, làng có nghề làm rượu cần ngon, có nhà rông đẹp, đặc biệt có hai đội cồng chiêng trẻ/già do bí thư đoàn thanh niên của làng phụ trách và già làng Ksor Núi làm đội trưởng. Khi có sự kiện văn hóa, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố thông báo đội cồng chiêng của làng có mặt đầy đủ phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ một cách nhiệt tình, chuyên nghiệp. Hay xa hơn là ngôi làng kháng chiến Stơr, thuộc xã Tơ Tung, huyện Kbang, cách thành phố Pleiku hơn 80km, cách đường quốc lộ 19 khoảng 10km, cách thị trấn Kbang 16km. Làng Stơr được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1993. Tại khu di tích hiện có nhà lưu niệm Anh hùng Núp, nhà rông của đồng bào dân tộc Bahnar, có các đội cồng chiêng và nghệ nhân hát dân ca giỏi, làm tượng gỗ, đan lát đẹp. Làng được đầu tư tôn tạo và nằm cách không xa các điểm di tích, điểm du lịch khác như thác Hang Dơi, hồ thủy điện Ka Nak, di tích Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, do vậy, làng Stơr có khả năng thu hút du khách đến tham quan du lịch và giao lưu cồng chiêng. Còn nhiều những đội cồng chiêng với các nghệ nhân giỏi, tâm huyết đang tích cực truyền nghề lại cho thế hệ trẻ trong làng và các làng lân cận như thế ở Gia Lai hôm nay như ở các làng: Làng Phung (Plei Phun), làng Kép (huyện Chư Păh), Làng Blôm (huyện Ia Pa), làng Chiêng (huyện Kbang), làng Đê Ktu (huyện Mang Yang), làng Tờ Nùng (huyện Kông Chro), làng Hway (huyện Đak Pơ) (2)...
Ia Grai là một huyện còn giữ được nhiều cồng chiêng. Năm 2016, ở xã Ia O của huyện có 517 bộ cồng chiêng, xã được coi như một hiện tượng điển hình về việc bảo tồn cồng chiêng, trong đó có 202 bộ chiêng quý. Rất nhiều làng có số lượng cồng chiêng lên tới 70 - 80 bộ như: làng Dăng có 86 bộ; làng Cúc có 80 bộ; làng Mít Jép có 78 bộ; làng Bi có 71 bộ; các làng Lân, O, mỗi làng có 52 bộ cồng chiêng. Làng có ít cồng chiêng nhất của xã này là làng Mít Kom cũng có số lượng cồng chiêng lên tới 27 bộ. Còn xã Ia Chiă chỉ còn 09 bộ cồng chiêng (3). Cách đây khá lâu, năm 2003, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiến hành điều tra di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực người Jrai, thống kê được 421 nghệ nhân thuộc lĩnh vực âm nhạc dân gian. Năm 2005, điều tra trong khu vực người Bahnar, thống kê được 1.748 nghệ nhân âm nhạc dân gian, chủ yếu là sử dụng cồng chiêng.
Theo thống kê năm 2008, toàn tỉnh có 5.655 bộ cồng chiêng, phần lớn là những bộ cồng chiêng có giá trị cao, trong đó, huyện Ia Grai có số lượng cồng chiêng lớn nhất (1.116 bộ/92 làng). Toàn tỉnh lúc đó có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng (4). Những con số này cho thấy tiềm năng lớn từ di sản văn hóa cồng chiêng của hai dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai trong khai thác phát triển loại hình du lịch văn hóa ở địa phương. Mới đây nhất, tháng 11-2018, tại Kbang - một huyện phía Đông của tỉnh, nơi có người Bahnar Bơnâm sinh sống lâu đời, nơi đang còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như nghề dệt, tạc tượng, kiến trúc, lễ hội, cồng chiêng…, huyện hiện còn 631 bộ cồng chiêng, 103 đội cồng chiêng với gần 2.000 nghệ nhân trẻ/già. Nhiều xã, thị trấn của huyện như: xã Đông, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Lơ Ku, thị trấn Kbang trong các làng có từ 1 - 3 đội cồng chiêng, người già truyền nghề cho lớp trẻ, các đội chiêng đánh rất hay, tham gia các cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng rất đông đủ, khi tham gia những cuộc thi các đội cồng chiêng của huyện Kbang thường đạt giải cao trong tỉnh, khu vực.
Trong truyền thống của cư dân tại chỗ Tây Nguyên, cồng chiêng không tồn tại là một loại nhạc cụ hay một phương tiện giải trí đơn thuần mà có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Cồng chiêng có mặt sớm trong hầu hết các tộc người đã cư trú lâu đời ở Tây Nguyên. Cồng chiêng là một phần máu thịt của văn hóa Tây Nguyên. Ở Gia Lai, hai dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai đang sở hữu di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này, họ là chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và với họ, cồng chiêng là thứ âm nhạc không thể thiếu trong các nghi lễ vòng đời. Từ khi sinh ra đến khi chết đi, tiếng cồng chiêng thấm đẫm trong tâm thức của mỗi người. Vui thì có điệu chiêng hân hoan chào đón ngày ra đời, ngày làm lễ thổi tai khi 3 tháng tuổi, ngày đầy 1 tuổi, ngày thành niên 13 - 14 tuổi, ngày cưới, ngày mừng sức khỏe, ngày kết nghĩa anh em, ngày có khách đến chơi thăm và buồn thì có tiếng chiêng khi ngày qua đời về với làng ma (atâu) trong lễ bỏ mả. Âm thanh cồng chiêng trong các nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng đa thần của người Jrai mang ý nghĩa kết nối với các đấng thần linh (Yang). Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cồng chiêng có vai trò giống như khói nhang của người Việt, tiếng chiêng vang lên, ngân xa là phương tiện để kết nối giữa con người với thần linh, mong cầu các Yang chứng giám và che chở, hỗ trợ, giúp đỡ mọi người trong làng, plei, bon, buôn mạnh khỏe, no đủ. Cồng chiêng còn kết nối mọi người trong cộng đồng với nhau khi vui, lúc buồn, cứ nghe nhà nào, làng nào có tiếng cồng chiêng là đồng bào trong làng, bà con làng gần, làng xa sẽ tìm đến để chia sẻ, để chung vui. Cồng chiêng là tài sản của những gia đình khá giả trong các buôn làng từ xưa đến nay. Đây là tài sản vô cùng quý báu của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung cũng như du lịch nói riêng tại Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai.
Thực trạng bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Gia Lai là một tỉnh còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% dân số, đời sống đồng bào trong vùng dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Hoạt động văn hóa - thông tin còn hạn chế. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, “nạn chảy máu cồng chiêng” diễn ra mạnh trong các buôn làng. Chưa kể, đạo Tin Lành đang phát triển khá nhanh, tập trung ở nhiều huyện, thị xã của tỉnh, ảnh hưởng đến việc quản lý và bảo vệ văn hóa truyền thống. Những tôn giáo du nhập này đã tác động mạnh đến đời sống văn hóa - xã hội của người Bahnar, Jrai. Các giáo sỹ chủ động “phá thần” trong tín ngưỡng cổ truyền và tạo ra những vị thần mới. Họ xóa bỏ cơ sở niềm tin trong tín ngưỡng cổ truyền của đồng bào. Những người theo đạo buộc phải từ bỏ các vị thần theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” mà xưa nay họ vẫn tin theo, thờ cúng, cầu xin được phù hộ. Thay vào đó là những vị thánh thần của tôn giáo mới. Vì vậy, đồng bào theo đạo đã bỏ đi nhiều phong tục tập quán của mình như: không tổ chức các lễ hội truyền thống, không tổ chức hoặc tham gia các sinh hoạt văn hóa truyền thống, không đánh chiêng, uống rượu, tạc tượng gỗ... Các lễ hội truyền thống dần được thay thế bằng các nghi lễ tôn giáo. Thay vì cúng tế là cầu nguyện. Không còn những sinh hoạt văn hóa truyền thống thì các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian khó có môi trường phát triển, trong đó có trình diễn cồng chiêng.
Bên cạnh những thành tựu từ cuộc sống hiện đại đã và đang đem lại thì những hạn chế mà nó tác động tới văn hóa cổ truyền Tây Nguyên cũng không nhỏ, trong đó có việc duy trì và tổ chức các hoạt động lễ hội dân gian. Kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi. Đồng bào không chỉ làm lúa rẫy mà còn làm cà phê, tiêu, mía, mì, chè, điều. Nông lịch thay đổi, thời gian nông nhàn không còn. Các lễ hội được tổ chức ngày càng đơn giản, bớt nhiều bước từ khâu chuẩn bị, trang trí, tiến hành nghi lễ, thời gian tổ chức, ẩm thực... Đặc biệt, nghệ thuật trang trí trong các không gian lễ hội - nơi các kiến trúc nhà rông, nhà mồ bị giản lược, hoa văn bị cắt bỏ nhiều, cồng chiêng, nghệ nhân và các bài cồng chiêng cũng ít được phát triển. Nhiều làng, cồng chiêng bị các nhà buôn gạ ép bán với giá rẻ, trao đổi hàng hóa với giá chênh lệch thấp, thậm chí bị đánh cắp. Giới trẻ trong các buôn làng thích nghi nhanh chóng với những chương trình giải trí mới trên các phương tiện thông tin hiện đại, dần không còn yêu thích âm nhạc dân tộc mình, lười học đánh cồng chiêng, tham gia các lễ hội hay hoạt động chung của cộng đồng tại làng, bon, plei. Do vậy, nhiều giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc ở các buôn làng Jrai, Bahnar đang bị mai một trong nhịp sống hiện đại, trong đó có di sản văn hóa cồng chiêng.
Giải pháp khai thác giá trị cồng chiêng để phát triển du lịch ở địa phương
Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học cấp khu vực về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vai trò của nghệ nhân để khẳng định những giá trị độc đáo của âm nhạc cồng chiêng trong kho tàng văn hóa dân gian và sự đóng góp to lớn của các nghệ nhân trong việc làm nên một không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên. Đưa nội dung âm nhạc cồng chiêng vào trong chương trình giáo dục của khoa âm nhạc tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ở Tây Nguyên để học sinh, sinh viên hiểu những nét đại cương về âm nhạc dân gian Tây Nguyên.
Để tôn vinh những người đánh cồng chiêng giỏi, chỉnh chiêng giỏi nên xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho những người có tay nghề, trình độ cao, được cộng đồng công nhận, bầu chọn. Có chế độ, chính sách thỏa đáng động viên, khuyến khích họ cống hiến và truyền nghề cho thế hệ trẻ trong cộng đồng.
Định kỳ tổ chức thi trình diễn cồng chiêng cấp khu vực, quốc tế, tạo điều kiện cho các nghệ nhân học hỏi, nâng cao tay nghề, giao lưu truyền đạt kinh nghiệm và kích thích lòng yêu nghề cùng nhau giữ gìn âm nhạc dân gian Tây Nguyên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu được không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên là một di sản văn hóa quý giá có giá trị to lớn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tại địa phương, cần chung tay giữ gìn và phát huy.
Để phát hiện, bồi dưỡng lực lượng nghệ nhân kế cận, cần tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các nghệ nhân có kinh nghiệm. Đó là các sinh hoạt trong lễ hội, tổ chức cuộc thi, mở lớp dạy đánh cồng chiêng... Có như thế, người già mới tăng thêm niềm hứng khởi, người trẻ nảy sinh sự yêu thích, ham học hỏi, nâng cao tay nghề.
Cần bảo tồn cồng chiêng và diễn tấu cồng chiêng ngay trong đời sống cộng đồng. Khôi phục và phát huy các lễ hội truyền thống để qua môi trường lễ hội, các nghệ nhân có thể thể hiện tài năng của mình, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.
Muốn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại lâu bền, nghệ nhân có nơi trình diễn thì cấp ủy, chính quyền cần tạo ra nhu cầu cần đến âm nhạc cồng chiêng trong đời sống xã hội để khai thác, phát triển ngành du lịch. Đó là gắn hoạt động trình diễn cồng chiêng cùng những sản phẩm phụ trợ khác (ẩm thực, trang phục, hàng lưu niệm, hàng nông thổ sản...) với các hoạt động du lịch. Coi văn hóa cồng chiêng như một sản phẩm hàng hóa có thể khai thác phục vụ du khách theo nhu cầu. Có như vậy, lực lượng nghệ nhân mới có điều kiện duy trì, phát triển, mới có thể đem tài năng góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp và giá trị cho kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cần nghiên cứu xây dựng chương trình văn nghệ cồng chiêng tại các buôn làng để hấp dẫn du khách. Hoạt động cùng tham gia giao lưu văn nghệ, cồng chiêng sẽ tạo sự kết nối giữa du khách với dân làng. Để làm được điều này, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan có những biện pháp bảo vệ và duy trì mô hình làng truyền thống, hỗ trợ kinh phí để xây dựng và bảo vệ một số thiết chế, hoạt động văn hóa của hai dân tộc tại chỗ trên cơ sở tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của đồng bào tại địa phương./.
---------------------
(1), (4) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, Báo cáo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2005 - 2015, năm 2018
(2) Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh Du Lịch Gia Lai - Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Du lịch Gia Lai - Homestay và Ẩm thực, năm 2013
(3) Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Grai, Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, văn hóa truyền thống hai xã biên giới Ia Chía và Ia O huyện Ia Grai, năm 2016
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 07 đến ngày 13-01-2019)  (16/01/2019)
Ghi nhận kết quả, khắc phục hạn chế  (15/01/2019)
Ghi nhận kết quả, khắc phục hạn chế  (15/01/2019)
Thực hiện tốt công tác hậu cần quân đội trong thời kỳ mới  (15/01/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên