Long An: Những nỗ lực tri ân người có công với cách mạng
TCCSĐT - Với nhận thức sâu sắc về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An luôn nêu cao tinh thần chăm lo đời sống người có công, coi đó là trách nhiệm và tình cảm dành cho những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của dân tộc. Nhiều năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương đã góp phần nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho các đối tượng chính sách.
Quê hương “trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Đó là 8 chữ vàng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng cho tỉnh Long An ngay trong Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 tổ chức vào ngày 17-9-1967 tại căn cứ Trung ương Cục, miền Đông Nam bộ. Có được sự ghi nhận to lớn đó, là bởi trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, quân và dân địa phương này đã làm nên những chiến thắng vô cùng oanh liệt, vẻ vang vùng vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến.
Theo nhiều tư liệu lịch sử cho biết, vào đầu năm 1966, quân Mỹ bắt đầu tham chiến trên chiến trường Long An. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ và phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, đồng thời mở nhiều đại hội chiến sĩ thi đua. Đáp lại lời kêu gọi đó, quân, dân trong toàn tỉnh đã tự chế tạo gần 100.000 trái mìn, lựu đạn để đánh Mỹ. Với tinh thần quật khởi, chỉ trong 2 năm 1966 -1967, quân, dân tỉnh Long An đã đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ. Trong giai đoạn này, hình thái chiến tranh nhân dân ở Long An phát triển lên đến đỉnh cao, điển hình là tại vành đai Rạch Kiến, quân, dân địa phương này đã tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, 17 máy bay, 20 xe thiết giáp và thu nhiều phương tiện chiến tranh. Cũng theo các tư liệu lịch sử, giai đoạn này phong trào đánh giặc cứu nước ở Long An trở thành một phong trào rộng lớn, những hình ảnh bà mẹ tay không chặn xe tăng địch, những em bé vừa chăn trâu, vừa làm trinh sát cho bộ đội và dũng cảm lấy lựu đạn của địch để tiêu diệt địch. Bởi vậy, tám chữ vàng “trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” là sự biểu dương, ghi nhận kịp thời đối với Long An. Đó cũng là danh hiệu cao quý, niềm tự hào được ghi mãi theo thời gian dành cho địa phương.
Nhiều mất mát, hy sinh
Chiến tranh đã gây biết bao mất mát, đau thương, nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của những người mẹ, người cha mất con, vợ mất chồng. Và, khi đất nước hòa bình, hậu quả chiến tranh đã để lại nặng nề. Tỉnh Long An có nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công; người hoạt động trong kháng chiến bị địch bắt tù đày, hy sinh một phần thân thể hoặc anh dũng hy sinh, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An; hiện nay, tỉnh Long An có 124.081 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó: 30.292 liệt sĩ; 11.050 thương binh; 1.839 bệnh binh; 68 Anh hùng lực lượng vũ trang; 2.689 người tham gia hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 26.380 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.667 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; 23.696 người tham gia hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần (huân, huy chương); 4.926 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 259 Mẹ. Vừa qua, tỉnh Long An đã lập hồ sơ và đề nghị cấp trên tiếp tục công nhận danh hiệu vinh dự của Nhà nước - Mẹ Việt Nam anh hùng cho 227 Mẹ. Ngoài ra, còn tồn đọng một số hồ sơ chưa giải quyết, do vướng mắc thủ tục và công tác thẩm định.
Những phong trào, việc làm tri ân thiết thực
Xác định việc quan tâm chăm lo người có công là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và đó là trách nhiệm, tình cảm, là việc làm hết sức quan trọng, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền của Long An đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng, thông qua nhiều việc làm, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần từng bước nâng cao đời sống cho người có công, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, để bảo đảm tính chính xác, kịp thời chế độ cho những người có công với cách mạng, những năm qua công tác xác nhận, giải quyết hồ sơ chính sách cho người có công luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, thực hiện rất nghiêm túc, nhanh gọn, nhất là việc xử lý hồ sơ tồn đọng được triển khai ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh). Tính đến nay, Long An đang chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho gần 22.000 đối tượng người có công với cách mạng, với số tiền trợ cấp hằng năm trên 300 tỷ đồng theo chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã thực hiện tốt công tác vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng, với nguồn quỹ này, hằng năm tỉnh sử dụng để xây dựng trên 200 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, sửa chữa trên 100 căn và đến nay đã cơ bản xoá nhà ở thô sơ, tre lá; hằng năm tỉnh cũng đã trích ngân sách gần 10 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp lễ, tết.
Nhằm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng được quan tâm mở rộng, được cộng đồng xã hội hưởng ứng dưới nhiều hình thức đa dạng và thiết thực. Nổi bật là huyện Tân Thạnh, huyện có 245 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 14 mẹ còn sống; 623 thương binh; 93 bệnh binh; 7 Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang,… Để tri ân, trong năm 2016 huyện đã xây dựng 24 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 655 triệu đồng (đạt 145,6% kế hoạch), chi trả các chế độ dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng kịp thời.
Huyện Thủ Thừa, hiện có 23 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nuôi dưỡng và chăm sóc đến trọn đời. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 195 triệu đồng triệu đồng; xây dựng 06 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng là thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở với số tiền 300 triệu đồng; đưa 1 hài cốt liệt sĩ từ xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An; trao tặng mới 02 bằng tổ quốc ghi công cho hai thân nhân liệt sĩ cư ngụ tại xã Long Thạnh. Bên cạnh việc các cơ quan, đơn vị và các mạnh thường quân trong và ngoài huyện hỗ trợ thăm và tặng gần 290 phần quà với tổng số tiền trên 86 triệu đồng, huyện đã giải quyết chi trả trợ cấp thường xuyên cho 924 đối tượng với số tiền 2 tỷ 660 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà cho 2.091 đối tượng với tổng số tiền gần 800 triệu đồng, cấp gần 2.280 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công.
Huyện Cần Đước phát động phong trào mỗi cá nhân, đơn vị làm một việc tốt giúp đỡ người có công với cách mạng. Đây là hoạt động cũng rất có ý nghĩa trong việc tạo điều kiện cho tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thể hiện lòng tri ân với những người hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Đồng thời, các xã, thị trấn trong huyện cũng hưởng ứng tích cực phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ đầu năm đến nay, huyện vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; huyện đang xây dựng 4 căn, sửa chữa 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; tiến hành xây mới 12 căn nhà tình nghĩa theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Một việc làm hết sức ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017) của tỉnh Long An, đó là: Vào cuối tháng 5-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã tiến hành lấy ý kiến và thống nhất về việc nâng định mức xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, cụ thể là nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa lên 50 triệu đồng/căn và sửa chữa lên 30 triệu đồng/căn.
Cùng với việc đánh giá tích cực những việc làm tri ân đến người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017) là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dành những tình cảm thiêng liêng nhất tưởng nhớ, biết ơn những liệt sĩ, thương binh hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, trong những ngày của tháng 7-2017 này, các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh xem là tháng cao điểm thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc. Hiện nay ở các đơn vị, địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động tri ân như: phát động vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và phong trào ủng hộ xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa trước ngày 27-7-2017; họp mặt biểu dương người có công tiêu biểu; tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trong toàn tỉnh; liên hoan văn nghệ quần chúng trong phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Màu áo đỏ”; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tiếp tục thực hiện kịp thời chế độ về nhà ở cho người có công; chăm sóc, cải tạo các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng các bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Với những kết quả thiết thực thể hiện lòng tri ân trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng thời gian qua trên địa bàn tỉnh, tại buổi làm việc với tỉnh Long An vào ngày 24-3-2017, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã quyết định chọn Long An là địa phương để giải quyết thí điểm các vướng mắc liên quan đến công tác người có công./.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia: Sâu nặng ân tình  (24/07/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-7-2017  (24/07/2017)
Vietcombank thuộc Top 10 ngân hàng uy tín nhất năm 2017  (24/07/2017)
Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn Vietsovpetro: Nơi duy trì nhịp sống của các công trình biển  (24/07/2017)
Sáu tháng đầu năm 2017, PVN xuất bán 7,48 triệu tấn dầu thô  (24/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên