Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia: Sâu nặng ân tình
Trong thời gian ba ngày (từ 20 đến 22-7-2017), lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Việt Nam bằng những nghi thức ngoại giao cao nhất, bằng tình cảm thân thiết của những người anh em, láng giềng gần gũi.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vận mệnh của hai nước Việt Nam-Campuchia luôn gắn kết với nhau chặt chẽ. Mối quan hệ giữa hai nước là quan hệ khăng khít, không thể tách rời, nương tựa vào nhau.
Đặc biệt, 50 năm qua, hai dân tộc đã cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc, lật đổ chế độ diệt chủng, xây dựng và phát triển đất nước. Đúng như Quốc vương Norodom Sihamoni đã nói: "Nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia là hàng xóm láng giềng gần gũi của nhau và là anh em của nhau... Nhân dân Campuchia rất tự hào có nhân dân Việt Nam là người bạn chiến đấu, luôn giúp đỡ lẫn nhau, ở mọi lúc mọi nơi, vì sự bình yên và sự phát triển chung qua mọi thời kỳ."
Sau các cuộc gặp cấp cao ở Thủ đô Phnom Penh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm tỉnh Preah Sihanouk, một tỉnh du lịch nằm ở phía Tây Nam của Campuchia, tỉnh duy nhất có cảng nước sâu, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn, thành thị thay đổi nhanh chóng, bình quân thu nhập của người dân nơi đây gấp đôi so với các tỉnh khác.
Theo Tỉnh trưởng Yun Min, cũng tại nơi này, ông đã trải qua những năm tháng kề vai sát cánh với quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng cho nhân dân Campuchia. Rất nhiều nam nữ chiến sỹ và những người yêu nước Campuchia, cùng nhiều chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống. Hơn ai hết, ông hiểu rõ Việt Nam là người bạn gần gũi, có công ơn to lớn đối với Campuchia, trong đó có tỉnh Preah Sihanouk.
Nhắc lại những tháng ngày đen tối, “cả dân tộc bị phá hủy đến mức số không," chế độ 3 năm 8 tháng 20 ngày của quân diệt chủng Pol Pot đã giết hại nhân dân vô tội rất nhiều, để lại sự đau đớn, bi thảm cho nhân dân Campuchia, ông càng ghi nhớ sâu sắc: “Không có quân tình nguyện Việt Nam, chúng ta không thể sống được yên ổn, hòa bình, phát triển và phồn vinh như hiện nay. Chúng tôi không bao giờ quên những tấm lòng can đảm, sự hy sinh và tấm lòng thương yêu của quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.”
Sau này, trên cương vị lãnh đạo tỉnh, ông luôn chú trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các tỉnh, thành phố của Việt Nam, cũng như quan tâm giúp đỡ bà con gốc Việt tại địa bàn hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ông mong muốn Việt Nam tiếp tục quan tâm ủng hộ, giúp đỡ Preah Sihanouk, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác đầu tư.
Sáng 22-7, trời đổ mưa không dứt như hòa cùng lòng người. Lễ khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Preah Sihanouk diễn ra trong không khí trang nghiêm và vô cùng xúc động, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao hai nước và cả ngàn người dân, lực lượng vũ trang địa phương.
“Ăn quả nhớ người trồng cây” - đó là truyền thống, là đạo lý tốt đẹp. Những ngày này, nhân dân Việt Nam đang có nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, trong đó có những người con đã ra đi mãi mãi không có ngày trở về, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả trên chiến trường Campuchia.
Lễ khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia trên mảnh đất thiêng mang tên Quốc vương Norodom Sihanouk chính là sự tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước đối với các anh hùng liệt sỹ, quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sỹ quân đội Hoàng gia Campuchia đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng. Vinh quang đời đời thuộc về những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc của hai dân tộc."
Chân thành và xúc động, Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum, thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân Campuchia, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất, đồng thời "ghi nhớ mãi công ơn to lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã hy sinh tất cả để giải phóng, cứu Tổ quốc và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa của chế độ diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình và công lý cho đất nước Campuchia."
Thêm một lần, ông nói lời cảm ơn từ đáy lòng đối với người bạn, người anh em, láng giềng Việt Nam đã tiễn chồng, vợ, con, sang tham gia phong trào Mặt trận giải phóng Tổ quốc Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, giành thắng lợi vẻ vang vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979.
“Đây là chân lý lịch sử không thể nào quên. Nếu không có ngày 02-12 và ngày Chiến thắng mùng 7 tháng Giêng, chúng ta không có những gì như ngày hôm nay,” Samdech Say Chuhum nhấn mạnh.
Nương tựa vào nhau, không thể tách rời, luôn giúp đỡ lẫn nhau, cả trong đấu tranh giải phóng và trong hòa bình xây dựng, Việt Nam và Campuchia đều nhận thức sâu sắc rằng, việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” là trách nhiệm chung của cả hai bên, là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của hai nước, đảm bảo vững chắc cho các thế hệ con cháu mai sau của hai dân tộc được sống trong thái bình, ấm no, hạnh phúc.
Những năm qua, quan hệ hai nước đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực đã đem đến bầu không khí tốt đẹp đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định, việc tăng tốc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo của nhân dân hai nước. Việt Nam tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia; trong đó có sự giúp đỡ về lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công tác xã hội và tăng cường hợp tác về năng lượng, du lịch...
Thủ tướng Hun Sen chân thành ghi nhận: “Sự phát triển trên mọi lĩnh vực của Campuchia trong thời gian 38 năm qua không thể tách rời quan hệ truyền thống và sự hợp tác chặt chẽ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, đặc biệt đã dành cho nhân dân Campuchia sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu trong những thập niên đầy khó khăn vừa qua và ngày nay vẫn tiếp tục ủng hộ sự phát triển của Campuchia”.
Bằng tất cả chân tình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: "Dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững." Và dòng Mekong sẽ tiếp tục tưới mát cho những cánh đồng bát ngát, mang lại cuộc sống trù phú cho người dân hai bên bờ, chứng nhân cho tình đoàn kết hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-7-2017  (24/07/2017)
Vietcombank thuộc Top 10 ngân hàng uy tín nhất năm 2017  (24/07/2017)
Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn Vietsovpetro: Nơi duy trì nhịp sống của các công trình biển  (24/07/2017)
Sáu tháng đầu năm 2017, PVN xuất bán 7,48 triệu tấn dầu thô  (24/07/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay