TCCS - Kế hoạch phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ Y tế phê duyệt (tháng 7-2015) phấn đấu đến năm 2020 có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 16 điều dưỡng/1 vạn dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhân lực ngành y tế nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về mặt số lượng cũng như chất lượng. Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong thời gian tới.

Số lượng và chất lượng nhân lực y tế được cải thiện

Nhân lực y tế được hiểu là những người tham gia vào hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho con người, trong đó bao gồm cả về dịch vụ y tế, người làm công tác quản lý, người không chuyên nhưng làm về y tế,... để đem lại tiếng cười, sự sống cho con người.

Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể, số bác sĩ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên gần 8 vào năm 2015, số dược sĩ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt được 9 bác sĩ trên một vạn dân, hoàn chỉnh mô hình tổ chức và củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế. Nhằm giải quyết việc thiếu hụt nhân lực trong một số lĩnh vực và ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, một số chính sách, dự án đã được ban hành và triển khai thực hiện, như Đề án Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020; Dự án Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện; Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Ngoài ra còn triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo Luật Khám, chữa bệnh; ban hành chuẩn năng lực cho các loại hình nhân lực y tế; kiểm định chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển đội ngũ nhân lực y tế có chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý được Bộ Y tế xác định là mục tiêu chính trong Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020. Một số văn bản liên quan đến chế độ tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực y tế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, như Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP, ngày 30-7-2009, về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến xây dựng các chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế nhà nước thay thế Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg, ngày 1-11-2005, được xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và thành viên Chính phủ.

Hệ thống các cơ sở đào tạo về y, dược được củng cố, sắp xếp lại và từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thực hiện đào tạo cán bộ y tế theo yêu cầu, theo địa chỉ cho các tỉnh khó khăn. Tại các bệnh viện đầu ngành đều thành lập các trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến để đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới. Các trường và trung tâm đào tạo về quản lý bệnh viện được thành lập và hàng nghìn cán bộ quản lý bệnh viện đã được đào tạo.

Năm 2015, ngành y tế tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng chuẩn năng lực cho một số loại hình nhân lực y tế, chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa; triển khai xây dựng và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với các loại hình đào tạo nhân lực y tế.

... Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo Bộ Y tế, nếu tính tỷ lệ nhân lực ngành y/dân số thì hiện nước ta mới đạt tỉ lệ 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/1 vạn dân - một tỷ lệ khá thấp so với các nước trên thế giới. Vì thế, để phấn đấu đến năm 2020 có được 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 16 điều dưỡng/1vạn dân trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Y tế dự báo đến năm 2020, hệ thống cần bổ sung thêm 55.254 bác sĩ, 10.887 dược sĩ đại học, 83.851 điều dưỡng.

Như vậy, cán bộ y tế so với số dân ở nước ta không chỉ còn thiếu trầm trọng về số lượng mà chất lượng cũng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, đa số cán bộ y tế, bác sĩ giỏi có trình độ chuyên môn cao thường sống và làm việc tại các thành phố lớn, trong khi tỷ lệ cán bộ y tế ở tuyến xã và huyện vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí, tình trạng mất cân đối về nhân lực y tế còn xảy ra giữa các chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng,... thiếu bác sĩ cả ở các đơn vị tuyến Trung ương và địa phương. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế giữa các vùng, miền (giữa vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo so với vùng đồng bằng, thành thị) dẫn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền.

Ngoài ra, chất lượng cán bộ y tế chưa cao, thể hiện ở việc văn bằng tốt nghiệp của các trường đại học y, dược của Việt Nam chưa được thế giới công nhận. Vì thế, cán bộ y tế khi ra nước ngoài học tập, làm việc hay tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại. Điều này cho thấy, chất lượng đào tạo chuyên ngành của các cơ sở đào tạo trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa hội nhập được với thế giới, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Các nhà chuyên môn cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực y tế nước ta còn nhiều bất cập là do chất lượng đào tạo chưa bảo đảm; phân bố nhân lực y tế chưa hợp lý; sử dụng chưa hiệu quả nhân lực y tế và thiếu cán bộ cho một số chuyên ngành...

Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực y tế còn nặng về truyền đạt lý thuyết, khả năng thực hành hạn chế. Chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo; thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh.

Theo kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám, chữa bệnh giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ Y tế phê duyệt ngày 17-7-2015, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đến năm 2020 sẽ cần bổ sung 55.254 bác sĩ, 10.887 dược sĩ đại học, 83.851 điều dưỡng. Điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học đạt 30%. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có trên 50% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I trở lên và tương đương, ít nhất 20% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp II và tương đương. Các bệnh viện chuyên khoa tim mạch, nhi (hoặc sản nhi), chấn thương chỉnh hình có đủ bác sĩ làm việc, trong đó có ít nhất 50% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I, cấp II và tương đương. Mỗi bệnh viện huyện có ít nhất 5 bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc các chuyên ngành chủ yếu, bao gồm nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và truyền nhiễm. Đạt 90% các trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động và 95% có hộ sinh hoặc y sĩ sản, nhi.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước cục diện khó khăn trên, trong thời gian tới, ngành y tế cần tích cực tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành y tế nhằm đạt được mục tiêu thu hút, đào tạo và sử dụng tốt số lượng, năng lực và trình độ cán bộ phù hợp với các chuyên ngành đáp ứng các dịch vụ y tế. Nội dung phát triển nhân lực y tế cần được phân tích đầy đủ về nhu cầu y tế; xác định mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân để chọn ngành ưu tiên đào tạo và phân bố nhân lực về số lượng, cơ cấu ứng với từng tuyến từ trung ương đến địa phương; chuẩn bị lộ trình để đến năm 2020 và những năm tiếp theo tăng số lượng và chất lượng y bác sĩ, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.

Hai là, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế; xây dựng và hoàn thiện mô hình đổi mới toàn diện đào tạo y đa khoa, điều dưỡng và dược sĩ theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới; tăng cường quản lý chất lượng đào tạo thông qua giám sát thường xuyên, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về nhân lực y tế; phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo và quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, thí điểm thực hiện tuyển sinh, đào tạo nhân lực y tế theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, xây dựng hướng dẫn thực hành đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho rằng cần mở rộng và cân đối quy mô đào tạo theo các bậc học, ngành học đáp ứng yêu cầu nhân lực đa khoa thực hành, xây dựng mô hình bác sĩ gia đình cũng như từng bước giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng về bác sĩ chuyên khoa thuộc 6 chuyên ngành ưu tiên, như ung thư, tim mạch, chỉnh hình, nhi khoa, truyền nhiễm và bác sĩ gia đình; ưu tiên đào tạo liên tục và đào tạo theo địa chỉ cho các địa phương; đào tạo bác sĩ và nhân viên y tế cho các trạm y tế xã để có thể triển khai các hoạt động đa khoa thực hành, vận hành mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân... Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là cơ sở quan trọng để mổ xẻ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hiện nay, trong đó có vấn đề mô hình đào tạo bác sĩ.

Việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực ngành y tế là cần thiết, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hướng tới hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ba là, quản lý phát triển nhân lực hiệu quả. Nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực y tế với các giải pháp chiến lược khả thi, lâu dài và bền vững; nâng cao năng lực, kỹ năng dự báo nhu cầu nhân lực và xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực y tế. Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin báo cáo số liệu nhân lực y tế từ Trung ương đến địa phương và lồng ghép vào một hệ thống giám sát đánh giá phát triển nhân lực y tế. Đưa vào hệ thống báo cáo, giám sát thường xuyên các số liệu về nhân lực y tế ở hệ thống ngoài công lập. Lồng ghép thông tin về đào tạo và sử dụng nhân lực y tế để có các đáp ứng kịp thời về đào tạo nhân lực.

Bốn là, sử dụng, đãi ngộ cán bộ y tế vùng khó khăn. Trình Chính phủ phê duyệt Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Tiến hành các nghiên cứu về mô hình sử dụng nhân lực y tế hiệu quả ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn để làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp. Đánh giá hiệu quả các hình thức đào tạo đặc biệt với mục tiêu cung cấp nhân lực y tế cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuyến cơ sở đã sử dụng trong nhiều năm qua. Dựa trên kết quả đánh giá này để có những điều chỉnh thích hợp. Theo dõi thường xuyên việc triển khai và đánh giá hiệu quả của các chế độ, chính sách trong tuyển dụng, sử dụng nhân lực y tế để có các điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là cho vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Xây dựng kế hoạch tổng thể dài hạn cũng như các quy định về công tác đào tạo lại, đào tạo liên tục, đáp ứng các nội dung về cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, chú ý tới ứng dụng đào tạo từ xa, đào tạo qua in-tơ-nét và chú ý tới các hình thức đào tạo phù hợp với nhân lực y tế các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nghề y là loại hình lao động đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người bệnh nên áp lực công việc rất lớn, do đó cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt so với các ngành khác, cả về vật chất và tinh thần./.