Những định hướng lớn để xây dựng, phát triển tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

HỒ QUỐC DŨNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
15:39, ngày 22-06-2023

TCCS - Với sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tỉnh Bình Định nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trở thành một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Những kết quả đạt được

Bình Định là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Trung Bộ, có diện tích tự nhiên là 6.071km2, với chiều dài đường bờ biển là 134km, diện tích vùng lãnh hải là 36.000km2, dân số khoảng 1,5 triệu người; có vị trí quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế(1), là mảnh đất có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời(2)... Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh Bình Định tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm tăng 6,2%, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.591 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nổi bật là hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Năm 2020, tỉnh Bình Định nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.

Nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển trong thời gian tới là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy truyền thống, ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và môi trường xã hội ổn định; đẩy nhanh, toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, kiểm tra tiến độ thi công dự án đường ven biển, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân_Nguồn: binhdinh.gov.vn

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh Bình Định, kinh tế của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,43%, GRDP bình quân đầu người đạt 66,34 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 14.569 tỷ đồng (vượt 45,2% dự toán năm), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.332,6 triệu USD (vượt 15,8% kế hoạch đề ra), hàng hóa thông quan tại cảng biển đạt trên 13 triệu tấn (tăng 6,1% so với cùng kỳ). GRDP năm 2022 của tỉnh tăng 8,57%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, GRDP bình quân đầu người đạt 70,7 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.663 tỷ đồng (vượt 28,4% dự toán năm), kim ngạch xuất khẩu đạt 1.550 triệu USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ), hàng hóa thông quan tại cảng biển đạt 13,68 triệu tấn (tăng 0,4% so với cùng kỳ).

Trong năm 2021 và 2022, tỉnh Bình Định đã thu hút được 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký là 84,3 triệu USD, 162 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 121.010 tỷ đồng. Đặc biệt, đã thu hút được một số dự án đầu tư với số vốn đăng ký lớn, như dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Cộng hòa Liên bang Đức) 40 triệu USD; dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn 53.500 tỷ đồng, dự án Bến cảng Long Sơn (giai đoạn 1) 5.700 tỷ đồng...

Đồng thời, tỉnh Bình Định đã tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại(3). Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối cơ bản hoàn thiện. Một số dự án hạ tầng quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như Dự án đường vào sân bay Phù Cát, Đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành, Lại Giang - Thiện Chánh), Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, Đập dâng Đức Phổ (huyện Phù Cát)... Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Diêm Vân); đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; các tuyến đường kết nối đến đường ven biển.

Tỉnh Bình Định đã đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940ha. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh; 87/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 77% số xã; 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân... tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Bình Định có những khó khăn, bất lợi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, như địa hình có độ dốc lớn, vùng đồng bằng hẹp, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, bão lũ; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là giao thông kết nối; ở xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh thấp. Nguồn thu ngân sách còn khó khăn, chưa đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển.

Định hướng phát triển tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Định hướng đến năm 2030

Kinh tế tỉnh Bình Định phát triển nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 bình quân từ 8,5%/năm trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người, tương đương 7.500 - 7.900 USD (theo giá hiện hành); chỉ số phát triển con người (HDI) tiếp tục nằm trong nhóm cao của cả nước (0,700 - 0,800). Trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước. Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc, phát triển thành phố Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2045

Tỉnh Bình Định tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung về GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Kinh tế phát triển bền vững; là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của đất nước. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Hệ giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm vững chắc.

Giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Bình từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ vào thực tế phát triển của tỉnh, xu thế phát triển trong nước và quốc tế; bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 26-NQ/TW).

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế so sánh và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới; chú trọng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Ba là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và kiên trì thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Về triển khai 5 trụ cột tăng trưởng

1- Phát triển công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao. Thu hút đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, công nghiệp sản xuất thép công nghệ tiên tiến, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm nghiệp, thủy sản, khoáng sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

2- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng tỉnh Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng. Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á, trung tâm văn hóa của vùng”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh; kết nối hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh lân cận, trong vùng và liên vùng.

3- Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ để hiện đại hóa và nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất.

4- Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI). Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Tiếp tục xây dựng, phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển, các khu công nghiệp...

5- Phát triển mạnh dịch vụ cảng, logistics, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất, nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có. Nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát; xây dựng đô thị sân bay gắn với Khu công nghiệp Hòa Hội...

Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng_Nguồn: quynhonport.vn

Về triển khai 3 khâu đột phá

1- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh trên địa tỉnh.

2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với mở rộng hội nhập, giao lưu khu vực và quốc tế.

3- Tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh đồng bộ, hiện đại; nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng phía bắc nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía bắc.

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho tỉnh, trọng tâm là quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc. Thực thi quy hoạch tích hợp ngành gắn với phương thức tạo quỹ đất, phát triển giao thông, chính sách nhà ở.

Năm là, chủ động phối hợp với các địa phương thúc đẩy liên kết vùng, nhất là trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch, góp phần tạo các không gian phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW. Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá; kết hợp hài hoà giữa giữ gìn bản sắc văn hoá, nhất là bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật đặc sắc của tỉnh, với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá; xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đồng thời, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Sáu là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả./.

---------------------------------

(1) Như: nằm trên trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia, bắc Thái Lan; có hệ thống hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ với đường bộ có quốc lộ 1A, quốc lộ 19,...; đang hình thành các tuyến cao tốc; đường sắt Bắc - Nam có ga Diêu Trì là 1 trong 10 ga lớn nhất cả nước; Cảng hàng không Phù Cát với các chuyến bay đến các trung tâm kinh tế lớn trong nước và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu đến 70 nghìn tấn
(2) Là trung tâm của văn hóa Chăm-pa; nơi phát tích phong trào Tây Sơn; là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, như nghệ thuật Bài Chòi, tuồng, võ cổ truyền; nhiều di tích văn hóa lịch sử, danh thắng nổi bật, nhiều làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc và một nền ẩm thực độc đáo mang nét đặc trưng
(3) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (năm 2021 tăng 44,45%; năm 2022 tăng 44,14%); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn thuộc nhóm cao của cả nước (năm 2021 đạt 94,91%; năm 2022 đạt 90,97%)