Khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế gắn với biển ở tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh mới
TCCS - Phát triển các ngành kinh tế gắn với biển là lợi thế quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian tới, để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển, tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào các giải pháp để khơi thông và phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế gắn với biển phát triển bền vững,...
1- Quảng Ngãi là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên khoảng 5.153km2, dân số hơn 1,2 triệu người. Tỉnh Quảng Ngãi có 13 huyện, thị xã và thành phố; trong đó, có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện đảo Lý Sơn mang vẻ đẹp hoang sơ, hiếm có. Với lợi thế sở hữu mặt tiền hướng ra Biển Đông, tỉnh Quảng Ngãi có 130km chiều dài đường bờ biển, với 6 cửa biển: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh; có cảng biển nước sâu Dung Quất; có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng, nhân dân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc... Những đặc điểm và vị trí quan trọng đó là tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh để tỉnh Quảng Ngãi phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu các ngành kinh tế biển chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hóa thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất đạt khá. Sản lượng khai thác thủy sản tăng. Du lịch, dịch vụ ven biển có bước tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển được quan tâm đầu tư.
Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát tăng, kinh tế toàn cầu suy giảm; tình hình chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân,... Trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ngãi luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Trung ương, của địa phương, đặc biệt là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,08%; 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra; đồng thời, quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, đảo ở tỉnh Quảng Ngãi còn một số khó khăn, hạn chế, như kinh tế có bước tăng trưởng, từng bước phục hồi, nhưng chưa bền vững; môi trường đầu tư có mặt còn hạn chế, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư bị kéo dài do vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phát triển công nghiệp tại các vùng ven biển, hải đảo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số dự án đã đăng ký đầu tư, nhưng triển khai chậm tiến độ, nhiều dự án bị thu hồi làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp; kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư, hoàn thiện,...; chưa tạo động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư. Kinh tế thủy sản phát triển chưa đồng bộ, còn yếu trong khâu chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng.
Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế nêu trên là do lạm phát tăng cao; dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất, nhất là các quy định liên quan đến đất đai, đầu tư chậm được sửa đổi nên việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt, hiệu quả trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Năng lực quản lý, điều hành của một số địa phương, ban, sở, ngành chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao.
2- Nhận thức được tiềm năng, lợi thế so sánh về biển của tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, đảo sau:
Một là, phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển.
Về du lịch và dịch vụ biển: Bảo tồn, tôn tạo, khai thác hiệu quả các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, di sản địa chất ở các khu vực ven biển, đảo để phát triển du lịch. Chú trọng phát triển du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, kết hợp đưa các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá, thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư, tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch, phát triển các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp ở khu vực ven biển, đảo; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả các dự án du lịch, dịch vụ được cấp phép đầu tư.
Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo; triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu trong và ngoài nước; xây dựng các tuyến du lịch, như Bình Châu - Mỹ Khê - Lý Sơn, thành phố Quảng Ngãi - Gành Yến - Lý Sơn; thành phố Quảng Ngãi - biển Mỹ Khê - Lý Sơn; thành phố Quảng Ngãi - Vạn Tường - Dung Quất; thành phố Quảng Ngãi - Đức Minh - Sa Huỳnh; Cù Lao Chàm - Lý Sơn; đồng thời, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm truyền thống, như tỏi đen, rượu tỏi, rượu hải sâm,...
Xây dựng và quảng bá hình ảnh thiên nhiên, vùng biển, đảo và con người Quảng Ngãi. Phát triển du lịch trên huyện đảo Lý Sơn theo hướng du lịch xanh, sinh thái và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; nâng cao năng lực Khu bảo tồn biển Lý Sơn, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân trên đảo phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn. Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Về kinh tế hàng hải: Quy hoạch, đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển gắn với phát triển dịch vụ logistics. Phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, vận tải đồng bộ; đầu tư tuyến đường Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics; phát triển cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những cảng có quy mô lớn của quốc gia; khai thác hiệu quả cảng Sa Kỳ và cảng Bến Đình. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường từ quốc lộ 24C đến đường Trường Sơn Đông tạo trục giao thông kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; kêu gọi đầu tư xây dựng hình thành tuyến container trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Dung Quất.
Về nuôi trồng, khai thác tài nguyên, khoáng sản biển: Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản biển; thu hút đầu tư các ngành khai thác và chế biến khoáng sản biển với quy mô, công suất phù hợp gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, trong đó ưu tiên và khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm có giá trị cao; đồng thời, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển, trên biển với mô hình quản lý phù hợp.
Củng cố, phát triển các hợp tác xã dịch vụ, nghiệp đoàn nghề cá; khuyến khích phát triển đội tàu hậu cần nghề cá, liên doanh, liên kết để thực hiện chuỗi liên kết khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản bảo đảm chất lượng sản phẩm; hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn, hiện đại; cơ cấu lại tàu thuyền, tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản và khả năng phục hồi hệ sinh thái biển.
Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gắn với các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Ưu tiên đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ven biển; phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu; khôi phục và phát triển các nghề chế biến thủy sản truyền thống nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Về công nghiệp ven biển: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; phát triển công nghiệp nặng có quy mô lớn, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sạch tại các khu công nghiệp; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo, năng lượng, chế biến, các ngành kinh tế biển mới.
Gắn kết chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước khôi phục, phát triển hợp lý ngành công nghiệp đóng tàu; nâng cao năng lực các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cải hoán tàu vỏ thép, com-po-sit và vật liệu mới chất lượng cao, đủ khả năng khai thác xa bờ.
Về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển khác: Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này. Đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ để phát triển các ngành kinh tế mới, chế biến một số sản phẩm dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học biển, như dược liệu, thực phẩm chức năng, chế biến rong, tảo, cỏ biển, các phụ phẩm thủy sản,...
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị.
Phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Huy động nguồn lực xây dựng, phát triển trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển. Kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất và các cụm công nghiệp... Tập trung hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, bảo đảm kết nối các trục phát triển chính trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu công nghiệp, đô thị,...; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề xã hội, môi trường, tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Phối hợp với các các bộ, ngành sớm triển khai hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, như nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy điện Dung Quất I, III và kêu gọi đầu tư các dự án điện khí khác.
Quy hoạch, đầu tư phát triển chuỗi đô thị ven biển và đảo với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành các khu đô thị, du lịch, dịch vụ sinh thái ven biển, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đô thị dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh. Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh bảo đảm tiến độ, sớm thực hiện hoàn thành toàn bộ tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh để khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển.
Ba là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, đảo và xây dựng trên nền bản đồ với tỷ lệ phù hợp. Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tăng cường trang thiết bị giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường, ứng phó sự cố môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; kiểm soát nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường ở khu vực ven biển, hải đảo của tỉnh; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ môi trường.
Triển khai kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; lập báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo tỉnh Quảng Ngãi và phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương có liên quan trong quản lý, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển, tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển để khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Đầu tư trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và đảo Lý Sơn; nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường; chú trọng công tác phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái biển; nâng cao hiệu quả quản lý của Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản phục vụ công tác quản lý và dự báo ngư trường nhằm khai thác thủy sản bền vững.
Bốn là, phát triển văn hóa - xã hội khu vực ven biển, đảo.
Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư ven biển, đảo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển. Thực hiện biên soạn tài liệu và triển khai giảng dạy lồng ghép, tích hợp trong các môn học cho học sinh về kiến thức biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng phó với thiên tai. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về biển, xây dựng xã hội, ý thức, trách nhiệm, gắn bó, thân thiện với biển.
Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ở khu vực ven biển, đảo. Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào phát triển các ngành kinh tế biển. Ngăn chặn các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động vùng ven biển, đảo để nâng cao đời sống cho người dân.
Năm là, huy động các nguồn lực đầu tư.
Tranh thủ nguồn ngân sách Trung ương cùng với ngân sách địa phương, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kết nối, thiết yếu, có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảo. Chủ động, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn vốn khác để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, xử lý nước thải, rác thải các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển, đảo.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng trên một số lĩnh vực có khả năng, như cảng biển, kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường... Khai thác hợp lý quỹ đất để phát triển các ngành kinh tế biển, phát triển các khu đô thị ven biển, đảo để từng bước đô thị hóa và phát triển kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, đảo.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế biển, đảo. Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc, nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là các vấn đề phát sinh, mang lại hiệu quả thiết thực(1)./.
----------------------
(1) Xem: Báo điện tử Chính phủ: “Thủ tướng: Quảng Ngãi cần tập trung thúc đẩy hai động lực phát triển”, ngày 1-1-2023, https://baochinhphu.vn/thu-tuong- quang- ngai-can-tap-trung-thuc-day-hai-dong-luc-phat-trien-102230101184732786.htm
Giải pháp đột phá để phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh Bình Định  (26/01/2023)
Tỉnh Kiên Giang huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia  (03/01/2023)
Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển - động lực cho phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung  (10/12/2022)
Tiềm năng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay  (23/11/2022)
Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay  (23/11/2022)
Tỉnh Bình Dương bảo đảm quản lý thu, chi ngân sách cao và bền vững  (21/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển