Phát huy “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới để phát triển bền vững
TCCS - Ngày 19-9-2023, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đồng chủ trì Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Cùng tham dự có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; hơn 400 đại biểu là đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế, doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Ngoài điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị quốc gia, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 kết nối với 6 điểm cầu tại các học viện, trường đại học trong nước.
Diễn đàn là hoạt động thường niên của Quốc hội. Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức trong nước và quốc tế.
Năm 2023, nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, nền kinh tế nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Mặt khác, trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.
Đứng trước bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Vì vậy, tăng cường, phát huy nội lực, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tận dụng ngoại lực hiệu quả, kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước.
Xuất phát từ quan điểm trên, “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn làm chủ đề cho Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023.
Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày, bao gồm phiên khai mạc, phiên toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, phiên chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và phiên chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn là sự kiện thường niên của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn:
Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?
Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025?
Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025?
Phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi, song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm; đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để “lội ngược dòng” thành công.
Đồng chí chỉ rõ, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn là tiền đề và là điều kiện quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bảo vệ được những thành quả phát triển, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều.
Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở cho các đại biểu, các nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: 1- Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; 2- Khôi phục dòng vốn đầu tư; 3- Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh, Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài.
Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tham gia Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tại diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề, hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học. Tại các phiên chuyên đề và phiên toàn thể cũng như tọa đàm cấp cao đã có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trong, ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận. Các ý kiến sôi nổi, hấp dẫn, chất lượng, đúng trọng tâm với nhiều thông tin phong phú, bổ ích.
Ghi nhận những kết quả và thành công của diễn đàn, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 đã dành nhiều thời gian trọng tâm bàn vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn, đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Khái quát lại một số nội dung chính được các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Bên cạnh đó, phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu...
Các ý kiến tại diễn đàn đều nhất trí cần tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế, kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời tận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.
Khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.
Về một số gợi ý, đề xuất chính sách được đưa ra tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Về khai thác hiệu quả “ngoại lực”, các ý kiến tại diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.
Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Các ý kiến thảo luận thống nhất cần tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, ngay sau khi diễn đàn kết thúc, Ban Tổ chức xây dựng Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10-2023./.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng bộ máy nhà nước Trung ương trong những năm 1945 - 1954 - Bài học kinh nghiệm đối với việc hoàn thiện bộ máy nhà nước  (02/09/2023)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng bộ máy nhà nước Trung ương trong những năm 1945 - 1954 - Bài học kinh nghiệm đối với việc hoàn thiện bộ máy nhà nước  (02/09/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tham vấn về tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023  (22/07/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với thường trực các cơ quan của Quốc hội  (07/02/2023)
Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước; phân công quyền Chủ tịch nước  (18/01/2023)
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV  (05/01/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam