Đại hội XIII của Đảng chưa đặt ra vấn đề sửa đổi Cương lĩnh
TCCSĐT - Phục vụ cho việc biên tập dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 10-8-2019, Thường trực Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội tổ chức tọa đàm khoa học: "Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện chủ trì tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ thời gian qua, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện và Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã nỗ lực để dự thảo các văn kiện rất quan trọng trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội"; trong Báo cáo Chính trị có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đặt trong giai đoạn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; có nội dung đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng như kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII giai đoạn 2016 - 2021.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng chưa đặt ra vấn đề sửa đổi Cương lĩnh, song những tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn, những đánh giá kết quả thực hiện nói trên là yếu tố quan trọng để triển khai Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với thực tiễn đang thay đổi rất nhanh chóng, để đạt được mục tiêu cao nhất mà Cương lĩnh đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc xác định các mục tiêu phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045 phù hợp, bảo đảm tính thực tiễn và khả thi là rất quan trọng bởi đây là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề hệ trọng này vẫn còn những ý kiến khác nhau. Tựu chung có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện Đại hội, một số nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa IX đến khóa XII, trong ý tưởng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011 - 2020 đều nhấn mạnh mục tiêu trở thành một nước công nghiệp. Theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại với ba mốc quan trọng: đến năm 2025, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần tham khảo cách phân loại các quốc gia theo xu hướng hiện nay của các tổ chức quốc tế. Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cần diễn đạt mục tiêu phù hợp với những thay đổi trong quá trình phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn, trong đó có việc đáp ứng yêu cầu được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế và có thể so sánh được với mặt bằng phát triển chung của thế giới. Với cách đặt vấn đề như vậy, nhóm ý kiến thứ hai cho rằng nên xác định mục tiêu theo trình độ phát triển.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho biết vấn đề hệ trọng này, ngay cả giữa Đề cương Báo cáo chính trị và Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược 2021 - 2030 trình Hội nghị Trung ương 10 vừa qua vẫn còn khác nhau.
Đề cương Báo cáo chính trị của Tiểu ban Văn kiện xác định hai phương án: Phương án 1 phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 với lộ trình theo 3 mức. Phương án 2 phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa với lộ trình theo 3 mức.
Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược 2021 - 2030 của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xác định ba phương án mục tiêu, trong đó có điểm chung là: đến năm 2030 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Cương lĩnh đề ra mục tiêu tổng quát, cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn chúng ta đang nói đến những mục tiêu tuy dài hạn song vẫn là những mục tiêu phát triển trung gian để đạt được mục tiêu cuối cùng mà Cương lĩnh đề ra. Do vậy, cần thảo luận để triển khai thực hiện Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong giai đoạn tới", Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.
Tại tọa đàm, các thành viên Thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, nhóm tổng hợp chung, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
Ngăn ngừa lạm quyền trong công tác cán bộ  (10/08/2019)
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, tư vấn miễn phí bệnh lý sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt  (10/08/2019)
Giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào  (10/08/2019)
Thủ tướng: Lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích quốc gia  (10/08/2019)
Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước  (09/08/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển