TCCSĐT - Ngày 19-12-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”. GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, dự và chủ trì Hội thảo.
Cùng chủ trì có PGS, TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện; các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức đúng vào thời điểm hai nước Việt Nam và Ấn Độ đồng triển khai tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm xác lập quan hệ Đối tác chiến lược, 01 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đây cũng là  thời điểm thích hợp để nhìn nhận, đánh giá kết quả quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các bình diện, rút ra bài học kinh nghiệm, những gợi mở mới để hai nước chuẩn bị bước sang một trang mới phát triển hơn, phong phú hơn trong hợp tác song phương và liên kết đa phương. GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước không chỉ giới hạn ở mối lương duyên giao thoa văn hóa với hơn 2.000 năm lịch sử, trong đấu tranh giành độc lập, trong xây dựng đất nước mà hiện nay đã mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Trong suốt tiến trình ấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối Việt Nam - Ấn Độ luôn là sức mạnh mềm.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh nguồn gốc và những nét tương đồng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung trao đổi, đề xuất phương thức khai thác và tăng cường sức mạnh mềm của hai nước, góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Với gần 100 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ, Hội thảo được chia thành hai phiên, tập trung bàn về các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, đi sâu phân tích lý thuyết sức mạnh mềm cũng như các yếu tố tạo nên sức mạnh mềm, như văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Một số học giả cho rằng, trình độ phát triển cao của khoa học - công nghệ, nhân tố kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên “đắc địa”, vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, ngoại giao, năng lực quản trị quốc gia… cũng là những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm. Các học giả còn phân tích, đánh giá giá trị, vai trò, tác động của sức mạnh mềm; lợi thế, mối tương quan của sức mạnh mềm trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, ngoại giao của các quốc gia dân tộc; phân tích mối quan hệ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm… trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa.

Thứ hai, luận giải sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trên các bình diện luận thuyết, nội hàm, cấu trúc, nguồn lực; cũng như vai trò, tác động của sức mạnh mềm trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Một số học giả qua các tham luận phát biểu đã góp phần nhận diện sức mạnh mềm Ấn Độ trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý, dân số, tư tưởng triết học, tôn giáo, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, văn hóa, văn học nghệ thuật, kiến trúc,… góp phần khẳng định, theo thời gian, Ấn Độ ngày càng chứng tỏ là một quốc gia sở hữu sức mạnh mềm bền vững, đặc biệt và có sự lan tỏa rộng trên toàn thế giới với nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Về sức mạnh mềm của Việt Nam, nhiều học giả phân tích trên các nội dung chủ yếu: ngọn nguồn, cơ sở hình thành sức mạnh mềm Việt Nam; vai trò, tác động, giá trị truyền thống sức mạnh mềm trong quá trình dựng nước, đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền tự do, dân chủ cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước; phương thức, giải pháp phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa. Một số học giả cho rằng, với vị trí địa lý trải dài trên Biển Đông, nơi giao thương quan trọng của các nước trong khu vực và trên thế giới, với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 3.000 năm, dân tộc Việt Nam đã hun đúc, dựng xây cho mình truyền thống văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Về phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa, nhiều học giả khẳng định, trong bối cảnh mới, Việt Nam cần phải giữ gìn, củng cố, phát huy những nhân tố tốt đẹp trong truyền thống dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết… Nhiều học giả đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh mới với nhiều biến đổi nhanh chóng, sâu sắc.

Thứ ba, đánh giá thành tựu hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 45 năm qua trên bình diện sức mạnh mềm, như vai trò, tác động của sức mạnh mềm đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; việc giữ gìn, phát triển sức mạnh mềm của hai nước trong trong một thế giới đầy biến động; đổi mới, cải cách là sức mạnh mềm lớn nhất chi phối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Việt Nam và Ấn Độ; thực trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên góc độ sức mạnh mềm.

Thứ tư, dự báo triển vọng hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện sức mạnh mềm trong thời gian tới và đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp, cách thức, bước đi phù hợp để triển khai thực thi, hiện thực hóa chủ trương, chính sách đó của hai nước, góp phần làm phong phú quan hệ hợp tác song phương./.