TCCSĐT - Ngày 29-9-2016, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền về biển, đảo và biên giới vùng Tây Nam Bộ”. Các đồng chí: Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tạp chí Người Làm Báo, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo và lãnh đạo các báo Đảng, Đài Phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; xung đột lợi ích, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Tuyên truyền về biển, đảo và biên giới vùng Tây Nam Bộ” là cơ hội để các cấp chính quyền, các cơ quan lãnh đạo - quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các nhà báo thảo luận, phân tích, làm rõ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động thực tiễn về tuyên tuyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ ở vùng Tây Nam Bộ, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

10 tham luận, ý kiến trình bày tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: phân tích tình hình quốc phòng - an ninh biển, đảo và biên giới lãnh thổ khu vực Tây Nam Bộ; vấn đề phát triển kinh tế biển ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay; tình hình Campuchia và biên giới với Campuchia ở khu vực Tây Nam Bộ, xây dựng biên giới hữu nghị, đoàn kết, phát triển đời sống cộng đồng dân cư và những giải pháp phát triển kinh tế khu vực; vai trò của báo chí với vấn đề tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ và những vấn đề đang đặt ra với Tây Nam Bộ; đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển, đảo, biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ bền vững trong thời gian tới.

Trao đổi kinh nghiệm về vấn đề đa dạng hóa các hình thức phối hợp tuyên truyền về biển, đảo, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 nêu 6 cách làm đạt hiệu quả khả quan thời gian qua. Một là, phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh tổ chức thường niên các hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự chuyên đề về biển đảo; hai là, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tổ chức thường niên các hoạt động tập huấn quốc phòng - an ninh cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giáo viên phụ trách công tác Đoàn - Đội; ba là, phối hợp với các trung tâm giáo dục quốc phòng, các trường đại học, cao đẳng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về biển, đảo cho sinh viên; bốn là, hằng năm phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo cho dân quân, tự vệ biển, chủ tàu thuyền, ngư dân, người lao động trong lĩnh vực nghề cá; năm là, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội bồi dưỡng cho đoàn viên, hội viên về quốc phòng - an ninh; sáu là, phối hợp với Liên đoàn lao động các tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các buổi thông tin chuyên đề về chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, trong tình hình hiện nay, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về biển, đảo và biên giới ở vùng Tây Nam Bộ, các cơ quan báo chí cần chú trọng những vấn đề “nóng” của vùng. Đó là: Vấn đề biên giới, lãnh thổ với Campuchia; tình hình an ninh trên biển và vấn nạn buôn lậu; Tác động của biến đổi khí hậu và những giải pháp ứng phó; một số vấn đề về văn hóa và dân tộc mang tính đặc thù của vùng. Trong bối cảnh đấu tranh thông tin quốc tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi báo chí trong tuyên tuyền về biển, đảo, biên giới phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, nhất là trong việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn. Có như thế các cơ quan báo chí mới có thể làm chủ dòng thông tin chủ lưu, định hướng tốt dư luận xã hội trước những vấn đề nóng xảy ra trên địa bàn Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

Với chủ đề “Báo Cà Mau hướng công tác tuyên truyền biển, đảo đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân”, tham luận của đồng chí Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau, nêu lên một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đó là: Công tác tuyên truyền phải thận trọng, thực hiện đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng liều lượng; kịp thời có những bài viết, thông tin tuyên truyền chính thống trên báo chí, có chất lượng cao để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, kích động gây rối của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan báo chí và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 với các đơn vị, địa phương ven biển; kịp thời cổ vũ, động viên các lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền và giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, đồng chí Tân Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh An Giang, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và truyền hình An Giang, đề xuất: Các cơ quan báo chí phải phản ánh thường xuyên, kịp thời hoạt động của bộ đội biên phòng tỉnh và các lực lượng trên khu vực biên giới trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới cũng như hoạt động của các địa phương khu vực biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới./.