Biến đổi giá trị về học tập và việc làm của sinh viên trong đời sống đô thị hiện nay*
TCCSĐT - Nghiên cứu sự biến đổi quan niệm về mặt giá trị liên quan đến các khía cạnh học tập và việc làm của sinh viên trong đời sống đô thị hiện nay là nhằm hướng đến nhận diện các cách nhìn khác nhau của sinh viên về hoạt động học tập, mối quan hệ giữa học tập và giải trí, các định hướng lựa chọn việc làm, những nhân tố tác động đến xu hướng chọn lựa việc làm.
Tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Để hướng đến đánh giá một cách toàn diện về vấn đề biến đổi giá trị trong lối sống của sinh viên hiện nay, nghiên cứu về quan hệ xã hội là một phần trong tổng thể nghiên cứu được áp dụng ở đây. Việc tiếp cận vấn đề nghiên cứu dựa trên sự trải nghiệm của sinh viên trong cuộc sống thường nhật, thông qua tiếng nói của sinh viên về các điều kiện, bối cảnh sống xã hội khác nhau. Giá trị trong lối sống của sinh viên được hiểu, được lý giải thông qua tương tác trong cuộc sống hằng ngày. Với cách tiếp cận như vậy, giá trị lối sống của sinh viên được nhìn nhận từ quan điểm lý thuyết tương tác biểu trưng, cũng như các cách nhìn về tác động của điều kiện sống đối với sự thay đổi, biến đổi giá trị trong lối sống của sinh viên một cách chặt chẽ.
Phương pháp cụ thể được áp dụng trong quá trình nghiên cứu bao gồm: Phương pháp phân tích tài liệu, đây là cơ sở ban đầu trong phân tích, tổng quan các vấn đề nghiên cứu liên quan đến giá trị, lối sống của sinh viên hiện nay, cũng như hướng đến phân tích các văn bản, chính sách, các định hướng của Đảng, Nhà nước góp phần nâng cao các hoạt động về công tác giáo dục đạo đức, giá trị, lối sống cho sinh viên. Phương pháp này đóng góp vào quá trình tổng quan vấn đề nghiên cứu, phân tích chính sách, tài liệu.
Phương pháp điều tra xã hội học sử dụng như một công cụ cơ bản để khảo sát những biểu hiện về giá trị lối sống của sinh viên ở Việt Nam hiện nay. Phương thức thu thập thông tin dưới dạng bảng hỏi (survey) nhằm khảo sát những vấn đề chung nhất của sinh viên liên quan đến giá trị trong lối sống. Hướng thu thập thông tin này nhằm hướng đến có được thông tin định lượng cho vấn đề nghiên cứu, qua đó có được bức tranh mang tính mô tả về giá trị lối sống của sinh viên. Việc chọn lựa sinh viên tham gia khảo sát được chọn lựa ngẫu nhiên từ một số trường học tại Hà Nội, song bảo đảm sự cân đối về mặt giới tính, năm học ở các trường.
Nhận diện xu hướng chung
Đánh giá những biến số liên quan đến định hướng việc làm, công việc dựa trên các khía cạnh: những biểu hiện về hành vi học tập; mối quan hệ giữa nghỉ ngơi và làm việc; tiêu chí chọn lựa việc làm; ý nghĩa của việc làm; những nhân tố tác động đến tìm kiếm việc làm, cho thấy những kết quả sau:
Một là, hành vi học tập
Trên cơ sở 10 nhân tố đánh giá các biểu hiệu trong hành vi học tập của sinh viên hiện nay, như: tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp; thảo luận về bài học; học thêm ngoại ngữ/tin học; học thêm về kiến thức/kỹ năng/ngành, nghề cần thiết khác; phát biểu trên lớp; chủ động trao đổi với giáo viên về nội dung bài giảng; nghiên cứu khoa học; sử dụng tài liệu khi thi/kiểm tra mà chưa được phép, có thể thấy xu hướng nhất định. Cụ thể, sinh viên thực hiện tốt các quy định về quá trình học tập, như: tham dự các buổi học (thường xuyên), làm đầy đủ các bài tập, tham gia thảo luận, học thêm ngoại ngữ/tin học (thường xuyên), tìm kiếm tư liệu (thỉnh thoảng), nghiên cứu khoa học (hiếm khi), sử dụng tài liệu không đúng quy chế trong phòng thi/kiểm tra (hiếm khi).
Khi so sánh sự khác biệt giữa sinh viên nam và sinh viên nữ, nghiên cứu cho thấy, nữ sinh viên thể hiện hành vi đầy đủ hơn ở các khía cạnh tham gia đầy đủ buổi học trên lớp, làm bài đầy đủ theo yêu cầu, thảo luận trên lớp về bài học, tìm kiếm tài liệu học tập, học thêm ngoại ngữ; trong khi nam sinh viên có xu hướng rõ hơn về các hoạt động khác, như nghiên cứu khoa học, trao đổi với giảng viên, và đáng lưu ý là sử dụng tài liệu không đúng quy chế trong phòng thi/kiểm tra.
Nếu nhìn nhận về sự khác biệt giữa nhóm dưới 23 tuổi và nhóm trên 23 tuổi, không có sự khác biệt quá lớn khi đề cập về các dạng hành vi học tập này. Đa số các ý kiến không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi, trừ nhận định liên quan đến hành vi học tập ngoại ngữ và các hình thức bổ trợ ở nhóm trên 23 tuổi cao hơn nhóm dưới 23 tuổi. Như vậy, nhóm người trên 23 tuổi nhận diện rõ hơn về các hình thức trợ giúp cho quá trình học tập chuyên môn để có thêm những kỹ năng bổ trợ là yếu tố khá quan trọng để hướng đến tìm kiếm việc làm sau này.
Hai là, mối quan hệ giữa nghỉ ngơi và học tập
Ý nghĩa về mối quan hệ giữa nghỉ ngơi và học tập được đưa ra so sánh dưới hai cách nhìn: Nghỉ ngơi mới là cái làm cho cuộc sống đáng để sống chứ không phải là công việc; và, công việc làm cho cuộc sống đáng để sống chứ không phải là nghỉ ngơi. Đánh giá về ý nghĩa của công việc và cuộc sống, các phản hồi đánh giá cao ý nghĩa công việc làm cho cuộc sống đáng để sống chứ không phải là nghỉ ngơi. Điều này cho thấy, đánh giá tích cực của sinh viên về ý nghĩa/giá trị của công việc trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một tỷ lệ khá lớn còn lưỡng lự trong đánh giá về sự đúng/sai về những nhận định trên (chiếm gần 50%). Nhóm nam giới đánh giá nhiều hơn về mức độ đồng ý với quan điểm cần nghỉ ngơi hơn so với nhóm nữ giới, trong khi nữ giới lại đánh giá cao hơn về ý nghĩa công việc.
Về mối quan hệ giữa nghỉ ngơi và học tập, một trong những xu hướng hiện nay trên thế giới trong nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến lối sống là quan tâm về việc giữ cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Từ sự phản hồi này, nghiên cứu cũng nhận diện được định hướng của giới trẻ hiện nay về công việc khá rõ, vì đó cũng là sự hướng đích mà sinh viên cần hướng đến khi kết thúc chương trình học tập.
Ba là, tiêu chí lựa chọn việc làm
11 tiêu chí liên quan đến vấn đề việc làm hiện nay được đưa ra, đó là: phù hợp với năng lực; lương cao; công việc chắc chắn; giờ giấc thích hợp; công việc thú vị; có thể thành đạt; tính xã hội của việc làm; có trách nhiệm; có cơ hội sử dụng những sáng kiến; không nhiều áp lực; có các kỳ nghỉ rộng rãi.
Xem xét các tiêu chí chọn lựa việc làm, các chỉ báo về: phù hợp với năng lực; lương cao; công việc chắc chắn là những thông tin được sinh viên phản hồi đánh giá là cao nhất. Điều này cho thấy, giá trị việc làm phải gắn liền với thu nhập và ổn định, trong khi các chỉ báo liên quan đến sự hài lòng, điều kiện, hay tính xã hội của việc làm chưa được sinh viên nhìn nhận là các tiêu chí quan trọng hơn. Qua kiểm định, các tiêu chí này được chia thành ba nhóm: Nhóm 1: giờ giấc thích hợp, công việc ổn định, có trách nhiệm; được tôn trọng; phù hợp với năng lực. Nhóm 2: công việc thú vị; lương cao; có cơ hội để sử dụng sáng kiến; có thể cảm thấy thành đạt. Nhóm 3: không có nhiều áp lực; có nhiều ngày nghỉ.
Qua việc phân nhóm các tiêu chí lựa chọn nghề nghiệp, sinh viên quan tâm nhiều đến các công việc phù hợp với năng lực, được tôn trọng, ổn định,… nhiều hơn những khía cạnh liên quan đến ngày nghỉ hay các điều kiện làm việc khác. Kết quả này phản ánh quan điểm hiện thực của giới trẻ trong việc định hướng việc làm hiện nay trong những điều kiện bất định về vấn đề việc làm, thu nhập nói chung của xã hội.
Bốn là, ý nghĩa của việc làm
Ở nội dung này, nghiên cứu có đưa ra một số nhận định nhằm nhận diện mức độ đánh giá của sinh viên về ý nghĩa của vấn đề việc làm hiện nay trong cuộc sống nói chung, trong việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên nói riêng. Các nhận định giả định gồm: Ðể phát triển đầy đủ tài năng của mình, bạn phải có việc làm; Thật xấu hổ khi được nhận tiền mà không phải làm gì; Người không làm việc sẽ trở thành lười biếng; Làm việc là trách nhiệm đối với xã hội; Người ta không nên làm việc nếu người ta không muốn; Công việc là trên hết, kể cả khi điều đó có nghĩa là bớt thời gian rảnh rỗi.
Đánh giá về những nhận định trên, phản hồi về đánh giá “người không làm việc sẽ trở thành lười biếng” nhận được sự tán thành cao hơn các nhận định khác. Tiếp đến là đánh giá “làm việc là trách nhiệm đối với xã hội”. Trong khi các phản hồi còn lại dưới mức trung bình ở đánh giá “công việc là trên hết, kể cả khi điều đó có nghĩa là bớt thời gian rảnh rỗi”. Điều này đồng nghĩa với việc cần có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những đánh giá về các nhận định khác đạt ở mức trên bình thường.
Qua phân tích, hai nhóm nhân tố được hình thành: Nhóm 1: Thật xấu hổ khi được nhận tiền mà không phải làm gì; Người không làm việc sẽ trở thành lười biếng; Làm việc là trách nhiệm đối với xã hội; và Để phát triển đầy đủ tài năng của mình, bạn phải có việc làm. Nhóm 2: Người ta không nên làm việc nếu người ta không muốn và Công việc là trên hết, kể cả khi điều đó có nghĩa là bớt thời gian rảnh rỗi. Điều này cho thấy, đánh giá cao ý nghĩa của công việc, việc làm đối với sự phát triển cá nhân cũng như góp phần vào sự phát triển xã hội. Đây là những nhân tố được giới trẻ quan tâm hơn khi nhìn nhận vai trò của việc làm hiện nay, và điều này cũng có những tác động không nhỏ đến việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay của sinh viên.
Khi so sánh về sự phản hồi những đánh giá này từ sự khác biệt độ tuổi, điều khá thú vị là với những nhận định được nhóm theo nhóm 1, nhóm người trả lời dưới 23 tuổi trả lời có xu hướng tán thành hơn nhóm người trên 23 tuổi, trong khi đó xu hướng đánh giá lại ngược lại giữa hai nhóm tuổi ở nhóm đánh giá 2. Điều này cũng có nghĩa, những người ở độ tuổi lớn hơn và đã có cơ hội đi làm lại nhìn nhận rõ hơn về bản chất công việc cũng như sự cân bằng giữa việc làm và công việc theo đuổi. Việc đánh giá về công việc cũng được nhìn nhận từ quan điểm xem xét sự công bằng trong môi trường làm việc. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, cách trả lương như vậy là công bằng. Đánh giá này nhấn mạnh đến năng lực làm việc, đó là nền tảng cho việc đánh giá hiệu quả công việc. Trong việc đánh giá về sự công bằng này, không có sự khác biệt giữa những nhóm sinh viên nam và sinh viên nữ, tuy nhiên có sự khác biệt khá lớn giữa nhóm người dưới 23 tuổi (94,9%) và trên 23 tuổi (87,8%).
Mối quan tâm đến các vấn đề chung trong cuộc sống, được đo lường bởi các nhân tố: mức độ tăng trưởng kinh tế cao; bảo đảm được nước có lực lượng vũ trang mạnh; người dân có quyền bàn nhiều hơn về cách thức công việc được tiến hành tại nơi làm việc và cộng đồng; cố gắng làm cho chỗ ở của mình đẹp hơn.
Trong các khía cạnh này, sinh viên đánh giá và lựa chọn nhiều với “mức độ tăng trưởng kinh tế cao” - lựa chọn 1 được phản hồi cao nhất, trong khi lựa chọn 2 có được sự phản hồi cao nhất là “cố gắng làm cho chỗ ở của mình đẹp hơn”; phản hồi của sinh viên về “bảo đảm được nước/quốc gia đó có lực lượng vũ trang mạnh” cũng thu được sự phản hồi khá cao về lựa chọn 2. Trong lựa chọn 1, quan điểm đánh giá hướng nhiều hơn đến khía cạnh kinh tế, mà chưa đề cập nhiều đến các khía cạnh liên quan đến tạo nên những cách thức đóng góp vào phát triển xã hội, cũng như tạo sự thay đổi về điều kiện sống từ chính điều kiện sống của bản thân, cùng sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung của xã hội.
Năm là, nhân tố tác động đến tìm kiếm việc làm
Để tìm hiểu nhân tố tác động đến tìm kiếm việc làm, nghiên cứu đã đưa ra các giả định sau: Một thu nhập tốt để bạn không phải lo về tiền bạc; Một công việc chắc chắn không có rủi ro bị đóng cửa hay thất nghiệp; Làm việc chung với những người bạn thích; và, Làm một công việc quan trọng đem lại cho bạn cảm giác thành công.
Kết quả cho thấy, trong vấn đề tìm việc làm, sinh viên cho rằng, thu nhập tốt để không lo về tiền bạc là tiêu chí được sinh viên quan tâm nhiều nhất (74,4%), trong khi tiêu chí quan trọng được lựa chọn thứ hai là môi trường làm việc (làm việc chung với những người bạn thích). Ở lựa chọn 1, ngoài khía cạnh thu nhập, sự lựa chọn thứ hai là công việc ổn định, bảo đảm về công việc trong tương lai. Những nhân tố này có tác động rất rõ đến xu hướng chọn lựa và định hướng nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay.
Đánh giá và bình luận
Từ các phản hồi của sinh viên về giá trị của học tập và việc làm, nghiên cứu đưa ra một số đánh giá như sau:
Thứ nhất, sinh viên đã thể hiện mối quan tâm đến quá trình học tập, nhưng đa phần chú ý nhiều hơn đến việc tham dự/hiện diện trên lớp học. Các thông tin thu được cho thấy, mức độ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động học thuật đạt mức thấp. Trong những phản hồi như vậy, sinh viên nữ có xu hướng học tập chăm chỉ hơn nam sinh viên. Trong đó, nữ sinh viên quan tâm nhiều hơn đến mức độ chuyên cần, vấn đề tìm kiếm tài liệu học tập, tham gia học thêm ngoại ngữ; nam sinh viên quan tâm nhiều hơn đến việc đề cao ý nghĩa của nghiên cứu khoa học, cũng như định hướng học tập, rèn luyện các kỹ năng ngành, nghề. Sự định hướng này cũng phù hợp với các khía cạnh về tâm sinh lý, định hướng giới trong các hoạt động học tập, trong môi trường đào tạo hiện nay.
Thứ hai, bên cạnh việc định hướng các giá trị trong vấn đề học tập, qua việc chỉ ra quan điểm về mối quan hệ giữa học tập và nghỉ ngơi, các phản hồi cho thấy, sinh viên đề cao ý nghĩa của việc làm, giá trị và ý nghĩa của công việc dành cho cuộc sống. Theo đó, nữ giới đề cao ý nghĩa công việc hơn nam giới, và ngược lại, nam giới đề cao vấn đề nghỉ ngơi trong cuộc sống. Nhóm sinh viên đã tốt nghiệp nhìn nhận có tính hiện thực hơn về vấn đề giữa nghỉ ngơi và công việc, đề cao hơn vai trò của công việc trong cuộc sống. Từ định hướng giá trị này, đây cũng là nội dung cần quan tâm hơn đến việc nhận diện rõ vai trò của công việc trong cuộc sống của sinh viên hiện nay cũng như cần giúp cho sinh viên có những sự chuẩn bị phù hợp cho những định hướng công việc sau này.
Thứ ba, xác định công việc như một công cụ trong cuộc sống, giới trẻ đề cao các loại hình công việc sao cho phù hợp với năng lực bản thân, có khả năng tạo thu nhập và ổn định. Ở chiều ngược lại, có ít mối quan tâm đến loại hình công việc mà có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ít áp lực trong công việc. Các phản hồi liên quan đến vị thế của loại hình công việc (như thú vị, được tôn trọng, cảm thấy có trách nhiệm) chỉ đạt được sự phản hồi ở mức trung bình. Các phản hồi này cũng tương thích với đánh giá về ý nghĩa công việc cho thấy, giới trẻ nhận diện vấn đề công việc có tính hiện thực và phù hợp với bối cảnh cuộc sống hiện nay của xã hội và của bản thân sinh viên.
Thứ tư, sinh viên đã nhận diện mức độ ý nghĩa của việc làm là đóng góp được cho nền kinh tế, tạo được sự công bằng trong thu nhập và hướng đến đánh giá đúng ý nghĩa của việc có được việc làm trong cuộc sống. Mặc dù vậy, giới trẻ cũng có sự cân bằng giữa việc bất chấp có việc làm so với cần có thời gian để tái sản sinh sức khỏe, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Điều đó cũng được thể hiện qua việc giới trẻ hiện nay đề cao về mức thu nhập (lựa chọn số 1) trong mối quan hệ cân bằng với có được môi trường làm việc thân thiện, với những cá nhân có cùng sở thích mối quan tâm để phát triển (lựa chọn số 2).
Thông qua những đánh giá về định hướng giá trị về học tập, việc làm như vậy, sinh viên có cách nhìn rất hiện thực về đời sống hiện nay cũng như cả trong quá trình đào tạo. Những vấn đề việc làm cho giới trẻ nói chung hiện nay có tác động nhiều đến việc trải nghiệm thực tế của giới trẻ trong học tập, cũng như những vấn đề chưa bình đẳng trong việc làm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng công việc, nhận diện công việc trong tương lai của giới trẻ. Mặc dù vậy, giới trẻ luôn có những cách nhìn, định hướng tích cực đến việc nhận diện ý nghĩa chung về vấn đề học tập, việc làm. Cách đánh giá của sinh viên như vậy có tính bối cảnh và những định hướng tích cực đó cần được các nhà giáo dục, quản lý, thực hiện chính sách nhận diện và tạo được các hoạt động để hiện thực hóa các xu hướng đó trong thực tiễn./.
---------------------------------------
* Bài viết trong khuôn khổ đề tài: “Thực trạng và xu hướng giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay” (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội) thuộc nhóm đề tài nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013.
Tổ chức các cơ quan chuyên môn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh  (02/03/2016)
"Sức nóng" của ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân  (02/03/2016)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Temasek  (02/03/2016)
Chủ tịch nước trao huân chương cho Chánh án Tòa án tối cao Nga  (02/03/2016)
Yêu cầu Văn phòng Quốc hội tham mưu, chuẩn bị tốt cho ngày bầu cử  (02/03/2016)
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trao đổi các định hướng lớn  (02/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay