TCCSĐT - Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được thể hiện tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau… thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Điều đó được thể hiện thông qua việc Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chiến lược về bình đẳng giới, trong đó tiêu biểu là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ban hành năm 2007 với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%”. Bên cạnh đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 cũng đề ra chỉ tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%”.

Trong thực tế, nhiều bộ, ngành và tỉnh/thành phố đã ban hành chỉ thị, chương trình hành động về triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ, công tác phụ nữ. Nhiều địa phương đã có chính sách khuyến khích cán bộ nữ đi học chính trị, chuyên môn nghiệp vụ với mức hỗ trợ cao hơn so với cán bộ nam giới. Một số nơi xây dựng Quỹ Khuyến học và phát triển tài năng nữ (như tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh). Một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã bổ nhiệm cán bộ nữ giữ các cương vị chủ chốt (như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam,…). Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có một số bước tiến mới, song tỷ lệ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố hiện đạt rất thấp, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo cấp trưởng. Cán bộ nữ chủ yếu vẫn giữ vị trí cấp phó,...

Theo số liệu phân tích tình hình cán bộ nữ các cấp ủy địa phương trên phạm vi toàn quốc của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cho thấy: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đã có sự chuyển biến ở cấp huyện và cấp xã, nhiệm kỳ sau tăng hơn nhiệm kỳ trước và đạt trên 15%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp của phụ nữ, cấp tỉnh 3 nhiệm kỳ liên tục không tăng và chưa đạt 15%, chưa đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Nhìn lại tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam so với các nước trên thế giới thấy rõ, thứ hạng của Việt Nam ngày càng giảm sút trong khu vực và trên thế giới. Nếu năm 1997, với tỷ lệ 26,2%, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng vị trí thứ 8 trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, thì hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5/11 nước trong khu vực Đông Nam Á (sau Đông Timor, Philippines, Singapore và Lào), đứng thứ 55 trên thế giới, thứ 10 châu Á. Điều đáng quan tâm là, trong khi tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam giảm thì tỷ lệ trung bình nữ nghị sĩ trên thế giới lại có xu hướng tăng lên hằng năm.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ về kết quả bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016: có 18/63 tỉnh/thành có tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 30% trở lên; 26/63 tỉnh/thành có tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 20 - 30%; cá biệt 7/63 tỉnh/thành có tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh dưới 15%. Tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh cao nhất là Tuyên Quang (46,55%), thấp nhất là An Giang (11,27%).

Theo báo cáo nghiên cứu “Phụ nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị: niềm tin và sự lựa chọn của người dân” của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) cho thấy: 61,5% công chức nữ và 48,5% công chức nam, 51,4% người dân nữ và 50,8% người dân nam cho rằng, phụ nữ và nam giới có thể làm lãnh đạo tốt như nhau. Tuy nhiên, từ quan điểm đến hành động lại có sự khác biệt khi họ phải cân nhắc lựa chọn nữ làm lãnh đạo, 71,8% công chức nữ và 63,8% người dân nữ, 69,1% công chức nam và 54,6% người dân nam khi được hỏi đều không lựa chọn phụ nữ làm lãnh đạo.

Người dân tin vào năng lực của phụ nữ làm lãnh đạo nhưng không lựa chọn phụ nữ vì cho rằng, nữ giới làm lãnh đạo sẽ vất vả, và có thể không toàn tâm, toàn ý với công việc. Gánh nặng việc nhà của phụ nữ chưa được chia sẻ từ các thành viên trong gia đình. Người dân vẫn đòi hỏi tiêu chuẩn kép ở người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hay các giá trị về “công, dung, ngôn, hạnh” vẫn tồn tại trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu xây dựng hình ảnh nữ giới đẹp về ngoại hình, trang phục, phương tiện cá nhân hiện đại mà ít có các chương trình truyền thông về nữ giới lãnh đạo giỏi.

Vai trò của công tác truyền thông đối với sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới nói chung và sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng cho cán bộ và nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức và người dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới đang ngăn cản sự tiến bộ của phụ nữ, sự phát triển của đất nước, từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới, vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, cộng đồng. Nhất là trước mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội hay bầu cử hội đồng nhân dân thì công tác truyền thông về sự tiến bộ của phụ nữ đều được các cơ quan vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thúc đẩy thực hiện.

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ; trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không lựa chọn sinh con theo giới tính; trong cách nhìn nhận về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội.

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Tiến - Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội “công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị không mang tính lâu dài, chỉ chạy theo kiểu làm “chiến dịch” và chưa được xem là nhiệm vụ thường xuyên của truyền thông”. Chính việc tuyên truyền chưa mang tính dài hạn, thường xuyên và sâu rộng đã góp phần làm cho sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn thấp.

Một số giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Cần quán triệt sâu sắc quan điểm bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo, coi đây là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Xây dựng năng lực truyền thông cho đội ngũ phóng viên báo chí, trong đó tập trung đi sâu vào năng lực truyền thông về nhạy cảm giới, quyền tham gia chính trị của phụ nữ, nguyên tắc không phân biệt đối xử với phụ nữ. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần chú ý đến những chương trình, chiến dịch truyền thông mang tính dài hạn, đồng thời chú trọng nêu gương tốt, xây dựng các gương phụ nữ điển hình trong công việc, là người lãnh đạo giỏi có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia.

Thứ ba, xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ trong các cấp, các ngành theo từng lĩnh vực, từng địa phương; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Thực hiện luân chuyển cán bộ nữ theo quy hoạch, kết hợp luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp để bảo đảm cơ cấu ngay từ trong quy hoạch.

Thứ tư, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như: quy định ưu tiên đối với nữ trong tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Quy định tỷ lệ nữ được bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước,… Mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu thực hiện tốt việc nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo, nữ cán bộ quản lý và nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực./.