Một số ý kiến về chế định quyền an sinh xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Về quyền an sinh xã hội
Trong pháp luật nhân quyền quốc tế, quyền an sinh xã hội được chế định chủ yếu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ( ICCPR, năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, năm 1966). Các điều ước quốc tế, nhìn chung, xác định nội dung quyền an sinh xã hội của tất cả mọi người, không loại trừ ai, gồm:
- “… có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”;
- “… không ai bị bắt làm nô lệ hoặc cưỡng bức làm việc như nô lệ;… không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm;… không ai bị bắt giam hay lưu đày một cách tùy tiện;… không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín…”
- “… có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa không thể thiếu để bảo đảm nhân phẩm và tự do phát triển về nhân cách”;
- “… có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp”;
- “… có quyền được trả công ngang nhau”;
- “… có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý”;
- “… có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn”;
- “… có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương.”
- “… có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua,…”(1). Và yêu cầu các quốc gia thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm các quyền này”(2).
Quyền an sinh xã hội bao gồm quyền trực tiếp và quyền gián tiếp hay quyền thụ động: Quyền được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch,...; Tự do (hay quyền cơ bản) tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo,...; Trách nhiệm của xã hội bảo vệ và thực hiện các quyền an sinh xã hội, có quyền, nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt các nhóm dễ bị tổn thương.
Nội dung quyền an sinh xã hội được phân thành 4 nhóm: Nhóm quyền được sống hay được tồn tại; Nhóm quyền được bảo vệ; Nhóm quyền được phát triển và Nhóm quyền được tham gia.
Việt Nam tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ngày 24-9-1982) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ngày 24-9-1982). Quyền an sinh xã hội được chế định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, gồm cả lần sửa đổi vào năm 2001. Quyền an sinh xã hội đã được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Bộ luật Lao động (năm 1994, được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2012), Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004), Luật về người khuyết tật (năm 2010), Luật về người cao tuổi (năm 2009), Bộ luật Dân sự (năm 2005), Bộ luật Hình sự (năm 1999),…
Chế định quyền an sinh xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chế định tương đối toàn diện quyền an sinh xã hội của người dân, bao gồm:
Thứ nhất, các quyền trực tiếp
Điều 21 (mới): Mọi người có quyền sống.
Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71):
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.
3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý.
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73):
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.
Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70): 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,...
Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74):
1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57):
1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh.
2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh.
Khoản 2 Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56): 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Khoản 2 Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64): 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65):
1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Điều 43 (sửa đổi, bổ sung Điều 60): 1. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Điều 44 (mới): Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa.
Điều 46 (mới):
1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành.
2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56):
1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.
2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Khoản 2 Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40): 2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.
Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67): 1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, quyền an sinh xã hội được hàm chứa trong việc chế định các quyền con người, quyền công dân và các quyền khác
Cụ thể trong Điều 16 (mới); Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52); Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72); Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58); Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43); Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25); Điều 55 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26); Điều 56 (sửa đổi, bổ sung các Điều 22, 23 và 25); Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18); Điều 59 (mới); Điều 60 (sửa đổi, bổ sung Điều 27); Điều 67 (sửa đổi, bổ sung Điều 37, Điều 38); Điều 68 (mới).
Nhìn chung, việc chế định quyền an sinh xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khắc phục được sự không rõ ràng giữa quyền con người với quyền công dân cũng như chuyển được cách thức thiết lập quyền an sinh xã hội từ chỗ quy định quyền này dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền cho công dân và mọi người sang việc xác định công dân và mọi người được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền an sinh xã hội cho người dân.
Dự thảo cũng đã dành cho quyền an sinh xã hội một khuôn khổ khá rộng lớn gồm cả quyền trực tiếp và quyền hàm chứa, với nhiều quyền cơ bản mà luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp của các nước trên thế giới đã ghi nhận; trong đó có một số quyền mới (quyền sống, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật; quyền được sống trong môi trường trong lành;...).
Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, còn thiếu hình thức chế định quyền an sinh xã hội dưới dạng “trách nhiệm” của xã hội và quyền được bảo vệ, nhất là đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi,...).
Dự thảo chế định chưa thật rõ “quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn”; “quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương” của người lao động theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và tham gia ký kết.
Hơn nữa, cách diễn đạt ở một số điều có thể gây ra những băn khoăn, thắc mắc. Ví dụ như Khoản 1 Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) dùng những từ “tạo việc làm” trong cụm từ “tạo điều kiện để tạo việc làm” có thể làm nảy sinh nghi vấn: Vậy những người không có khả năng “tạo việc làm” cho bản thân và cho cộng đồng hay xã hội có được Hiến pháp “tạo điều kiện” không? (Nguyên văn là: 1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động).
Một số kiến nghị
Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Nhiệm vụ đó phải được chế định một cách toàn diện trong Hiến pháp, tạo khung thể chế cơ bản để các ngành, các cấp thực hiện. Theo chúng tôi, để hoàn thiện việc chế định quyền an sinh xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nên:
- Khoản 2 Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) đã quy định: “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật”. Nhưng như thế vẫn chưa đủ về đối tượng. Nên bổ sung cả nhóm đối tượng là phụ nữ và những người dễ bị tổn thương nói chung.
- Bổ sung một khoản trong Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10) về quyền gia nhập công đoàn của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Bổ sung một khoản - có thể ở Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) hoặc Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) - về “quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương” của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, nên có một khoản, tốt nhất là một điều ở Chương 2, quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, trong đó có quyền an sinh xã hội.
- Thay chữ “tạo” bằng chữ “có” trong cụm từ “tạo việc làm...” ở Khoản 1 Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56).
- Về kỹ thuật lập hiến, nhiều điều trong Dự thảo ràng buộc các quyền hiến định “theo” và do đó, thấp hơn “quy định của pháp luật”. Vì thế nên thay chữ “theo” bằng chữ “do” hay chữ “bằng” và chỉnh sửa cách diễn đạt một số điều khác theo hướng gắn gọn, khúc triết hơn để xứng tầm Hiến pháp./.
----------------------------------------------
(1) Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Hỏi đáp về quyền con người, Nxb. Công an nhân dân, H. 2010, tr.237-243
(2) Đại học quốc gia Hà Nội, Quyền con người - Tập tài liệu chuyên đề của Liên hợp quốc, Nxb. Công an nhân dân, H. 2010, tr.289
Tiêm vắc-xin không đủ liều - trẻ có nguy cơ mắc các dịch bệnh nguy hiểm  (14/05/2013)
Nợ công của nhóm PIIGS: Những điểm tương đồng và khác biệt  (14/05/2013)
Đà Lạt: Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Nhóm Tư vấn AIPA  (14/05/2013)
Hà Nội: Thí điểm thi tuyển lãnh đạo  (13/05/2013)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri  (13/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay